BIDV: 60 năm đồng hành cùng đất nước
BIDV tiếp tục được vinh danh là Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam | |
40 năm và một ngày ngoảnh lại |
Ngày 26/4/2017, BIDV tròn 60 tuổi. Sau 60 năm phát triển với 4 tên gọi khác nhau gắn với những nhiệm vụ kinh tế, chính trị qua từng thời kỳ của Cách mạng Việt Nam: Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, BIDV đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc – thống nhất đất nước cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Giai đoạn Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (1957 - 1980)
Ngày 20/7/1954, Hội nghị Genever kết thúc, Hiệp định về lập lại hoà bình tại Việt Nam được ký kết. 3 năm sau, ngày 26/4/1957, bằng Quyết định số 177/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lịch sử ngành tài chính – ngân hàng Việt Nam đã được ghi thêm một dấu mốc quan trọng với sự ra đời của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam trực thuộc Bộ Tài chính để thực hiện nhiệm vụ cung ứng và quản lý vốn Ngân sách Nhà nước cho công cuộc xây dựng và tái thiết ở miền Bắc và góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nghị định thành lập Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam |
Ngay sau khi được thành lập, dù chỉ có 11 chi nhánh - lúc đó gọi là các Chi hàng Kiến thiết ở các vùng, khu vực trọng điểm ở miền Bắc với 200 cán bộ, hệ thống Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam đã tích cực tham gia vào công cuộc khôi phục kinh tế, tái thiết và xây dựng CNXH ở miền Bắc.
Từ thực tiễn quá trình cung ứng và giám đốc nguồn vốn Ngân sách Nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản, tạo lập cơ sở vật chất ban đầu, Ngân hàng Kiến thiết không chỉ trực tiếp quản lý vốn đầu tư mà còn có đóng góp tích cực trong việc cải tiến, hoàn thiện cơ chế quản lý vốn đầu tư của Nhà nước một cách khoa học, góp phần tiết kiệm, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Hàng loạt các công trình lớn, trọng điểm thông qua nguồn vốn ngân sách do Ngân hàng Kiến thiết cấp phát đã được hình thành trong giai đoạn này như Khu công nghiệp Thượng Đình; Các nhà máy Công cụ số I ở Hà Nội; khu gang thép Thái Nguyên; khu Công nghiệp Việt Trì; các nhà máy điện ở Hà Nội, Uông Bí, Nghệ An; các mỏ than ở Quảng Ninh, Thái Nguyên; các nhà máy xi măng Hải Phòng, phân đạm Hà Bắc, super phốt phát Lâm Thao; công trình đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải, Nam Hà; Đài phát thanh Mễ Trì; các trường đại học: Bách Khoa, Kinh tế kế hoạch và hàng trăm các công trình quốc kế, dân sinh khác. Tất cả đã tạo nên những tiền đề căn bản, quan trọng cho nền kinh tế buổi ban đầu, đem lại một diện mạo mới, một sinh khí mới trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Trong thời kỳ 1965 – 1975, cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược Cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, Ngân hàng Kiến thiết tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cấp phát vốn góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất bình thường cho các cơ sở công nghiệp ở miền Bắc và xây dựng các công trình hậu cần đặc biệt phục vụ cho cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam.
Đồng thời, Ngân hàng Kiến thiết đã tổ chức các chi nhánh đặc biệt với những cái tên 71, 72, 12A, 12B để bám sát và phục vụ kịp thời nhu cầu vốn cho các công trình cầu đường, ngầm phà, các trạm thu phát vô tuyến, các đường dây thông tin liên lạc dọc Trường Sơn, các công trình chuyền dẫn xăng dầu trên dọc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại cả đường bộ và đường biển... cùng hậu phương lớn miền Bắc, chi viện sức người, sức của, đảm bảo huyết mạch giao thông, liên lạc cho chiến trường lớn miền Nam, góp phần tích cực vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến thần thánh bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà...
Và trong cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại của dân tộc, hàng trăm cán bộ Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam đã xung phong vào hoả tuyến, trong số đó có 15 đồng chí đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.
Sau Chiến thắng 30/4/1975 lịch sử, với vai trò và nhiệm vụ đặc biệt, hệ thống Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam đã sớm tiếp quản và hình thành mạng lưới ở các tỉnh, thành phố tại các tỉnh phía Nam để làm nhiệm vụ quản lý và cung ứng vốn để tái thiết và xây dựng CNXH trên cả hai miền đất nước.
