Bước chuyển mình mạnh mẽ của Agribank
Agribank tiếp tục tiên phong giảm lãi suất cho vay | |
Kỳ vọng vào những cú bắt tay chiến lược | |
Người bạn lớn của cộng đồng doanh nghiệp |
Đầu tàu gương mẫu
Ngay tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2018, Chủ tịch HĐTV Agribank, ông Trịnh Ngọc Khánh, đã thông báo từ đầu ngày 10/1/2018, Agribank giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn ngắn hạn, trung, dài hạn. Quyết định trên đã nhận được đánh giá tích cực của Lãnh đạo Chính phủ và NHNN. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nói: Tôi hoan nghênh Agribank đã giảm lãi suất ngắn hạn, trung dài hạn cho đối tượng Thông tư 39 và là NH đi tiên phong thực hiện Nghị quyết 01.
Nhìn lại năm qua, Chủ tịch Trịnh Ngọc Khánh đánh giá 2017 là năm Đảng, Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện đặc biệt cho sự phát triển ổn định và bền vững của ngành NH nói chung và các NHTM nói riêng. Nhiều chủ trương chính sách lớn được ban hành ngay từ ngày đầu tiên của năm mới: Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2017 của Chính phủ, Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 10/1/2017 của Thống đốc NHNN đã định hướng rất cụ thể cho các TCTD hoạch định mục tiêu và chương trình kế hoạch của mình.
Nhờ chính sách phù hợp của Chính phủ, các giải pháp chủ động và linh hoạt trong điều hành CSTT của NHNN, hoạt động của các TCTD về cơ bản đã an toàn, hiệu quả hơn, chất lượng tín dụng được nâng lên, nguồn vốn tín dụng đã tập trung cho lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao… Kết quả kinh doanh năm 2017 của các NHTM thực sự khởi sắc đã phản ánh rõ nét những tác động tích cực từ chính sách vĩ mô.
Hoạt động kinh doanh của Agribank thực sự bước sang giai đoạn phục hồi và tăng trưởng mới |
Cũng như nhiều NHTM khác, kết thúc năm 2017 Agribank đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh được NHNN giao so với năm 2016. Tổng tài sản tăng 15%, đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn huy động tăng 15%, đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng, chủ yếu là vốn huy động từ dân cư. Nguồn vốn huy động tốt là cơ sở bền vững để Agribank mở rộng tín dụng. Đến cuối năm 2017, dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 17,6%, đạt gần 900 ngàn tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 650 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73,6% dư nợ. Đi đôi với mở rộng tín dụng, Agribank luôn chú trọng đảm bảo chất lượng. Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,54%.
Trong năm 2017, Agribank đã áp dụng nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng; đơn giản hóa quy trình thủ tục cho vay. Đặc biệt, Agribank đã triển khai thí điểm mô hình đưa NH lưu động xuống phục vụ tại các xã, tạo điều kiện thuận lợi để bà con nông dân được tiếp cận vốn, dịch vụ NH tốt hơn.
Agribank đã triển khai 3 gói tín dụng lãi suất thấp hơn lãi suất điều vốn nội bộ hỗ trợ cho khách hàng trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ đối với 2.200 khách hàng, số tiền trên 600 tỷ đồng…
Mặc dù thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất, nhưng với cơ cấu doanh thu bền vững nên lợi nhuận Agribank vẫn tiếp tục tăng trưởng. Theo chia sẻ của lãnh đạo Agribank, lợi nhuận trước thuế của NH tăng 20%, đạt 5.018 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Sự ra đời Nghị quyết 42/2017/QH14 và việc ban hành đồng thời các văn bản quy định pháp luật của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN đã tạo không khí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, tiến hành đồng bộ các giải pháp cho tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.
Riêng đối với Agribank, NH đã chủ động hơn trong xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo. Trong quá trình triển khai, Agribank nhận được nhiều sự chia sẻ, hỗ trợ hơn của các ngành, các cấp và đặc biệt với nguyên tắc “ưu tiên bảo vệ quyền chủ nợ, áp dụng biện pháp xử lý hành chính, khắc phục hậu quả dân sự trước khi áp dụng các biện pháp xử lý hình sự”.
Agribank đã mạnh dạn, chủ động thực hiện tổng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản nợ xấu đến thời điểm 15/8/2017; miễn, giảm lãi tồn đọng theo thời hạn trả nợ gốc để khuyến khích khách hàng tìm mọi nguồn thu trả nợ NH, khôi phục sản xuất kinh doanh.
