Lãi suất vẫn theo xu hướng ổn định
Thêm nhiều nhà băng giảm lãi suất huy động | |
Nếu đồng thuận, lãi suất vẫn có thể giảm | |
LienVietPostBank giảm nhẹ lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn |
Trung tuần tháng 3/2017, một số NHTM đưa ra mức lãi suất huy động (LSHĐ) hấp dẫn qua phương thức phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG), cao nhất tới hơn 9%/năm khiến thị trường sôi động. Nhưng tuần qua, hàng loạt NHTM lại điều chỉnh giảm LSHĐ. Mức giảm của LSHĐ lần này, cũng tùy từng NH.
Cụ thể, VPBank đã điều chỉnh giảm 0,1-0,3%/năm các kỳ hạn, mức giảm lên đến 0,3% đối với kỳ hạn 15 tháng, xuống còn 7,3%/năm. Các kỳ hạn 7 và 12 tháng giảm 0,1%, xuống tương ứng 6,9% và 7,1%/năm. Viet Capital Bank giảm 0,1% kỳ hạn 6 tháng, lãi suất kỳ hạn dài từ 18 đến 60 tháng giảm 0,1%, xuống còn 7,8%/năm. VIB giảm 0,1-0,3%/năm tất cả các kỳ hạn, trong đó LSHĐ cho kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,1% còn 5,1%/năm; kỳ hạn từ 3-5 tháng giảm 0,3% còn 5,2%/năm…
Maritime Bank giảm 0,2% mức LSHĐ kỳ hạn 18-36 tháng, từ 7,4% còn 7,2%. Biểu LSHĐ mới của các NHTM cho thấy lãi suất các kỳ hạn dài, từ 12 – 36 tháng vẫn khá hấp dẫn, kích thích khách hàng gửi tiền ở kỳ hạn dài. Đây là mục tiêu mà các NHTM hướng tới: tăng tỷ lệ vốn huy động trung và dài hạn.
Ảnh minh họa |
Việc các NH điều chỉnh giảm LSHĐ đã cho thấy không hề có cuộc chạy đua lãi suất nào như dư luận đồn đoán trước đó, mà hoàn toàn do quan hệ cung cầu vốn và mang tính thị trường. Và các NHTM điều chỉnh lãi suất nhằm cơ cấu lại nguồn vốn, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD.
Qua các dữ liệu thống kê tiền tệ, quan sát thị trường, đại diện Vụ chức năng NHNN cũng khẳng định: Việc các NHTM điều chỉnh tăng, giảm lãi suất theo chiến lược kinh doanh và điều kiện thị trường là hết sức bình thường. Do nhu cầu vốn tại một thời điểm nhất định, một số NHTMCP có thể tăng lãi suất cục bộ và tạm thời nhưng sau đó lại điều chỉnh giảm phù hợp với cung-cầu thị trường.
Bên cạnh đó, cũng có thể các NH cân đối lại nguồn vốn sau hoạt động quý I hoặc chiến lược “hút” thêm nguồn vốn “chạy đà” cho quý II hứa hẹn tín dụng sẽ tăng mạnh hơn. Bởi, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm đã tăng tới 3%, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước. Đây cũng là quý đã có 26.478 DN đăng ký thành lập mới, tăng 11,4% về số DN so với cùng kỳ năm 2016. Khi số lượng DN thành lập tăng thì nhu cầu vốn vay NH cũng sẽ tăng lên.
Ở góc độ khác, triển vọng kinh doanh của các NH vừa được Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) công bố trong kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2017 đối với các TCTD. Theo đánh giá của các TCTD, trong quý I/2017 các yếu tố nội tại và các nhân tố môi trường kinh doanh bên ngoài cải thiện chưa rõ nét so với quý trước.
Tuy nhiên, các TCTD kỳ vọng các yếu tố chủ quan và khách quan của môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện mạnh mẽ hơn trong cả năm 2017 so với năm 2016. Dự báo cũng cho thấy, huy động vốn của toàn hệ thống NH được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 5,58% trong quý II và tăng 16,23% trong năm 2017, giảm nhẹ so với mức tăng kỳ vọng 16,76% xác lập tại cuộc điều tra cuối tháng 12/2016. Đối với “đầu ra”, dư nợ tín dụng của hệ thống NH được TCTD kỳ vọng tăng trưởng 17,23% trong năm 2017 (thấp hơn mức kỳ vọng 20,09% và mức tăng thực tế 18,25% của cùng kỳ năm 2016).
Như vậy, có thể nói nhu cầu tín dụng có thể tăng, nhưng khó có đột biến, do đó lãi suất sẽ vẫn theo xu hướng ổn định nhiều hơn. Phó tổng giám đốc một NHTMCP cũng cho biết, LSHĐ thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định, LSHĐ trung, dài hạn sẽ duy trì ở mức cao như hiện nay do nhu cầu vốn trung, dài hạn tiếp tục tăng thời gian tới. Đây cũng là dịp các NH chào bán ra thị trường các sản phẩm huy động vốn trung, dài hạn để thị trường làm quen, từ đó thay đổi hành vi gửi tiền từ kỳ hạn dưới 12 tháng là chủ yếu sang những kỳ hạn dài hơn.
Vị lãnh đạo NHTMCP trên cũng cho rằng, chưa thể nói lãi suất cho vay tăng trong thời gian tới khi một số NH điều chỉnh LSHĐ tăng vừa qua. Bởi cạnh tranh trên thị trường tín dụng hiện nay rất mạnh mẽ, khách hàng ngày càng có nhiều lựa chọn.