Trong bộn bề và muôn vàn khó khăn sau chiến tranh, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực với trách nhiệm cao nhất nhằm quản lý hiệu quả vốn NSNN phục vụ xây dựng các công trình quốc kế dân sinh của đất nước.
Đó là những công trình: Đường tàu Thống nhất Bắc Nam; các hồ Thuỷ lợi Dầu Tiếng, Phú Ninh; các công trình tạo đà cho phát triển kinh tế như Dầu khí Việt – Xô, Thuỷ điện Trị An, Sợi Nha Trang, Thuỷ điện Đa Nhim, đường La Ngà,... ở miền Nam và các dự án, công trình kinh tế trọng điểm ở miền Bắc như các Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng; các nhà máy sợi Hà Nội, nhà máy giấy Vĩnh Phú, Đường Vạn Điểm…
Và đặc biệt, Ngân hàng Kiến thiết đã tham gia, đóng góp tích cực vào những công trình mang tầm vóc thời đại như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài truyền hình Việt Nam, Cầu Thăng Long, Thuỷ điện Hoà Bình, Nhiệt điện Phả Lại, Aptit Lào Cai…
Giai đoạn Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam (1981 – 1990)
Ngày 24/6/1981, với yêu cầu tập trung toàn bộ hệ thống tín dụng, tiền tệ vào một ngân hàng thống nhất và hệ thống cấp phát vốn ngân sách và tín dụng đầu tư cơ bản đã có sự thay đổi về tổ chức, Hội đồng Chính phủ ra quyết định số 259-CP về việc chuyển Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam trực thuộc Bộ Tài chính thành lập Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nghiệp vụ chủ yếu của Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam vẫn là cấp phát, cho vay thi công và bắt đầu áp dụng cơ chế cấp tín dụng ưu đãi từ vốn nhà nước với nguyên tắc có vay, có trả.
Việc ra đời Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc cải tiến các phương pháp cung ứng và quản lý vốn đầu tư cơ bản, nâng cao vai trò tín dụng phù hợp với khối lượng vốn đầu tư cơ bản tăng lên và nhu cầu xây dựng phát triển rộng rãi. Chỉ sau một thời gian ngắn, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng đã nhanh chóng ổn định công tác tổ chức từ trung ương đến cơ sở, đảm bảo các hoạt động cấp phát và tín dụng đầu tư cơ bản không bị ách tắc.
Các quan hệ tín dụng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản được mở rộng, vai trò tín dụng được nâng cao. Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng đảm bảo cung ứng vốn lưu động cho các tổ chức xây lắp, khuyến khích các đơn vị xây lắp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tiến kỹ thuật, mở rộng năng lực sản xuất, tăng cường chế độ hạch toán kinh tế.
Trong khoảng từ 1981- 1990, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, hoàn thiện các cơ chế nghiệp vụ, tiếp tục khẳng định để đứng vững và phát triển. Đây cũng là thời kỳ ngân hàng đã có bước chuyển mình theo định hướng của sự nghiệp đổi mới của cả nước nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng, từng bước trở thành một trong các ngân hàng chuyên doanh hàng đầu trong nền kinh tế.
Thành công của những thử nghiệm có tính tiên phong mà Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam thực hiện là góp phần thiết thực hình thành cơ chế mới trong đầu tư kinh tế, khơi dậy tiềm năng to lớn của toàn xã hội để phát triển sản xuất kinh doanh. Những đóng góp của Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng thời kỳ này này lớn hơn trước gấp bội cả về tổng nguồn vốn cấp phát, tổng nguồn vốn cho vay và tổng số tài sản cố định đã hình thành trong nền kinh tế.
Thời kỳ này, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng đã góp phần tích cực để hình thành và đưa vào hoạt động hàng loạt những công trình to lớn có “ý nghĩa thế kỷ” của đất nước, cả trong lĩnh vực sản xuất lẫn trong lĩnh vực sự nghiệp và phúc lợi như: Thủy điện Sông Đà, Cầu Thăng Long, Cầu Chương Dương, Cảng Chùa Vẽ, Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Nhà máy đóng tàu Hạ Long...
Mời đón xem tiếp kỳ sau...