Bắc Kinh sẽ hạn chế thị thực du khách Mỹ có liên hệ đến các nhóm ‘chống Trung Quốc’
Căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang | |
Giá dầu 'rơi' phiên thứ ba do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đe dọa giảm nhu cầu | |
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung đi về đâu? |
Bộ Công an Trung Quốc trong nhiều tháng qua đã thực thi công vụ với các quy tắc nhằm hạn chế khả năng đến Trung Quốc của bất kỳ ai được tuyển dụng, hoặc được tài trợ bởi các cơ quan tình báo và nhân quyền của Mỹ.
Những thay đổi được đề xuất nói trên đi sau công bố của Mỹ hồi tháng Năm về các quy tắc chặt chẽ hơn trong cấp thị thực cho các học giả Trung Quốc vào Mỹ.
Đồng thời, hôm thứ Ba tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc bị nghi ngờ có liên quan đến việc giam giữ và vi phạm nhân quyền đối với hàng triệu người hồi giáo và các nhóm thiểu số.
Một trong những nguồn tin cho biết, việc hạn chế visa của Mỹ đối với các quan chức Trung Quốc như trên đã củng cố cho quyết định hạn chế visa công dân Mỹ của Trung Quốc.
“Đây không phải là điều chúng tôi muốn làm, nhưng chúng tôi không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác”, nguồn tin cho biết.
Các quy tắc mới của Trung Quốc đưa ra yêu cầu soạn thảo danh sách các tổ chức và nhóm quyền liên kết với quân đội Mỹ và CIA, và bổ sung nhân viên của họ vào danh sách đen thị thực, theo các nguồn tin giấu danh tính cho hay.
Hạn chế cấp thị thực xuất hiện trong bối cảnh Bắc Kinh lo ngại rằng Mỹ và các chính phủ khác đang sử dụng các tổ chức tình báo và nhân quyền để kích động các cuộc biểu tình chống chính quyền ở cả Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, đồng thời cũng là để trả đũa các hạn chế visa của Mỹ đối với các nhà nghiên cứu và quan chức Trung Quốc, nguồn đầu tiên cho biết.
“Các kế hoạch đã được các sĩ quan cảnh sát cấp cao thảo luận rộng rãi trong những tháng gần đây, nhưng có nhiều khả năng chỉ được quyết định thực hiện sau các cuộc biểu tình ở Hồng Kông và lệnh cấm visa của Mỹ đối với các quan chức Trung Quốc”, nguồn tin cho hay.
Sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc được thúc đẩy bởi một loạt các vấn đề bao gồm cạnh tranh thương mại, nhân quyền và lo lắng về an ninh.
Mỹ đã đi trước một bước trong cuộc đối đầu với Trung Quốc khi vào tháng 5 họ bổ sung gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies và 70 chi nhánh vào cái gọi là Danh sách thực thể, qua đó cấm công ty Trung Quốc mua lại các linh kiện và công nghệ từ các công ty Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.
Mỹ nghi ngờ thiết bị Huawei có thể được Bắc Kinh sử dụng trong các hoạt động gián điệp, điều mà công ty của Trung Quốc này đã nhiều lần phủ nhận.
Đàm phán thương mại
Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Hai đã nêu lý do ngược đãi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và những nhóm thiểu số khác để đưa ra quyết định bổ sung 20 văn phòng an ninh công cộng Trung Quốc và tám công ty vào danh sách đen thương mại, bao gồm nhà sản xuất thiết bị giám sát video lớn nhất thế giới, Hikvision, và startup giá trị nhất thế giới về trí tuệ nhân tạo, SenseTime.
Các động thái của Mỹ gần đây đã khiến cho các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung diễn ra tại Washington vào thứ Năm và thứ Sáu tuần này giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trở nên u ám.
Mỹ cũng đang tiến hành các cuộc thảo luận về việc có thể hạn chế dòng vốn từ nước này vào Trung Quốc, chủ yếu là các khoản đầu tư của các quỹ hưu trí của chính phủ Mỹ, Bloomberg đưa tin.
Các hạn chế thị thực mới nhất bắt đầu vào tháng Tư, với việc một số học giả nổi tiếng của Trung Quốc đã bị thu hồi visa Mỹ.
Tháng sau đó, Mỹ đưa ra quy định cấm với bất kỳ ai được quân đội Trung Quốc tuyển dụng hoặc bảo trợ sẽ không được cấp visa sinh viên hoặc nghiên cứu sinh.
Trung Quốc đã phản đối những gì họ coi là hành động trừng phạt của Mỹ đối với công dân nước này.