Áp lực lên cung vốn dài hạn là hiện hữu
Thanh khoản ngân hàng khá cân bằng | |
Lãi suất vẫn theo xu hướng ổn định | |
Các TCTD kỳ vọng kinh doanh tiếp tục cải thiện trong năm 2017 |
Khác với những năm trước, năm nay lãi suất huy động đã chạy theo xu hướng tăng từ khá sớm. Đầu tháng 2/2017 LietVietPostBank phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG) với kỳ hạn từ 18 tháng đến 5 năm, mức lãi suất cao nhất lên tới 8,8%/năm. Tiếp sau đó một loạt NH công bố về chương trình phát hành CCTG với lãi suất cao.
Gây bất ngờ là VPBank phát hành CCTG dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất lên tới 9,2%/năm (có kèm điều kiện áp dụng cho khoản tiền gửi 5 tỷ đồng trở lên, từ 100 triệu đến dưới 5 tỷ đồng là 9 - 9,1% và dưới 100 triệu là 8,9%/năm). So với lãi suất huy động thông thường mà VPBank đang áp dụng, mức lãi suất CCTG tối đa cao hơn 1,6%/năm và là mức cao nhất trong hệ thống hiện nay.
NHTMCP quy mô nhỏ hơn cũng nhập cuộc nhưng với thời gian và lãi suất “khiêm tốn” hơn như VietABank phát hành CCTG kỳ hạn ngắn chỉ từ 6 tháng đến 18 tháng với lãi suất lên đến 8,2% một năm.
Việc cơ cấu lại tín dụng cũng là điều kiện quan trọng giúp các NH giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn |
Động thái tăng phát hành CCTG với lãi suất cao của NH được giới kinh doanh nhận định nhằm hút vốn trung dài hạn đáp ứng quy định tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN.
Theo quy định của Thông tư 06, năm 2017, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các NH giảm từ 60% xuống 50% và kể từ năm 2018 thì hệ số này chỉ còn 40%. Bên cạnh đó, tín dụng tăng nhanh hơn huy động cũng là một nguyên nhân khiến các nhà băng tăng lãi suất huy động. CEO một NH thừa nhận về áp lực này: Thay đổi về cấu phần vốn như trên buộc các NH phải huy động vốn dài hạn nhiều hơn. Mà muốn huy động được vốn dài hạn thì lãi suất phải nâng lên, chắc chắn tác động đến chi phí của NH. “Dù không muốn nhưng NH không còn cách nào khác”, vị này bày tỏ.
Trên thực tế, bên cạnh nhiều NH chủ động điều chỉnh hệ số sử dụng vốn này về dưới 50% trước khi nó có hiệu lực như tại LienVietPostBank tỷ lệ này còn 48%, OCB còn khoảng hơn 46%... cũng có không ít NH gặp khó khăn khi điều chỉnh cấu phần vốn này. Bởi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của họ đã chạm trần.
Vì thế, các NH phải tăng cường huy động vốn trung dài hạn, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ phải tạm dừng cấp tín dụng cho các dự án vay vốn trung, dài hạn. Vì theo quy định tại Thông tư 06, TCTD không được cấp thêm bất kỳ khoản tín dụng trung hạn và dài hạn nào cho đến khi đáp ứng tỷ lệ quy định. Rõ ràng, chiểu theo quy định này, nếu áp dụng sẽ tác động làm hạn chế nguồn cung tín dụng trung, dài hạn tại một số NHTM.
Cung – cầu vốn trung, dài hạn căng thẳng hơn là một thực tế đang diễn ra, theo Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng. “Kinh tế có dấu hiệu hồi phục và phát triển nhiều dự án lớn. Mà càng nhiều dự án lớn thì nhu cầu vốn trung dài hạn lại càng tăng. Do đó, cầu hút vốn dài hạn của NH là khá cao”, TS. Hưởng lý giải.
Hiện đối với các NH có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức cao, như đã tiệm cận hoặc vượt mức 40% thì việc cấp tín dụng trung, dài hạn sẽ phải được tính toán kỹ càng thận trọng hơn để tránh hụt cấu phần vốn trong năm nay cũng như tự làm khó mình vào năm sau.
Theo chia sẻ của Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng ngay từ năm nay, NH này sẽ tăng trưởng tín dụng có kiểm soát ở mức hợp lý và chọn lọc đối với các khoản vay trung, dài hạn. Việc cơ cấu lại tín dụng cũng là điều kiện quan trọng giúp các NH thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Cách điều chỉnh từ từ và khá chủ động sẽ giúp cho NH bớt áp lực về chi phí vốn. Ngoài ra, NH sẽ tăng nguồn vốn huy động trung dài hạn theo hai hướng tăng vốn cấp 1, cấp 2.
“NH sẽ phải lên nhiều phương án làm sao lộ trình thực hiện các quy định của NHNN cán đích thành công”, ông Tùng chia sẻ thêm.
Trước những áp lực về cung vốn trung, dài hạn mà các NH đang đối mặt, một chuyên gia NH đề xuất, NHNN có thể xem xét lộ trình thực hiện quy định đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn về mức 50% không nhất thiết phải chốt cứng ngay từ đầu năm. Vì rất có thể có những NH gặp khó trong cân đối vốn phải đẩy huy động lãi suất cao để bù đắp nguồn thiếu hụt.
“Nếu đề xuất này được chấp thuận, không chỉ NH mà DN sẽ dễ thở hơn khi được vay với lãi suất thấp hơn”, một CEO NH bộc bạch. Dĩ nhiên, ở góc độ nhà quản lý, NHNN sẽ phải cân đối các mục tiêu đảm bảo tính bền vững trong hoạt động NH.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tùng, áp lực cung vốn trung, dài hạn có thể chỉ diễn ra trong năm 2017 - 2018. Nếu mọi việc phát tiến triển tốt, các NH chủ động cơ cấu nguồn hay nói cách khác mọi thứ vận hành trơn tru trong quỹ đạo thì đến năm 2019 – 2020, vấn đề vốn dài hạn sẽ diễn ra bình thường và không còn chịu áp lực lớn như hiện tại.