“Với sự hỗ trợ của NHNN và các bộ, ban, ngành, sự quyết tâm của Agribank, việc triển khai Nghị quyết 42 tại Agribank đã mang lại nhiều kết quả ngoài mong đợi”, ông Trịnh Ngọc Khánh bày tỏ và chia sẻ thêm thông tin: từ ngày 15/8-31/12/2017, thu hồi và xử lý nợ theo Nghị quyết 42 là 23.038 tỷ đồng, chiếm 55%/tổng số nợ được xử lý, thu hồi của năm 2017. NH chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho 254.308 khách hàng có nợ đã xử lý rủi ro.
Để tái tạo nguồn tài chính cho xử lý nợ, Agribank đã và sẽ tập trung mọi nguồn lực về tài chính, quyết liệt áp dụng các biện pháp thu hồi nợ. Trong năm 2017, Agribank thu hồi được gần 12.000 tỷ đồng từ nợ đã bán và đã xử lý rủi ro, tạo điều kiện trích lập dự phòng rủi ro trong năm là 19.715 tỷ đồng. Nâng tổng nguồn dự phòng rủi ro hiện còn lên 34.772 tỷ đồng.
“Với tốc độ, tình hình triển khai xử lý nợ xấu thuận lợi như trên, khả năng mua lại toàn bộ số nợ đã bán cho VAMC trước thời hạn quy định của Chính phủ và NHNN là khả thi”, ông Khánh bày tỏ hy vọng.
Còn những rào cản cơ chế
Những kết quả đạt được đã minh chứng hoạt động kinh doanh của Agribank thực sự bước sang giai đoạn phục hồi và tăng trưởng mới.
Để tạo điều kiện cho Agribank hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh năm 2018, Chủ tịch Trịnh Ngọc Khánh mạnh dạn đưa ra kiến nghị một số vấn đề mà NH đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai.
Chiểu theo văn bản số 991/ĐMDN-TTg ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, việc cổ phần hóa Agribank phải hoàn thành vào năm 2019. Thời gian không còn nhiều, trong khi đó Agribank là NHTM có hệ thống khách hàng lớn, với gần 4 triệu hộ khách hàng vay vốn… nên theo Điều 15, Điều 16 Nghị định 126, việc thực hiện đối chiếu, xác nhận toàn bộ các khoản nợ phải thu, nợ phải trả là rất khó thực hiện.
Bên cạnh đó, Agribank cũng là một NH có số lượng tài sản cố định lớn, hình thức sử dụng và lịch sử hình thành tài sản đa dạng; hồ sơ pháp lý chưa hoàn thiện, nhất là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. Nhưng theo Khoản 1, Điều 13, Nghị định 126 quy định phải có phương án sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mới được chính thức triển khai công tác cổ phần hóa.
Thực tế sau 1 năm chủ động triển khai quyết liệt, mới có 13 địa phương phê duyệt phương án sử dụng đất cho Agribank. Ngoài ra, hiện nay Agribank đang có khoảng gần 50 nghìn tỷ đồng nợ đã xử lý rủi ro, với hơn 300 nghìn khoản vay và sẽ còn tiếp tục tăng lên khi Agribank mua các khoản nợ đã bán cho VAMC về để xử lý.
Nhưng theo quy định tại khoản 3, Điều 15 của Nghị định 126, các khoản công nợ này sẽ không tính vào giá trị DN cổ phần hóa và được bàn giao cho DATC. Việc này sẽ rất khó khăn cho công tác thu hồi nợ sau này. Vì vậy, Agribank kiến nghị Chính phủ cho để lại Agribank và NH có trách nhiệm tiếp tục thu hồi và nhà nước sẽ trả phí thu hồi nợ hoặc chia tỷ lệ % số tiền thu được cho Agribank sau cổ phần hóa.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, Agribank đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017.
Về cấp bổ sung vốn điều lệ, Agribank hiện là NHTM 100% vốn nhà nước, việc tăng vốn điều lệ dựa vào ngân sách nhà nước cấp là chính. Để đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định, thực hiện thành công đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020 và gia tăng lợi ích nhà nước khi cổ phần hóa, Agribank kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank theo phương án đã trình NHNN.
Một đề xuất nữa của Agribank được Chủ tịch HĐTV chia sẻ đó là nâng cao năng lực hoạt động đối với Công ty TNHH Một thành viên Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (AMC). Hiện tại, AMC có quy mô vốn điều lệ rất nhỏ, mới 30 tỷ đồng, chưa đáp ứng quy định tại Nghị định 69/2016/NĐ-CP của Chính phủ về mức vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng. Do vậy, ông Khánh đề nghị cho phép Agribank được cấp bổ sung vốn điều lệ 170 tỷ đồng cho AMC, đồng thời cho phép AMC mở thêm các chi nhánh tại các thành phố lớn, gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ. Qua đó, góp phần hỗ trợ tích cực cho Agribank trong quá trình xử lý nợ xấu.