Fed phát tín hiệu chuẩn bị cắt giảm lãi suất
Quyết định cắt giảm lãi suất của Fed có trở ngại? | |
Ông Trump quyết tâm thay đổi Fed | |
Lạm phát yếu là lý do chính để Fed giảm lãi suất |
Có thể cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 7
Kể từ khi Fed phát đi tín hiệu có thể cắt giảm chi phí vay mượn vào tháng trước, các dữ liệu kinh tế được phát đi sau đó đều chứng minh quan điểm rằng “sản xuất, thương mại và đầu tư là rất yếu trên toàn thế giới”, Jerome Powell nói. Ông cho biết, căng thẳng thương mại đang đè nặng lên đầu tư kinh doanh và có những lý do khác để lo lắng về nền kinh tế toàn cầu.
“Động lực đang có dấu hiệu chậm lại ở một số nền kinh tế chủ chốt bên ngoài (Mỹ)”, ông nói và cho rằng, sự yếu kém có thể lan rộng và tác động đến nền kinh tế Mỹ cho dù hiện nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang trên một nền tảng vững chắc. Ngay cả báo cáo việc làm tháng 6 tại Mỹ với mức tăng trưởng mạnh hơn nhiều so với dự kiến của giới chuyên gia cũng không đủ để làm thay đổi quan điểm đó, vì tiền lương không tăng đủ nhanh để kích hoạt lạm phát vẫn đang ở mức thấp.
Fed đang để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 7 |
Theo các nhà phân tích, những bình luận trên của Chủ tịch Fed đã xác nhận rằng lãi suất có thể sẽ được cắt giảm tại cuộc họp tới đây của Fed diễn ra trong hai ngày 30-31/7. Tỷ lệ cược rằng mức cắt giảm lãi suất sẽ khoảng 0,5% đã tăng lên, tuy nhiên phần đông giới đầu tư vẫn dự đoán Fed chỉ cắt giảm 0,25%. Ông Powell không trả lời trực tiếp câu hỏi về khả năng cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản. “Powell đã chọn cách không làm thay đổi kỳ vọng của thị trường, vốn đang nghiêng về mức cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 7”, Carl Riccadonna, Yelena Shulyatyeva và Eliza Winger – các nhà kinh tế của Bloomberg Economic cho biết.
Phiên điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện kéo dài khoảng ba giờ và ông sẽ tiếp tục có phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện vào thứ Năm (11/7). Có khá nhiều vấn đề được đặt ra đối với Chủ tịch Fed trong phiên điều trần vừa qua. Chẳng hạn, khi được hỏi về quan điểm của Fed đối với việc Facebook đang có kế hoạch phát hành đồng tiền ảo Libra, Powell cho biết điều này làm tăng “mối quan ngại nghiêm trọng” và cần được xem xét kỹ lưỡng.
Ông cũng đối mặt với các câu hỏi về mối đe dọa từ phía Tổng thống Donald Trump. Thời gian gần đây, ông Trump lại tiếp tục chỉ trích Fed vì giữ lãi suất quá cao, thậm chí ông còn tính tới việc có thể thay thế Powell. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp đã lên tiếng ủng hộ sự độc lập của Fed và hỏi Powell về cách đối phó với việc ông Trump muốn sa thải ông. “Câu trả lời của tôi sẽ là không”, Powell nói. “Luật pháp rõ ràng đã cho tôi một nhiệm kỳ bốn năm và tôi sẽ phục vụ nó”.
Không nên quay lại chế độ bản vị vàng
Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng phát biểu với các nhà lập pháp rằng ông không nghĩ việc quay trở lại chế độ bản vị vàng ở Mỹ là một ý tưởng tốt. “Các ngài đã giao cho chúng tôi công việc với hai mục tiêu kinh tế trực tiếp và thực tế, đó là việc làm tối đa và ổn định giá cả. Nếu các ngài giao cho chúng tôi ổn định giá vàng, chính sách tiền tệ có thể làm điều đó, nhưng những thứ khác sẽ dao động, và chúng tôi sẽ không quan tâm”, Powell nói và nhấn thêm: “Chúng tôi sẽ không quan tâm nếu thất nghiệp tăng hay giảm. Đó sẽ không còn là công việc của chúng tôi nữa”.
“Đã có rất nhiều thời điểm trong lịch sử, những thời điểm giá vàng đã phát đi một tín hiệu khá tiêu cực cho một trong những mục tiêu đó”, ông nói. “Không có quốc gia nào khác sử dụng nó”, ông nói thêm. Quốc hội Mỹ giao nhiệm vụ và giám sát Fed trong việc thực hiện mục tiêu tối đa hóa việc làm và giữ giá cả ổn định.
Mặc dù Powell cố tránh không đưa ra ý kiến về những đề cử mới đây của ông Trump vào vị trí Thống đốc Fed, tuy nhiên những bình luận của ông về vàng là bất đồng với các bài viết của Judy Shelton, một đề cử sáng giá của ông Trump. Nhân vật Shelton - người đã được Tổng thống Donald Trump lựa chọn để tham gia Hội đồng Thống đốc của Fed - đã viết rằng, việc quay trở lại chế độ bản vị vàng sẽ mang lại cho Mỹ “cơ hội đảm bảo vị thế nổi bật trong các vấn đề tiền tệ toàn cầu”. “Nếu sự hấp dẫn của tiền điện tử là khả năng cung cấp một đồng tiền chung và duy trì giá trị thống nhất cho mọi đơn vị phát hành, chúng ta chỉ cần tham khảo kinh nghiệm lịch sử sẽ nhận thấy những phẩm chất tương tự đã đạt được thông qua chế độ bản vị vàng quốc tế cổ điển”, Shelton đã viết năm 2018.
Mỹ lần đầu tiên từ bỏ chế độ bản vị vàng là trong cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930, khi mà Tổng thống lúc đó là Franklin Roosevelt đã cắt đứt mối quan hệ giữa đồng USD với vàng, cho phép chính phủ phát hành thêm tiền và hạ lãi suất thấp hơn. Mỹ cũng cho phép các chính phủ nước ngoài đổi USD lấy vàng theo một tỷ giá cố định là 35 USD/oz cho đến khi Tổng thống Richard Nixon bãi bỏ chính sách này vào năm 1971.
Giới phân tích cho rằng, việc lựa chọn Shelton cho thấy sự thất vọng của Trump với các nhà lãnh đạo Fed hiện tại cũng như định hướng chính sách tiền tệ của Fed. Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố lãi suất cao hơn và cái gọi là thắt chặt định lượng đã hạn chế tăng trưởng GDP và làm giảm vị thế của Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.