Chuyện vay vốn, bám làng ở xứ sở cà phê
Cập nhật mức vay, thủ tục vay vốn đối với hộ nghèo tại NHCSXH | |
Thay đổi tư duy-thay đổi cuộc sống | |
NHCSXH trở thành cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước với người nghèo |
Niềm vui ở Đắk Ui
Đến Đắk Hà mà bàn chuyện xung quanh cây cà phê thì cả ngày cũng không hết. Thấy chúng tôi tò mò về loại cây trồng số một của huyện này và hiệu quả nguồn vốn ưu đãi cho người trồng cà phê, đích thân ông Hoàng Nghĩa Trí – Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà bỏ nửa ngày dẫn chúng tôi về xã Đắk Ui – một trong những xã thuộc vùng khó khăn của huyện, nhưng giờ đang ngày càng sung túc nhờ trồng cà phê.
Hộ đầu tiên chúng tôi tới thăm là ông U Bình, người Sơ rá, ở thôn 1 A, xã Đắk Ui. Ông Bình kể, ban đầu gia đình ông chỉ vay 2 triệu đồng của NHCSXH để trồng cà phê hồi năm 2007. Từ nửa ha cà phê, qua nhiều lần thu hoạch rồi lại trả ngân hàng, diện tích cà phê của gia đình ông Bình nay đã là 2ha. Nhờ gắn bó với cây cà phê, gia đình ông chính thức thoát nghèo từ năm 2017. Sau đó, ông Bình tiếp tục được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo để đảm bảo thoát nghèo được bền vững. Hiện nay ngoài 2ha cà phê, ông Bình còn trồng thêm bời lời, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu trừ các chi phí nhân công, phân bón thì thu nhập từ hai loại cây trồng trên mỗi năm được gần 100 triệu đồng.
Cán bộ NHCSXH huyện Đắk Hà thăm hộ ông U Bình-thôn 1A-xã Đắk Ui, vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo trồng cà phê và thoát nghèo |
Nhớ đến ngày đầu tiếp cận nguồn vốn NHCSXH, ông Bình cho biết, ngoài việc cho vay vốn, cán bộ NHCSXH còn tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn vay cho người dân hiệu quả. “Có được ngày hôm nay, chính là nhờ ngân hàng đã tạo động lực để gia đình phát triển kinh tế” – ông U Bình xúc động và kể thêm, thủ tục cho vay của NHCSXH rất đơn giản, cán bộ ngân hàng lại nhiệt tình, nhận vốn vay ngay tại xã nên cũng tiếp thêm động lực cho người dân vay vốn sản xuất kinh doanh.
Cách đó không xa, ở thôn 7, xã Đắk Ui, gia đình chị Y Chính và anh Bùi Xuân Sang cũng nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH mà “ăn nên làm ra”. “Ngôi nhà này có được cũng từ vốn vay của NHCSXH đấy các anh ạ” – chị Chính khoe và bắt đầu câu chuyện: Hồi năm 2010 gia đình chị được vay khoản tiền 20 triệu đồng của NHCSXH để gây dựng cơ nghiệp. Với số vốn ưu đãi này, cùng với vay mượn họ hàng, chị Chính bàn với chồng mua 1 ha đất để trồng cà phê.
Do cần cù, chăm hỏi học hỏi kinh nghiệm của nhiều người trong xã nên vườn cà phê của gia đình chị Chính luôn xanh tốt, mang lại hiệu quả cao, diện tích trồng cà phê không ngừng được mở rộng. Gần đây nhất, năm 2017, gia đình chị lại được vay theo chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của NHCSXH 50 triệu đồng, dùng để đào ao và mua máy bơm nước tưới cho hơn 1000 gốc cà phê. Không chỉ trồng cà phê, anh chị còn trồng lúa và bời lời, mỗi loại cây hơn 1000 m2 nên cuộc sống ngày một khấm khá. Ngoài ra, gia đình còn được NHCSXH cho vay 12 triệu đồng để xây dựng công trình nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Từng giữ vị trí Phó trưởng ban Tài chính của huyện, được luân chuyển về Đắk Ui 5 năm nên có lẽ ông Ngô Hồng Hưng – Chủ tịch UBND xã hiểu hơn ai hết về nguồn vốn của NHCSXH. Chia sẻ về ý nghĩa của nguồn vốn ưu đãi này, ông Hưng khẳng định: Vốn ưu đãi thực sự mang lại hiệu quả cho bà con nông dân; Nhu cầu vay vốn của bà con trong xã cũng ngày càng tăng, và nay đã đạt dư nợ 36 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Hưng, nguyện vọng của đa số người dân là mong muốn NHCSXH nâng mức cho vay với chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, để có thể đầu tư tốt hơn vào sản xuất.
