Lên phương án đáp ứng nhu cầu tiền mặt cuối năm
Ngân hàng “ghi điểm” với khách qua thẻ ATM nội địa | |
Các ngân hàng thương mại có thể dùng chung cây nạp tiền |
Trong cuộc làm việc với hệ thống ngân hàng tỉnh Bình Dương cuối tuần qua, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã nhắc nhở các TCTD trên địa bàn có lượng công nhân lớn nhất nước phải chuẩn bị kế hoạch tiền mặt chi trả tại bàn trong khuôn viên doanh nghiệp, song song với tiếp tiền đầy đủ cho các máy ATM để phục vụ người lao động lấy tiền về quê ăn Tết.
Ảnh minh họa |
Những lời nhắc nhở trên là hoàn toàn xác đáng. Thực tế cho thấy, mặc dù tiền lương, tiền thưởng Tết của các công nhân tại các khu công nghiệp không lớn, song do chủ doanh nghiệp sợ người lao động nghỉ việc sớm nên thường chi trả tiền thưởng vào những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết. Hệ quả là hình ảnh công nhân xếp hàng dài trước các cây ATM để rút tiền đã trở nên quen thuộc mỗi dịp cuối năm tại các khu công nghiệp lớn, khiến hệ thống ATM thời gian này thường xuyên trong tình trạng quá tải. Thậm chí người lao động tại các khu công nghiệp nằm ở khu vực giáp ranh giữa Bình Dương và TP.HCM thường chạy qua lại hai địa bàn của nhau để tìm máy ATM rút tiền những đợt cao điểm lễ Tết.
Để tránh xảy ra tình trạng trên cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người lao động, năm nay NHNN chi nhánh TP.HCM đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chuẩn bị tiền mặt chi trả cho công nhân ở các khu công nghiệp rất sớm, nhất là các khu công nghiệp nằm giáp ranh với các tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Theo đó, ngoài việc chuẩn bị nguồn nhân lực, tiền mặt và tăng tần suất tiếp quỹ cho các cây ATM tại các địa bàn giáp ranh, các TCTD phải thương thảo với các DN chuyển bảng chi lương thưởng sớm cho ngân hàng để ngân hàng có thể lập bàn chi trả tiền mặt ngay trong DN. Ngoài ra, ngân hàng phải luôn có phương án dự phòng là đặt các máy cà thẻ - POS tại sân DN để nhân viên ngân hàng quẹt thẻ cho công nhân và chi trả tiền mặt tại chỗ.
NHNN TP.HCM cũng yêu cầu các TCTD đặt máy ATM trong khuôn viên các khu công nghiệp phải có báo cáo cập nhật thường xuyên cho cơ quan quản lý ngân hàng về số lượng máy, tổng số công nhân và giá trị tiền lương thưởng trong mỗi nhà máy, ngày chi trả lương thưởng... Trên cơ sở dữ liệu này, các TCTD đàm phán với các chủ DN mở cửa nhà máy vào ban đêm và cắt cử bảo vệ 24/24 đảm bảo an ninh an toàn cho người dân rút tiền.
Mặc dù các ngân hàng cũng đã lên kế hoạch khá cẩn thận để đáp ứng như cầu tiền mặt lớn trong giai đoạn cuối năm, nhưng đôi khi vẫn rơi vào tình trạng bị động. Theo một chuyên gia thẻ của Vietcombank, ngân hàng đặt một máy ATM bao giờ cũng tính toán lượng giao dịch tiền mặt trên cơ sở lượng thẻ ngân hàng đã phát hành tại địa bàn; trong đó có tính cả khách vãng lai và thẻ của ngân hàng khác. Nhưng vào các dịp lễ tết thì không thể tính toán triệt để được nhu cầu rút tiền.
Hơn nữa, để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, các ngân hàng cũng không thể đầu tư tràn lan hệ thống máy ATM chỉ để phục vụ rút tiền trong vòng khoảng một tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ngoài ra, cũng không loại trừ những ngày cuối năm do mật độ xe cộ di chuyển thường đông hơn ngày thường nên rất có thể xe tiếp tiền bị chậm so với dự định, dẫn tới việc một số cây ATM có thể bị hết tiền trong một khoảng thời gian nào đó. Hoặc cũng do lượng người rút tiền lớn khiến hệ thống bị quá tải cũng có thể gây những tắc nghẽ tạm thời không rút được tiền...
Các ngân hàng cho rằng, hiện nay các ngân hàng đã mở phòng giao dịch về đến tất cả các thị trấn quận huyện của các tỉnh thành trên cả nước. Nếu nhu cầu tiền mặt không thật sự bức thiết, công nhân có thể về rút tiền tại các máy ATM hoặc vào bất kỳ các quầy giao dịch ngân hàng nào ở quê nhà để rút tiền mặt vì hiện nay các ngân hàng đã kết nối liên thông với nhau. Điều này khiến họ không phải chờ đợi rút tiền tại các cây ATM trong các khu công nghiệp, như vậy vừa đảm bảo an toàn khi họ không phải cầm tiền mặt đi tàu xe về quê ăn tết.