Bảo hiểm tiền gửi: Phát triển theo chuẩn mực quốc tế
Bộ các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG được Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) soạn thảo và ban hành lần đầu tiên vào năm 2009 và đếntháng 10/2014, tổ chức này đã cập nhật một số nội dung để tích hợp vào “Bộ các tiêu chuẩn quốc tế về ổn định tài chính” của Ủy ban ổn định tài chính (FSB).
Đây là tiêu chí để nhiều cơ quan BHTGtrên thế giới đánh giá chất lượng hoạt động, qua đó tìm ra những hạn chế trong quá trình vận hành và đề xuất các biện pháp khắc phục.
Xây dựng mô hình BHTG theo chuẩn quốc tế để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, duy trì an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng |
Những thay đổi quan trọng
Trong phiên bản mới được ban hành năm 2014, Bộ nguyên tắc cơ bản về phát triển hệ thống BHTG hiệu quả có 16 nguyên tắc cơ bản, bao gồm tất cả 96 tiêu chuẩn đánh giá chi tiết.
Nguyên tắc 4 về “Mối quan hệ với các thành viên mạng an toàn tài chính” đã khẳng định tầm quan trọng của việcchia sẻ và phối hợp giữa các cơ quan có vai trò giữ vững ổn định tài chính.
Theo đó, các bên cần có những quy định chính thức về việc phối hợp hành động và đảm bảo bí mật thông tin được chia sẻ để cơ chế phối hợp đạt hiệu quả tốt nhất.
Trong Nguyên tắc 6 –“Vai trò của tổ chức BHTG trong lập kế hoạch dự phòng và xử lý khủng hoảng”, các tổ chức BHTG được khuyến cáo phải xây dựng sẵn các kế hoạch đối phó và xử lý khủng hoảng, phối hợp với các cơ quan khác trong mạng an toàn tài chính để có thể ứng phó tốt hơn với các tình huống khủng hoảng. Để nâng cao nhận thức công chúng về hệ thống tài chính, Nguyên tắc 6 cũng nhấn mạnh vai trò của truyền thông trước và sau khủng hoảng.
Việc sử dụng hiệu quả Nguồn vốn quỹ được nhấn mạnh trong Nguyên tắc 9 của phiên bản cập nhật. Theo đó, việc cấp vốn cho hệ thống BHTG được thực hiện trên cơ sở cấp vốn trước, đồng thời “Quy mô quỹ mục tiêu” được xác định ở mức đủ cho tổ chức BHTG thực hiện các nghĩa vụ và để áp mức phí phù hợp cho các tổ chức tham gia BHTG (thường được tính bằng tỷ lệ quy mô quỹ bảo hiểm tiền gửi/tổng số dư tiền gửi hoặc tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm).
Nguyên tắc 9 khuyến cáo hạn chế việc đầu tư nguồn quỹ vào các ngân hàng, đồng thời đề cập tới việc áp thuế cho các khoản thu của tổ chức BHTG sẽ không ảnh hưởng tới việc tích lũy nguồn quỹ.
Hoạt động xử lý khủng hoảng truyền thông khi có sự cố được nhấn mạnh trong Nguyên tắc 10 về “Nâng cao nhận thức công chúng”. Nguyên tắc này được xây dựng trên hai cơ sở: tính định kỳ và tính sự kiện.Khi xảy ra đổ vỡ, khủng hoảng,tổ chức BHTG cần đặt ra chiến lược dài hạn về truyền thông, đánh giá mức độ nhận thức của công chúng qua thời gian. Nguyên tắc đưa ragiả định tình huống khi có vấn đề xuyên quốc gia, những thông tin cần chia sẻ và cơ chế chia sẻ thông tin.
Liên quan đến vấn đề rủi ro đạo đức, Bộ các nguyên tắc cập nhật các nội dung về phạm vi và hạn mức bảo hiểm, phí bảo hiểm phân biệt theo rủi ro, cơ chế can thiệp và xử lý kịp thời... Các công cụ giảm thiểu rủi ro được sử dụng bao gồm: Quản trị tốt, Quản lý rủi ro hiệu quả tại các ngân hàng, Truy cứu trách nhiệm các bên, Kỷ luật thị trường, Cơ chế giám sát và Quy định về an toàn hiệu quả.
Bên cạnh đó, trong định hướng về xử lý các bên gây ra đổ vỡ, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, xử lý đổ vỡ, chi trả cho người gửi tiền, thu hồi… Bộ nguyên tắc cũng quy định thêm việc trao quyền hạn và tăng cường chức năng can thiệp và xử lý cho tổ chức BHTG.
Một số gợi ý
Tại Việt Nam, tổ chức BHTG có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng và bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Trên cơ sở các tiêu chuẩn về xây dựng mô hình BHTG hiệu quả của IADI, để hoàn thiện mô hình và hoạt động của tổ chức BHTG tại Việt Nam, cần thực hiện: Đánh giá lại mô hình BHTG theo Bộ nguyên tắc cơ bản cập nhật.
Trên cơ sở đó, BHTGVN sẽ xác định căn cứ để xây dựng Chiến lược dài hạn về phát triển tổ chức;Xây dựng kế hoạch dự phòng và xử lý khủng hoảng, kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia để thiết lập cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các bên, trong đó nhấn mạnh vai trò của tổ chức BHTG.
Củng cố năng lực tài chính của tổ chức BHTG, xây dựng tỷ lệ quỹ mục tiêu, đồng thời kiến nghị với NHNN trình Chính phủ xem xét việc cho phép áp dụng hệ thống phí BHTG trên cơ sở rủi ro.
Nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức công chúng về chính sách BHTG thông qua việc hoàn thiện Chiến lược truyền thông trong điều kiện bình thường và khi xảy ra khủng hoảng.
Để phát triển mô hình BHTG hiệu quả tại Việt Nam, một trong những yêu cầu quan trọng là thường xuyên cập nhật các xu hướng quốc tế về BHTG, tham chiếu và học tập kinh nghiệm nhằm hoàn thiện chính sách BHTG.
Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG của IADI năm 2014 là một trong những tham khảo hữu ích để BHTGVN hoàn thiện hoạt động nghiệp vụ, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền và góp phần ổn định hệ thống tài chính – ngân hàng.