BOJ được dự báo sẽ tập trung vào chính sách lãi suất âm
Kinh tế Nhật đang phải đối mặt với những khó khăn gì? | |
Thống đốc BOJ Kuroda: Không loại trừ các ý tưởng nới lỏng mới | |
Kỳ vọng về tiền trực thăng vẫn đang “bay cao” ở Nhật |
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) |
Gói “nới lỏng định lượng và định tính” của BOJ (QQE) đã được Thống đốc Haruhiko Kuroda phê duyệt từ năm 2013, với mục tiêu sử dụng liệu pháp sốc để đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ và giảm phát thông qua việc thay đổi suy nghĩ của hộ gia đình.
Trong khuôn khổ của gói QQE này, BOJ đã tăng cơ sở tiền với tốc độ hàng năm là 80 nghìn tỷ yên (tương đương 787 tỷ USD).
Thế nhưng sau 3 năm in tiền khổng lồ mà vẫn không thúc đẩy được lạm phát, BOJ được dự kiến sẽ thay đổi các biện pháp kích thích kinh tế hiện nay để hướng tới một cuộc chiến kéo dài hơn trong việc chống giảm phát, một nguồn tin thân cận với BOJ nói với Reuters. “Một khuôn khổ chính sách linh hoạt hơn có thể cần thiết”, nguồn tin đề nghị dấu tên cho biết.
Nhiều nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương cũng tin rằng, cách tốt nhất để thực hiện thay đổi này là tập trung vào cắt giảm lãi chứ không phải dựa trên một chương trình mua trái phiếu đã khổng lồ đã bóp méo thanh khoản của thị trường.
Theo đó, BOJ thậm chí có thể xem xét cắt giảm lãi suất xuống sâu hơn nữa dưới mức 0% vào ngày thứ Tư, cho thấy quyết tâm của mình trong việc để duy trì một chính sách siêu nới lỏng.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc chuyển trọng tâm chính sách của mình từ tiền cơ sở (khi BOJ duy trì tốc độ tăng cung tiền hàng năm ở mức 80 nghìn tỷ yên) sang trọng tâm là lãi suất âm có thể gia tăng hơn là xua đi nỗi lo của thị trường rằng, các công cụ chính sách của NHTW Nhật đã đạt tới giới hạn đối với nền kinh tế.
Các nhà phân tích cũng cảnh báo, BOJ sẽ chỉ giảm lãi suất xuống quanh -0,5% trước khi hộ gia đình bắt đầu tích trữ tiền mặt vì sợ bị phạt vì gửi tiền tại ngân hàng.
"BOJ nhấn mạnh rằng nó vẫn còn có rất nhiều công cụ. Tuy nhiên, chi phí của việc sử dụng những công cụ này đang tăng lên trong khi hiệu quả lại đang giảm dần, đặc biệt là chương trinh mua vào tài sản khổng lồ của BOJ", Izuru Kato - nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Totan nói. Cũng theo chuyên gia này, chi phí của việc giảm lãi suất xuống sâu hơn dưới 0% cũng rất lớn, nhưng theo thực tế hiện nay, có lẽ đó là giải pháp cuối cùng.
Mặc dù vậy, cách tiếp cận này được cho là khả thi hơn khi kinh tế thế giới đang đối mặt với tình trạng tăng trưởng và lạm phát thấp, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải làm chậm lại lộ trình tăng lãi suất của mình, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng phải thừa nhận chính sách tiền tệ đang đạt tới giới hạn và một mình chính sách tiền tệ khó có thể đạt được mục tiêu.
Hơn 60 phần trăm của các nhà phân tích thăm dò ý kiến của Reuters kỳ vọng BOJ sẽ tiếp tục nới lỏng hơn nữa tại cuộc họp chính sách này, mặc dù các ý kiến không đồng nhất về biện pháp mà BOJ sẽ tiến hành.
Nguồn tin thân cận nêu trên nói với Reuters rằng, BOJ tập trung vào chính sách lãi suất -0,1% áp dụng cho phần tiền gửi vượt dự trữ của các tổ chức tài chính tại ngân hàng trung ương đã được triển khai từ đầu tháng Hai.
Cảnh giác với một đường cong lợi suất phẳng mà có nguy cơ làm suy yếu vai trò trung gian tài chính, BOJ cũng sẽ tìm mọi cách để dốc đường cong như linh hoạt hơn trong Chương trình mua trái phiếu.