Các ngân hàng lớn của Mỹ lo Fed điều chỉnh nhanh lãi suất
Fed phát tín hiệu chuẩn bị cắt giảm lãi suất | |
Quyết định cắt giảm lãi suất của Fed có trở ngại? | |
Ông Trump quyết tâm thay đổi Fed |
Nếu một cuộc suy thoái đang âm ỉ diễn ra trong nền kinh tế Hoa Kỳ, nó sẽ là một bất ngờ cho các ngân hàng lớn nhất của nền kinh tế đứng đầu thế giới.
Tiền gửi tăng, cho vay tốt, lợi nhuận ổn
Các ngân hàng lớn của Mỹ đang thu về tay mình những khoản lợi nhuận béo bở, không phải từ các biến động trong dòng chảy của thị trường tài chính mà bởi sức mạnh trong nền kinh tế thực. Cụ thể là họ đang kiếm được tiền nhờ sự tăng trưởng ổn định trong chi tiêu và vay mượn từ các hộ gia đình - một động lực chính của nền kinh tế Mỹ. Trong quý II, Bank of America và JPMorgan Chase, hai tên tuổi hàng đầu của ngành ngân hàng Mỹ, đã “kiếm” được nhiều tiền hơn bao giờ hết. Ngay cả với một Wells Fargo hiện đang bị tai tiếng vẫn có được tăng trưởng tốt mảng tiền gửi của khách hàng.
Nếu Fed giảm nhanh lãi suất sẽ tác động mạnh đến lợi nhuận của các ngân hàng lớn |
Các ngân hàng – những người luôn ở “tuyến đầu” của nền kinh tế và thảo luận với các khách hàng doanh nghiệp mỗi ngày - đã thể hiện một giọng điệu lạc quan về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, ngay cả khi họ cũng cảnh báo về những hệ quả tiêu cực từ việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể sớm cắt giảm lãi suất.
“Tôi sẽ không quá bi quan”, Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon nói với các nhà phân tích vào ngày thứ Ba vừa qua trong một hội nghị bằng điện đàm. Còn Brian Moynihan, ông chủ của Bank of America thì cho biết, ngân hàng của ông - hiện phục vụ một nửa các hộ gia đình Mỹ - đang trải qua “hoạt động tiêu dùng vững chắc và điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tiếp tục tăng trưởng trong năm nay, dù tốc độ có chậm hơn một chút”. Tiền gửi của khách hàng tại Bank of America tăng trưởng khả quan ở mức 3%, trong khi cho vay cũng tăng tới 6% trong quý II vừa qua.
Tất nhiên, triển vọng có thể thay đổi nhanh chóng nếu chiến tranh thương mại (CTTM) tiếp tục leo thang và suy thoái kinh tế ở châu Âu, châu Á lây nhiễm tới các doanh nghiệp Mỹ. Nhưng cho đến nay điều đó dường như không xảy ra, ít nhất là dựa trên các báo cáo thu nhập của ngân hàng. Bộ phận ngân hàng toàn cầu của Bank of America đã ghi nhận mức tăng trưởng 5% với các khoản cho vay và cho thuê tài chính, trong khi tiền gửi cũng tăng mạnh ở mức 12%. Điều quan trọng hơn là chưa xuất hiện các vấn đề tín dụng đáng quan ngại ở các ngân hàng lớn, như sự gia tăng các khoản nợ xấu gây ra bởi các DN hay hộ gia đình. Tổn thất cho vay hiện vẫn ở các mức rất thấp.
"Những gì các ngân hàng đang cho chúng ta thấy là tích cực. Họ chưa có báo hiệu nào về sự suy giảm", Christopher Marinac, Giám đốc nghiên cứu của Janney Montgomery Scott, nói. "Ngành ngân hàng đang có những bước đi rất vững chắc với tín dụng thấp và vốn cao".
Lo ngại nằm ở đâu?
Đối với các ngân hàng lớn nhất của Mỹ, chi tiêu và vay mượn mạnh mẽ đã giúp bù đắp các “rắc rối” trong giao dịch của họ trên thị trường chứng khoán thời gian qua. Hầu hết các ngân hàng lớn của Mỹ đều báo cáo sự sụt giảm về khối lượng giao dịch chứng khoán. Citigroup đã báo cáo giảm 4% doanh thu thị trường thu nhập cố định và gọi đây là "môi trường giao dịch đầy thách thức".
Doanh thu giao dịch chứng khoán của Bank of America cũng giảm tới 13% do hoạt động giao dịch phái sinh ở nước ngoài yếu hơn. Duy chỉ có một ngoại lệ lớn là Goldman Sachs, khi ngân hàng này đã cố gắng tăng doanh thu giao dịch chứng khoán nhờ giành được thị phần từ các đối thủ và được hưởng lợi từ các khoản đầu tư trong thực hiện các giao dịch. Nhưng bất ổn trong giao dịch chứng khoán như vậy cũng không còn là điều gì mới đối với các ngân hàng lớn. Thực tế, mảng này đã suy giảm trong nhiều năm qua và sẽ tiếp tục chịu áp lực bởi sự gia tăng nhanh chóng của các quỹ ETF và đầu tư thụ động.
Xem ra chiều hướng lãi suất thời gian tới đây sẽ khiến các ngân hàng lớn này quan ngại hơn cả. Sự thay đổi quan điểm của Fed từ “diều hâu” sang “ôn hòa”, từ tăng sang giảm lãi suất khiến các ngân hàng đối mặt với sự thay đổi trong chi phí đi vay và đường cong lợi suất - khoảng cách giữa lãi suất ngắn và dài hạn - có thể bị đảo ngược. Các ngân hàng nhận tiền gửi với lãi suất ngắn hạn và cho vay với lãi suất dài hạn. Họ kiếm tiền từ sự “giao thoa” này.
Chuỗi tăng lãi suất của Fed cho phép các ngân hàng tính phí gần như ngay lập tức với các khoản cho vay, trong khi chi phí tiền gửi chỉ tăng dần và có độ trễ. Bây giờ, điều ngược lại sẽ xảy ra khi Fed dự kiến hạ lãi suất. Cả Bank of America, JPMorgan và Wells Fargo đều cảnh báo, việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ làm tổn hại đến lợi nhuận cho vay của họ. Tuy nhiên, mức độ tổn hại bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào số lần Fed hạ lãi suất.
Theo Christopher Marinac, nếu Fed cắt giảm ba hoặc bốn lần từ giờ đến cuối năm, mức độ tổn hại sẽ lớn hơn. Theo công cụ FedWatch của CME, có tới 62% khả năng Fed có thể có ba lần cắt giảm lãi suất trở lên tính đến cuối năm nay. Các ngân hàng đang kỳ vọng Fed sẽ chỉ giảm dần đường cong lợi suất và điều đó sẽ giúp lợi nhuận của họ bớt chịu thiệt hại.