Phòng chống tham nhũng: Thách thức của Chính phủ mới
Đại biểu Lê Như Tiến |
Ông cho rằng, phải đưa ra những quy định cụ thể, phải kiên quyết hơn, mạnh dạn hơn, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, và phải phát huy trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về báo cáo kết quả nhiệm kỳ vừa qua mà Chính phủ đã đạt được?
Bên cạnh nhưng ghi nhận những kết quả trong báo cáo của Chính phủ, tôi thấy còn nhiều vấn đề rất bức xúc. Đó là, vấn đề thủ tục hành chính, người dân vẫn mong đợi cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Phòng chống tham nhũng, lãng phí có những bước tiến nhất định, nhưng người dân và cử tri thấy chưa hài lòng, đúng như báo cáo của Chính phủ là chưa đạt yêu cầu, cả về phòng chống tham nhũng, cả về phòng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm.
Tôi rất băn khoăn về nợ công và các vị đại biểu Quốc hội cũng đã nói rất nhiều. Nếu như nợ công càng ngày càng nhiều lên, vượt quá ngưỡng cho phép thì sau này sẽ trở thành gánh nặng cho thế hệ sau là con cháu chúng ta. Nếu vay ODA của các nước mà sử dụng không hiệu quả cũng là gánh nặng của thế hệ sau.
Còn một việc nữa mà tôi thấy ít vị đại biểu Quốc hội nhắc tới là hiệu quả sử dụng vốn đầu tư để tăng trưởng kinh tế - chỉ số Ico. Trong khi các nước trong khu vực và thế giới, đầu tư 3 đến 4 đơn vị vốn thì được 1 đơn vị sản lượng - tăng trưởng, còn chúng ta thì 6,92 gần 7 đơn vị vốn đầu tư mới được 1 đơn vị tăng trưởng, nghĩa là càng đầu tư thì càng thất thoát vốn.
Đây chính là cảnh báo đối với nhiệm kỳ tới cần quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng đầu tư, hiệu quả đầu tư, chứ không phải đầu tư một cách dàn trải, đầu tư bằng mọi giá.
Theo ông vấn đề siết chặt kỷ luật, kỷ cương nên đặt ra như thế nào với người đứng đầu Chính phủ mới?
Tôi thấy, gần đây có hiện tượng kỷ luật, kỷ cương lỏng lẻo, mà lâu nay chúng ta hay dùng từ “trên bảo, dưới không nghe”. Trong phát biểu của tôi ở hội trường vừa qua đã nói khi mời gọi đầu tư nhiều khi có hiện tượng “trên rải thảm, dưới rải đinh” làm cho bao nhiêu chính sách chủ trương tốt đẹp của cấp trên, của Đảng, Nhà nước đã bị cấp dưới vô hiệu hóa giống như các barie cản đường đối với các nhà đầu tư như cắt điện, cắt nước, dựng rào, chắn cổng làm cho các nhà đầu tư khốn đốn, còn doanh nhân nản lòng.
Cho nên chúng ta phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương ở rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kỷ luật, kỷ cương giữa cấp trên và cấp dưới phải mạnh hơn, rõ hơn.
Hay trong ngành giáo dục, đào tạo, trên xây dựng những luật rất là tốt như thế, về mặt quản lý nhà nước đã siết chặt hơn nhưng nhiều cơ sở đào tạo vẫn chạy theo thành tích, thậm chí buông lỏng quản lý về chất lượng nên có hiện tượng “bằng thật, kiến thức giả”, chưa nói đến “bằng giả, kiến thức giả” nữa.
Về lĩnh vực y tế, cơ quan quản lý đã quản lý chặt chẽ, nhưng đối với người thực hiện, cơ sở y tế thì đâu đó vẫn có vấn đề về y đức, trễ nải trong trách nhiệm khám, chữa bệnh để đến mức gây nên tử vong cho bệnh nhân. Đó là do kỷ cương, kỷ luật trên bảo dưới không nghe.
Thưa ông, do chưa có chuyển biến nhiều trong công tác phòng chống tham nhũng, Đảng đã ra Chỉ thị 50 trong đó, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Ông kỳ vọng như thế nào đối với tân Thủ tướng để quy mạnh trách nhiệm người đứng đầu?
Thực ra, văn bản pháp luật và bộ máy không thiếu. Cái quan trọng nhất vẫn là tổ chức thực hiện. Mà tổ chức thực hiện chính là người đứng đầu các cơ quan tổ chức. Nhưng khi quy trách nhiệm cho người đứng đầu ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị thì nó lại cũng xuất hiện bất cập khác đó là người đứng đầu rất sợ trách nhiệm nên vun vén, xoa dịu, thậm chí biến báo các con số để từ tham nhũng thành khuyết điểm, từ lẽ ra phải chuyển sang cơ quan điều tra thì chỉ là phê bình, kiểm điểm nội bộ.
Người đứng đầu không dại gì vạch áo cho người xem lưng vì nếu xảy ra tham nhũng chính người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm. Ai lại nói ra tham nhũng ở cơ quan do chính mình đứng đầu.
Đó cũng chính là nguyên nhân khiến công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta còn có những hạn chế như báo cáo của Chính phủ đã nêu.
Nói như vậy nghĩa là chúng ta không có biện pháp nào để phòng chống tham nhũng một cách hiệu quả hay sao thưa ông?
Tôi nghĩ câu trả lời là của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc mà như tôi nói là có cơ quan Thanh tra Chính phủ, cơ quan kiểm tra của Đảng, có giám sát của Quốc hội… Chính bộ máy này mới là chủ lực trong phòng chống tham nhũng.
Chúng ta không thể nói chung chung được mà phải đưa ra những quy định cụ thể, không chỉ có tính chất định tính mà phải có tính chất định lượng. Việc xử lý phải kiên quyết hơn, mạnh dạn hơn, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, và phải phát huy trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Xin trân trọng cảm ơn ông!