Bảo tồn thư tịch cổ Chăm
Ảnh minh họa |
Một số làng Chăm tại tỉnh Ninh Thuận hiện vẫn còn lưu giữ những thư tịch cổ được viết trên lá buông hoặc trên các loại giấy dó. Thế nhưng, trải qua thời gian cùng nhiều biến cố của lịch sử, một số thư tịch cổ của người Chăm đã bị hư hỏng hoặc thất lạc.
Trong cái nắng chói chang giữa những cồn cát trắng Ninh Thuận, chúng tôi được người dân trong làng Chất Tường (xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước) giới thiệu về ngôi nhà của ông Quảng Văn Đại. Người đã có công lớn trong việc sưu tầm và phục chế những thư tịch cổ Chăm. Có thể nói cả đời ông luôn nặng lòng với thư tịch cổ này.
Thoạt nhìn vào trong ngôi nhà ông, khách không khó lắm khi phát hiện xung quanh nhà là hàng chục cuốn thư tịch cổ Chăm được sắp xếp ngăn nắp. Ông Đại khoe: Những thư tịch cổ Chăm này rất có giá trị vì thư tịch nào cũng có số tuổi đời trên 100 năm. Đây là “kho báu vật” mang giá trị lớn về mặt văn hoá tinh thần của dân tộc Chăm mà ông đã dày công sưu tầm và lưu giữ được từ nhiều năm nay.
Tuy đã ngoài 80 tuổi, tóc bạc, vóc dáng nhỏ bé, nhưng ông Đại vẫn không quản ngày đêm miệt mài rong ruổi khắp cả nước để sưu tầm từng cuốn thư tịch cổ. Ông tự bỏ tiền túi ra để trang trải, chỉ với lòng đam mê thư tịch cổ Chăm. Có những đêm nghiên cứu thư tịch cổ, mệt quá nằm gục mặt xuống bàn lúc nào không hay.
Khi nghiên cứu thấy những đoạn nào hay ông Đại ghi chép lại để truyền đạt cho các thế hệ con cháu. Hơn 53 năm qua, ông Đại đã đi khắp các tỉnh, thành để sưu tầm. Cho đến nay, ông đã sưu tầm gần 100 bộ thư tịch cổ, trong đó hơn 50 bộ thư tịch cổ Chăm đã được biên dịch. Cuốn thư tịch Chăm cổ nhất được sưu tầm có tuổi đời 200 năm và ít nhất cũng 100 năm tuổi.
Ông Đại bộc bạch, đôi chân còn cho phép thì ông sẽ tiếp tục sưu tầm các thư tịch cổ Chăm. Ông được xem là một trong những người hiếm hoi đã bỏ công sức đi sưu tầm thư tịch cổ Chăm, nhằm để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể của loại hình ghi chép khá độc đáo này.
Theo ông Đại, thư tịch viết trên lá buông có chiều ngang từ 6-10cm, dài 25cm, mỗi tập chứa từ 100-200 lá buông, còn một loại thư tịch nữa được viết trên giấy dó, loại này mở ra hoặc gấp lại rất gọn gàng, giấy dó có chiều dài 10m, ngang từ 3-5cm. Mỗi loại thư tịch chứa đựng được khoảng 100 nội dung hoặc 30 đề tài khác nhau nói về các phong tục, nét đẹp văn hóa, hoạt động trong lao động sản xuất, nghi lễ tết, đám tang, cúng tế, của đồng bào người Chăm.
Càng nghiên cứu thư tịch cổ Chăm, càng khám phá được những nét độc đáo hấp dẫn trong từng nội dung chứa đựng. Các thư tịch được ông sưu tầm, sau đó ghi chép ra và biên dịch phân tích câu từ tiếng Chăm sang tiếng Việt. Sau đó được hệ thống lại thành những cuốn bản thảo có bề dày hàng ngàn trang. Đây được xem là nguồn tài liệu quý giá để phục vụ cho công tác nghiên cứu những nét văn hóa độc đáo và tinh tuý của dân tộc Chăm.