Agribank Lào Cai - đột phá trong phát triển sản phẩm dịch vụ
Agribank miền Trung chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng lũ | |
Mở đường vốn cho nông sản sạch | |
Khẳng định vai trò đầu tàu trong xây dựng nông thôn mới |
Đã đi qua nhiều chi nhánh Agribank tại các tỉnh, thành cả nước, chúng tôi ít thấy nơi nào mà mảng dịch vụ lại phát triển mạnh như ở Lào Cai.
Khi nghe Phó Giám đốc Agribank Lào Cai, phụ trách dịch vụ, ông Nguyễn Ngọc Thuận, chia sẻ chỉ riêng doanh thu từ mảng dịch vụ đã đủ để NH này “nuôi quân”, chúng tôi cứ bán tín bán nghi. Bởi mảng dịch vụ NH hiện đại vốn không phải là thế mạnh đối với một NH gắn bó với nông nghiệp - nông thôn, khu vực thường xa lạ với những sản phẩm công nghệ mới như thẻ ATM, hay Internet Banking… Nhất lại là ở một tỉnh miền núi như Lào Cai.
Bứt phá của người đi sau
Nhớ lại những ngày đầu khai phá một mảng kinh doanh mới với nhiều bỡ ngỡ, ông Nguyễn Ngọc Thuận cho biết khi bắt tay vào phát triển sản phẩm dịch vụ, Agribank Lào Cai chỉ là “tân binh” so với các NHTM khác trên địa bàn. Năm 2006, dịch vụ thẻ ATM bắt đầu “nở rộ” ở Lào Cai, nhận thấy đây là cơ hội vàng, các NHTM đã nhanh chóng đưa ra chiến lược kinh doanh nhằm tìm kiếm khách hàng, chiếm lĩnh thị trường thẻ để tăng nguồn thu…
Phát triển sản phẩm dịch vụ mang lại hiệu quả cho hoạt động của Agribank Lào Cai |
Là ngân hàng thứ 3 sau Techcombank và BIDV, Agribank Lào Cai bắt đầu tấn công vào lĩnh vực khá mới mẻ này. Tuy nhiên, trước những khó khăn về nguồn nhân lực, thiếu kiến thức về thị trường thẻ, giữa cuộc cạnh tranh gay gắt của các NHTM, Agribank Lào Cai gặp không ít thách thức. Đặc biệt tại thời điểm đó chiếc thẻ vẫn còn rất xa lạ đối với người dân Lào Cai, bởi thói quen giao dịch tiền mặt đã ăn sâu vào đời sống sinh hoạt của đồng bào vùng cao biên giới này.
Mặc dù vậy, truyền thống, thương hiệu và đặc biệt là uy tín đã được xây dựng nhiều năm là cơ sở để Ban giám đốc Agribank Lào Cai tin vào sự đột phá trong lĩnh vực thẻ ATM. Một tổ nghiệp vụ thẻ đã được thành lập với mục đích thực hiện cuộc “cách mạng” tuyên truyền để đưa chiếc thẻ đến gần hơn với người dân.
Những ngày đầu, các cán bộ làm công tác tiếp thị, truyền thông của Agribank đến “gõ cửa” từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn để vận động trả lương qua tài khoản. Từ hoài nghi, tò mò đến tin tưởng, nhiều khách hàng dần bị thuyết phục và bắt đầu thay đổi thói quen, chuyển sang sử dụng chiếc thẻ ATM.
Số thẻ ATM không ngừng tăng lên qua từng năm là minh chứng rõ nhất cho thành công của đơn vị trong phát triển lĩnh vực thẻ. Tính đến nay, đã có gần 148.000 thẻ được chi nhánh phát hành, tăng gấp 35 lần so với thời điểm cách đây 10 năm. Hiện có tới hơn 1.000 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang chọn Agribank là địa chỉ để thực hiện trả lương qua tài khoản. Nếu như năm 2006, so với các NH khác trên địa bàn Lào Cai thị phần thẻ của Agribank chỉ chiếm 35%, thì đến nay sau 10 năm triển khai, trên chiếc thẻ ATM mang thương hiệu Agribank đã chiếm tới 67% thị phần.
Không chỉ đứng đầu về số lượng thẻ ATM phát hành, Agribank Lào Cai còn được đánh giá là NHTM có chất lượng thẻ tốt nhất. Năm 2009 chi nhánh hoàn thành chương trình IPCAS giai đoạn 2. Đây là điều kiện thuận lợi để Agribank Lào Cai thanh toán, chi trả tiền lương qua tài khoản thẻ. Số dư tài khoản thẻ tiếp tục tăng trưởng chiếm ưu thế vượt trội trên thị trường, với nguồn vốn rẻ chi phí thấp đã làm tăng thu nhập cho chi nhánh.
Để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tăng năng lực cạnh tranh với các NHTM khác trên địa bàn, Agribank Lào Cai mạnh dạn mở rộng cơ sở hạ tầng thanh toán. Sau 10 năm phát triển, đến nay chi nhánh đã lắp đặt 23 cây rút tiền ATM và là NH duy nhất có cây ATM phủ sóng ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hiện đơn vị đã có 160 máy chấp nhận thẻ (POS) đặt tại siêu thị, nhà hàng, khách sạn, tạo thuận lợi nhất cho khách hàng trong việc thanh toán qua thẻ.
