Bảo hiểm y tế và quyền lựa chọn
Chị Hồng (phố Bùi Ngọc Dương, Hà Nội) đang rất băn khoăn về khoản bảo hiểm y tế học sinh vừa được trường của con gái thông báo phải nộp. Đầu năm học này, với thời gian đóng bảo hiểm y tế được tính cho 15 tháng, tổng số tiền phải đóng lên đến gần 550 nghìn đồng/học sinh, gấp khoảng 2 lần năm học trước và cao hơn mức học phí của nhiều trường công lập.
Việc tăng mức phải đóng, kéo dài thời gian hơn nhiều so với 9 tháng học… thực sự không phải điều khiến chị Hồng phiền muộn nhiều nhất. Vấn đề nằm ở chỗ khoản tiền là một sự lãng phí đối với gia đình này.
Ảnh minh họa |
Khoảng 3 năm nay, chị Hồng mua hợp đồng bảo hiểm sức khoẻ toàn diện của một công ty bảo hiểm cho tất cả thành viên gia đình. Mặc dù mức phí đóng gấp khoảng 5 lần bảo hiểm y tế học sinh, nhưng hạn mức bảo hiểm tổng cộng cả phẫu thuật, khám bệnh, nội trú… lên đến trăm triệu đồng/người, đủ điều kiện vào bất cứ bệnh viện nào, thời gian nào, ở bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam.
Cách đây chừng một tháng, cả gia đình 3 người này đều phải nằm viện. Chọn bệnh viện quốc tế Vinmec, nhà chị Hồng yên tâm không phải thêm người trông nom. Việc ăn uống, vệ sinh cá nhân đều được điều dưỡng của bệnh viện hỗ trợ… Chính vì vậy, dù so về chi phí thì bảo hiểm sức khoẻ toàn diện cao hơn bảo hiểm y tế học sinh, nhưng phù hợp với gia đình hơn.
Bất chấp đã mua bảo hiểm sức khoẻ với giá trị cao hơn hẳn, song trường hợp của con chị Hồng không được nhà trường cho miễn. Lần họp phụ huynh cuối tuần trước, khá nhiều gia đình như nhà chị Hồng tạm chưa đóng bảo hiểm y tế cho con. Nhưng sau đó, một số cha mẹ học sinh đã nhận được ý kiến từ phía nhà trường, kêu gọi đóng để trường không bị nhắc nhở... Chị Hồng cho biết sẽ nộp tiền bảo hiểm y tế theo yêu cầu của nhà trường, nhưng chắc chắn không dùng đến, coi như… mất tiền.
Lâu nay, bảo hiểm y tế học sinh được quy định mức chung, tất cả phụ huynh học sinh đều được yêu cầu phải đóng. Xét ở ý nghĩa an sinh xã hội, việc đóng bảo hiểm y tế diện rộng sẽ giúp cơ quan quản lý quỹ sử dụng linh hoạt từ đối tượng không phát sinh chi phí bồi thường sang các đối tượng không may bị bệnh tật, có nhu cầu nằm viện… Nói cách khác là “lọt sàng xuống nia”, mọi người cùng chia sẻ chi phí để chăm sóc và bảo hiểm y tế cho học sinh.
Trước kia, nhiều gia đình vẫn tham gia đều dù không có nhu cầu sử dụng bảo hiểm y tế học sinh cho con em mình, nhưng chi phí thấp nên họ không quan tâm lắm. Nay phí tăng lên đột ngột, với một số gia đình thu nhập thấp, có nhiều thành viên phải nộp thì đây lại trở thành khoản phí khó cân đối ngay đầu năm học.
Phụ huynh học sinh đang đặt ra rất nhiều câu hỏi: Căn cứ thực tế nào để đưa ra mức phí bảo hiểm y tế học sinh tăng lên trong năm nay? Vì sao người nộp lại không được có ý kiến về chi tiết 15 tháng phí và mức nộp, khi họ là một khách hàng của bảo hiểm y tế? Liệu việc tăng phí có đi kèm chất lượng dịch vụ, vốn lâu nay chưa thực sự được các gia đình đánh giá cao? Vì sao không tổ chức đấu thầu đơn vị cung cấp dịch vụ? Sao không cho phép nhiều sản phẩm bảo hiểm y tế học sinh của nhiều DN cùng tham gia để các gia đình lựa chọn sản phẩm phù hợp cho con em mình?
Việc nhiều gia đình như chị Hồng chủ động mua bảo hiểm sức khoẻ với chi phí cao hơn như một tấm gương soi vào bảo hiểm y tế học sinh hiện nay, làm lộ ra nhiều bất cập. Trên con đường hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, để đảm bảo an sinh xã hội thì việc tham gia bảo hiểm y tế có thể là bắt buộc, nhưng liệu có cần thiết phải buộc phụ huynh học sinh mua cho con em mình một sản phẩm, một mức giá mà tước đi của họ quyền lựa chọn khác?