ATM và chiến dịch mang tên: Lễ, tết
NHNN yêu cầu tăng cường các biện pháp đảm bảo chất lượng, an toàn hoạt động ATM | |
Lên phương án đáp ứng nhu cầu tiền mặt cuối năm |
Để đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch rút tiền mặt trên ATM của khách hàng dịp cuối năm 2018 và dịp nghỉ lễ, Tết Kỷ Hợi, NHNN đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai một số nội dung công việc nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ATM.
Ảnh minh họa |
Văn bản này giống với lời nhắc: Chiến dịch ATM mùa tết chính thức khởi động. Chiến dịch này không phải chỉ của cơ quan quản lý, các NHTM, 26 tổ chức không phải là ngân hàng tham gia cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hàng ngàn đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ… mà cả khách hàng – những người đang nắm giữ 147,3 triệu thẻ ATM. Làm thế nào dịch vụ ATM an toàn, thông suốt trong dịp lễ, tết đã trở thành vấn đề thường niên.
Theo thống kê được công bố gần đây nhất của NHNN (đến thời điểm tháng 9/2018) các đơn vị đã lắp đặt 18173 cây ATM và 294.503 máy POS/EFTPOS/EDC. Trong quý III/2018 đã có 224.326.831 món giao dịch qua ATM với tổng trị giá 622.967 tỷ đồng; giao dịch qua POS/EFTPOS/EDC là 55.454.568 món tổng trị giá 117.887 tỷ đồng. Các giao dịch qua thiết bị được thống kê bao gồm: rút tiền mặt;
Các giao dịch chuyển khoản (chuyển tiền; thanh toán hóa đơn; chi trả mua hàng hóa dịch vụ qua ATM, POS/EFTPOS/EDC); Các giao dịch khác, như: Gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn; các khoản thanh toán giữa TCTD và khách hàng (chi trả các khoản vay, nợ lãi hoặc phí…).
Không có thống kê chi tiết, nhưng với thói quen chi tiêu bằng tiền mặt của người dân Việt Nam thì số giao dịch rút tiền mặt bằng thẻ ATM chắc chắn không nhỏ, mặc dù dịch vụ ATM của ngân hàng đã cho phép khách hàng thực hiện rất nhiều giao dịch tiện ích như trên. Rồi bức xúc nảy sinh nhiều nhất lại chính ở tính năng lâu đời, cổ xưa nhất của ATM - rút tiền mặt: Hết tiền, không hoạt động, nuốt thẻ, không nhả tiền mà tài khoản vẫn bị trừ… Đó thật sự là nỗi ám ảnh của không chỉ khách hàng mà cả ngân hàng mỗi khi tết đến, xuân về.
Trong vô vàn nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan thì quá tải là nguyên nhân hàng đầu. Chính vì thế NHNN yêu cầu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể cho hoạt động ATM dịp lễ tết: kế hoạch tiếp quỹ, nhân sự cho ATM, bảo trì, bảo dưỡng ATM; thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn hoạt động của ATM…
Thực tế những năm qua cho thấy, dù các đơn vị có chuẩn bị chu đáo đến đâu, phòng ngừa kỹ thế nào thì vẫn xảy ra tình trạng “tắc đường” ở cây ATM tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư trong những ngày giáp tết. Đã có nhiều giải pháp được NHTM thực thi nhằm giảm tải cho ATM những ngày cao điểm như: trang bị thêm ATM lưu động; đề nghị các DN trong cùng khu công nghiệp, khu chế xuất chuyển lương vào tài khoản của người lao động vào các ngày khác nhau; cùng DN chi trả lương trực tiếp cho người lao động… Song, phải thừa nhận một điều đây chỉ là những giải pháp tình thế, không giải quyết được tận gốc vấn đề: giảm tỷ lệ rút tiền mặt qua ATM.
Các chuyên gia hiến kế, hiệu quả nhất là “đánh” vào túi tiền qua việc nâng phí rút tiền mặt lên. Thế nhưng giải pháp này, dù chỉ là đề xuất đã gây phản ứng tiêu cực, khách hàng “đe dọa” không dùng ATM nữa (?!). Hay giải pháp ôn hòa là tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt… Hiện các ngân hàng đang sử dụng đồng thời cả hai giải pháp trên, nhưng rõ ràng là không mấy hiệu quả.
Dù cả bên cung ứng dịch vụ lẫn bên sử dụng dịch vụ đều muốn ATM thông suốt, nhưng dường như chỉ có ngân hàng, các đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nỗ lực giải quyết. Nếu vẫn chỉ có một bên lo, một bên làm thì e rằng, năm sau, và nhiều năm sau nữa vấn đề quá tải ATM dịp lễ, tết vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.