Bất cập trong Luật Phòng chống tham nhũng
NHNN tăng cường thông tin, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng | |
Phòng chống tham nhũng: Thách thức của Chính phủ mới |
Còn nhiều hạn chế
Tại Hội thảo tham vấn dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ vừa tổ chức tại TP. Đà Nẵng, nhiều đại biểu tham gia đã cho rằng, Luật PCTN hiện nay quy định về công khai minh bạch còn chưa mang tính bao quát, thiếu các biện pháp thực hiện.
Đặc biệt, chưa làm rõ về nguyên tắc, hình thức, nội dung, thời gian, trách nhiệm thực hiện công khai minh bạch; Nội dung công khai, minh bạch theo ngành, lĩnh vực có sự trùng lặp với nhiều văn bản. Quy định về trách nhiệm giải trình còn hẹp, chưa toàn diện; Quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát được biến động thu nhập…
Xây dựng cơ bản, một trong những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng |
TS. Đỗ Gia Thư, nguyên Vụ Trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, tình hình tham nhũng hiện nay diễn biến phức tạp. Trong khi, công tác phát hiện, xử lý chưa đạt yêu cầu. Việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý hoài nghi, bức xúc trong xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc PCTN chưa đạt kết quả như mong muốn. Trong đó, có những bất cập ngay trong Luật PCTN đang hiện hành.
Theo đó, Luật PCTN chưa quy định một cách đầy đủ, toàn diện về kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Thiếu cơ chế giám sát, tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vi phạm, từ đó thiếu các biện pháp xử lý cụ thể.
Đặc biệt, chưa khắc phục được việc tặng, nhận quà đối với người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến công vụ. Ngoài ra, các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng còn chưa cụ thể, rõ ràng… khiến công tác PCTN còn nhiều khó khăn.
Tương tự, theo ông Nguyễn Đức Cam, Phó chánh Thanh tra TP. Đà Nẵng, việc xác định đối tượng phải kê khai trong Luật PCTN còn quá tràn lan. Theo đó, việc xác định đối tượng phải kê khai là một trong những nội dung quan trọng về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập. Nếu xác định đối tượng quá rộng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình chỉ đạo, quản lý bản kê khai và xác minh tài sản thu nhập.
Trong khi, theo Luật PCTN đối tượng phải kê khai rất rộng, từ các cơ quan Trung ương đến các xã, phường. Quá nhiều đối tượng phải kê khai, có thể ít hiệu quả và ảnh hưởng tiêu cực đến việc chỉ đạo, theo dõi, quản lý. Trong thực tế không phải cứ quy định càng nhiều đối tượng kê khai sẽ đạt được mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng tốt hơn…
Sớm sửa đổi những bất cập
Luật PCTN hiện hành có hiệu lực từ ngày 1/6/2006. Sau hơn 10 năm thi hành, Luật PCTN đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Thực tế, thời gian gần đây, công tác PCTN đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, từng bước giúp tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch, đặc biệt tăng cường sự tham gia của người dân.
Tuy nhiên, vấn nạn tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều thách thức. Khi công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp… Do vậy, theo nhiều người việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, hợp với nguyện vọng của nhân dân…
GS-TS. Nguyễn Đăng Dung, nguyên Trưởng bộ môn Luật hành chính Hiến pháp, Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, do việc PCTN chưa dứt khoát, chưa thực sự hiệu quả trong thực tế, đã khiến tham nhũng ăn sâu, trở thành một “dịch bệnh”. Vì vậy, muốn PCTN thật sự hiệu quả phải có những liều “vắc xin” đủ mạnh để phòng, chống vấn nạn này.
Trong khi, Luật PCTN mới chỉ là luật chuyên ngành, có chức năng phòng là chủ yếu. Do vậy, để sửa đổi Luật PCTN sát thực tế, một trong ưu tiên hàng đầu cần xác định rõ người đứng đầu để xử lý trách nhiệm. Bởi, tham nhũng thường xuất phát từ độc quyền, cửa quyền, thiếu minh bạch thông tin, thiếu trách nhiệm giải trình...
Điều này, có nghĩa Luật PCTN sau khi sửa đổi phải giảm được độc quyền, cửa quyền và tăng minh bạch thông tin, trách nhiệm giải trình. Luật PCTN như một đạo luật chuyên ngành điều chỉnh các hành vi liên quan đến PCTN, nên nghiêng về phòng tham nhũng nhiều hơn, mà chế tài của nó nên là xử phạt hành chính và sự thuyên chuyển hay đình chỉ công tác những người có liên quan đến tham nhũng trước khi giải quyết hoàn toàn bằng hoạt động xét xử của tư pháp…
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đức Cam, cán bộ, công chức tham nhũng thường che giấu tài sản dưới tên của những người thân. Đối tượng tham nhũng thường tẩu tán tài sản bằng phương án cho người thân của mình đứng tên các tài sản từ tham nhũng mà có.
Do vậy, Luật PCTN sau khi sửa đổi cũng phải tính đến phương án theo dõi sự biến động tài sản của những người có liên quan, đến đối tượng phải kê khai thu nhập. Ngoài ra, một số chuyên gia cũng đã đề nghị xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát và xử lý những hành vi gian dối, che giấu tài sản và tham nhũng.
Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kê khai tài sản, thu nhập nhằm quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước và từng bước tiến đến kê khai tài sản điện tử.