Kỳ vọng về tiền trực thăng vẫn đang “bay cao” ở Nhật
Giá tiêu dùng tại Nhật giảm mạnh nhất 3 năm tạo áp lực nới lỏng lớn lên BOJ | |
Thống đốc BOJ Kuroda: Không loại trừ khả năng giảm tiếp lãi suất | |
Kinh tế Nhật giảm tốc mạnh lại thúc ép nới lỏng chính sách |
Ảnh minh họa |
Mặc dù kể từ tháng 4 tới nay, Thống đốc BOJ Kuroda đã không dưới 4 lần cho biết là sẽ không sử dụng biện pháp tiền trực thăng, và biện pháp này cũng bị cấm bởi pháp luật hiện hành. Ông cũng nhấn mạnh hồi cuối tuần trước rằng, chính sách tiền tệ vẫn còn "không gian dư dật để nới lỏng bổ sung".
Tuy nhiên, từ các nhà kinh tế Nhật Bản cho tới các nhà đầu tư toàn cầu như Mark Mobius - Chủ tịch Templeton Emerging Markets Group đều tỏ ra ngần ngại khi loại trừ biện pháp gây tranh cãi này ra khỏi danh mục những biện pháp mà các nhà điều hành tiền tệ Nhật có thể triển khai, sớm nhất là vào tháng tới, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát.
"Thật khó tưởng tượng sẽ không có gì xảy ra trong tháng Chín", Daiju Aoki - một nhà kinh tế của UBS Group AG tại Tokyo cho biết. "Các biện pháp có thể sẽ là “giả” tiền trực thăng khi BOJ cam kết nắm giữ trái phiếu chính phủ Nhật Bản trong một thời gian dài".
Mark Mobius cũng cho biết tuần trước rằng việc tài trợ trực tiếp cho chi tiêu của chính phủ có thể sắp xảy ra. Trong khi Aberdeen Asset Management cũng cho rằng, Nhật Bản là có khả năng nhất đối với biện pháp này. David Woo - Trưởng bộ phận nghiên cứu về lãi suất và các đồng tiền toàn cầu của America Merrill Lynch cũng phát biểu trên kênh truyền hình Bloomberg tháng này rằng, tiền trực thăng có lẽ là lựa chọn duy nhất.
Việc áp dụng chính sách lãi suất âm của BOJ hồi đầu năm nay đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ chuẩn giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục - 0,3%trong tháng trước. Trong khi chính sách này cũng thất bại trong việc làm suy yếu đồng yên.
Tiền trực thăng, một giải pháp cuối cùng trong chuỗi chính sách tiền tệ bất thường, có thể đến dưới nhiều hình thức. Cách đơn giản nhất là in tiền và đưa cho người dân với hy vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng. Những biện pháp khác là đưa tiền trực tiếp cho các công ty hoặc tài trợ cho chi tiêu của Chính phủ bằng cách BOJ mua trái phiếu trực tiếp từ Chính phủ.
Những đồn đoán về chính sách này đạt đỉnh điểm vào tháng 7 sau chuyến thăm Tokyo của cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben S. Bernanke, trong đó ông đã có buổi gặp riêng với Thống đốc Kuroda và Thủ tướng Shinzo Abe. Ông này đã đưa ra ý tưởng bán trái phiếu vĩnh viễn trực tiếp cho ngân hàng trung ương trong các cuộc thảo luận tại Washington với một trong các cố vấn chủ chốt của Abe hồi tháng 4.
"Nếu bạn đang lựa chọn một ngân hàng trung ương trên thế giới và một chính phủ có thể sử dụng tiền trực thăng, tôi nghĩ rằng Nhật Bản rõ ràng sẽ đứng đầu danh sách đó", Michael Moen - Giám đốc đầu tư của Aberdeen Asset Management có trụ sở tại Sydney cho biết.
Trong khi Moen không mong đợi biện pháp này sớm được triển khai thì Mobius Templeton lại cho rằng rất có thể nó sẽ xảy ra vào tháng tới. "Họ đang bắt đầu nghĩ về những gì họ có", ông nói trong một chuyến thăm tới Tokyo vào tuần trước. "Phản ứng đầu tiên là để nói, OK, chúng ta hãy tiến hành tiền trực thăng, chúng ta hãy đưa tiền trực tiếp cho người tiêu dùng".
Rõ ràng trong bối cảnh biện pháp nới lỏng định lượng cũng đang có dấu hiệu tiến đến giới hạn của nó, nhất là tại Nhật Bản, tiền trực thăng là một giải pháp mà không ít người nghĩ tới.