Nỗ lực để giữ vị trí dẫn đầu
Khi chiếc thẻ ATM đã trở thành một phần không thể thiếu trong ví tiền, việc sử dụng tài khoản để giao dịch đã trở thành thói quen của đông đảo người dân Lào Cai, đơn vị bắt tay vào việc đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ khác. Năm 2010, chi nhánh bắt đầu triển khai dịch vụ Mobile Banking và ngay lập tức đã nhận được sự đón nhận của đông đảo khách hàng. Nếu như năm 2010 mới có trên 20.000 chủ thẻ sử dụng dịch vụ Mobile Banking, thì cho đến nay sau hơn 5 năm triển khai con số đó đã tăng gấp 5 lần, chiếm 68% số khách hàng mở tài khoản thẻ.
Một nhóm sản phẩm dịch vụ mới được triển khai nhưng đem lại nhiều kết quả tích cực là dịch vụ thanh toán hóa đơn với 5 loại hình điện, nước, cước viễn thông, học phí, phí bảo hiểm. Các dịch vụ này đang đem lại tiện ích lớn, được khách hàng đánh giá cao và tạo tiền đề để Agribank Lào Cai tiếp tục khai thác thế mạnh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, từ cuối năm 2015 Agribank đã đưa ra các dịch vụ mới như chi trả kiều hối (Wetstern Union) qua tin nhắn SMS, dịch vụ Bank Plus, dịch vụ thu thanh toán cước viễn thông qua tin nhắn SMS… Các giao dịch chuyển tiền qua dịch vụ này ngày càng gia tăng, chứng tỏ đã được khách hàng chấp nhận sử dụng, qua đó góp phần tăng nguồn thu đáng kể từ khai thác sản phẩm dịch vụ.
Năm 2011, Agribank Lào Cai là đơn vị tiên phong trong hợp tác với Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để triển khai dịch vụ thu ngân sách Nhà nước. Kết quả, năm 2015 tổng số thu ngân sách Nhà nước là hơn 99.300 món, với số tiền thanh toán đạt 2.532 tỷ đồng, góp phần không nhỏ giúp Lào Cai hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách năm.
Ngoài ra, một lĩnh vực được Chi nhánh rất chú trọng là nhóm sản phẩm liên kết Ngân hàng - Bảo hiểm. Hoạt động này luôn được ABIC (CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp) đánh giá cao, thể hiện ở doanh thu bán bảo hiểm năm sau luôn tăng cao hơn năm trước. Chỉ tính năm 2015, doanh số bán bảo hiểm của đơn vị đạt gần 14 tỷ đồng, doanh thu hoa hồng từ việc bán bảo hiểm đạt 2,47 tỷ đồng. Từ năm 2008 đến nay, Agribank Lào Cai liên tục đạt các danh hiệu cho sản phẩm liên kết với CTCP Bảo hiểm thuộc Agribank Việt Nam.
Đặc biệt, nói đến dấu ấn trong phát triển sản phẩm dịch vụ tại Agribank Lào Cai 10 năm qua, không thể không nhắc đến dịch vụ thanh toán biên mậu. Trong số 9 TCTD đang thực hiện thanh toán biên mậu, Agribank Lào Cai luôn chiếm vị trí số một với trên 55% thị phần. Sau gần 20 năm triển khai dịch vụ thanh toán biên mậu, đến nay Agribank Lào Cai là NH duy nhất hợp tác thanh toán với tất cả các NHTM của Trung Quốc đặt chi nhánh tại tỉnh Vân Nam.
Ngay từ những năm đầu hợp tác, thanh toán biên mậu đã sớm phát huy những ưu điểm như mức độ an toàn, tiện lợi, nhanh chóng và chính xác, tiết kiệm chi phí và trở thành “điểm tựa” cho lĩnh vực xuất nhập khẩu. Hiện nay, có trên 300 DN kinh doanh xuất nhập khẩu trong và ngoài tỉnh thường xuyên mở tài khoản và thanh toán biên mậu tại Agribank Lào Cai.
Chi nhánh đã và đang tổ chức tốt các hoạt động và mở rộng nhiều hình thức hợp tác, liên kết để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu. Nhờ đó, hoạt động thanh toán biên mậu hiện rất ổn định, luôn đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Từ năm 2011 đến nay doanh số kinh doanh ngoại hối qua Agribank Lào Cai đạt 153.560 tỷ đồng và trở thành điểm sáng trong hệ thống Agribank Việt Nam.
Có thể nói, thành công trong lĩnh vực phát triển các sản phẩm dịch vụ đang đem lại nguồn lợi nhuận hàng năm rất lớn cho Agribank Lào Cai. Cụ thể, năm 2015 tổng nguồn thu từ phí dịch vụ của đơn vị đạt mức 68 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2014, năm 2016 dự kiến đạt 79 tỷ đồng, tăng trên 16% so với năm 2015. Những con số này đã giúp Agribank Lào Cai nhiều năm liền luôn nằm trong TOP đầu hệ thống Agribank Việt Nam trong lĩnh vực phát triển sản phẩm dịch vụ.
“Để có được kết quả ấn tượng đó, ngoài chiến lược đúng đắn trong phát triển dịch vụ, không thể không nhắc đến yếu tố con người”, ông Phạm Tiến Trình, Giám đốc Agribank Lào Cai không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm. Khẩu hiệu “Trung thực - Kỷ cương - Sáng tạo - Chất lượng - Hiệu quả” đã trở thành chân lý luôn được đội ngũ làm công tác dịch vụ, marketing hướng tới. Từ chân lý này, suốt những năm qua, họ không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và luôn nỗ lực cao nhất để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đơn vị giao hàng năm.