Trong 16 năm qua, vốn vay của NHCSXH Đắk Hà đã giúp 44.800 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo còn 17,33%; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (giai đoạn 2016-2018); thu hút, tạo việc làm mới cho 3.082 lượt lao động từ chương trình vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; 84 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 2.610 HSSV vay vốn để trang trải chi phí học tập; 94 thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn được vay vốn… |
“Tôi được biết, từ ngày 1/3/2019, các chương trình cho vay với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đã được nâng mức tối đa lên 100 triệu đồng, bà con rất phấn khởi. Nhưng hiện hộ vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn còn chưa được tiếp cận với mức vốn tốt hơn. Rất mong các cấp ngành liên quan cùng NHCSXH có thể nâng mức cho vay này để giúp người dân có thêm vốn, giúp trồng cà phê mang lại lợi nhuận”, ông Hưng nói.
Chia sẻ thêm về nguồn vốn NHCSXH, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Đắk Hà – ông Hoàng Nghĩa Trí cho biết, huyện chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của NHCSXH. Cuối năm ngoái, sau chuyến công tác và khảo sát của Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng, vốn vay ưu đãi của huyện được ưu tiên thêm 20 tỷ đồng. Dư nợ hiện nay của huyện ở mức khá với 340 tỷ đồng, trong khi chất lượng tín dụng luôn ở mức tốt.
Khi ngân hàng chủ động phối hợp
Ông Nguyễn Văn Chung – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đăk Hà cho biết, hiện nay, mạng lưới hoạt động của NHCSXH huyện gồm 11 điểm giao dịch tại 11 xã, thị trấn, với 262 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại các thôn, làng trong toàn huyện.
“Chúng tôi luôn quán triệt nhiệm vụ chính trị của địa phương là ưu tiên giảm nghèo, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số” – ông Chung chia sẻ.
Hộ chị Y Chính - anh Bùi Xuân Sang - thôn 7 xã Đắk Ui vay 30 triệu đồng vốn SXKD vùng khó khăn trồng cà phê, cho thu nhập cao |
Từ sự quán triệt trên nên các chỉ đạo từ Trung ương đều được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk Hà triển khai quyết liệt. Đơn cử như, NHCSXH huyện đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng Kế hoạch số 134-KH/TU ngày 19/5/2015 của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; đồng thời, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Bên cạnh đó, để vốn tín dụng chính sách mang lại hiệu quả, NHCSXH Đắk Hà đã phối hợp với cơ quan chuyển giao khoa học, công nghệ, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các nguồn vốn khác nhằm giúp người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, tăng năng suất, tăng thu nhập. Thông qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình, dự án sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao như: HTX chế biến mủ cao su tại xã Hà Mòn, HTX trồng nấm tại xã Đắk Hring, nhóm sản xuất rau an toàn tại xã Đắk La.
Đến nay, có thể khẳng định, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hầu hết người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại huyện Đắk Hà được vay vốn với thủ tục đơn giản nên đã hạn chế nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở khu vực nông thôn; củng cố lòng tin của nhân dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp họ yên tâm bám đất, bám làng, thay đổi nhận thức, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; giúp các tổ chức chính trị - xã hội quy tụ, tập hợp đoàn viên, hội viên, đồng thời bổ sung thêm nguồn kinh phí cho hoạt động; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.