Các sản phẩm phái sinh giúp DN chủ động chiến lược kinh doanh phù hợp với tỷ giá
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh |
Thưa ông, việc NHNN không công bố mức điều chỉnh tỷ giá như mọi năm sẽ tác động thế nào đến các DN, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu?
Thực ra, nói đến biên độ thì có hai vấn đề cần phải làm rõ. Thứ nhất, trước đây NHNN công bố mức độ điều chỉnh, tức là kỳ vọng về khả năng duy trì tỷ giá trong phạm vi biến động nào đó. Thứ hai, biên độ ở đây thường là biên độ giao dịch trên tỷ giá NHNN công bố.
Với việc công bố trước đây thì tôi hiểu NHNN muốn dựa trên dự báo về tình hình vĩ mô trong nước và biến động của thị trường quốc tế để đưa ra định hướng về mặt chính sách, nhằm giúp cho DN hoặc giúp cho người dân có nhu cầu hợp pháp, hợp lệ về ngoại tệ có thể có định hướng trong việc phòng ngừa rủi ro hoặc sử dụng ngoại tệ như thế nào cho hợp lý.
Tuy nhiên, với diễn biến của thị trường quốc tế như thời điểm hiện nay thì tôi cho rằng, việc điều chỉnh sang chính sách mới là phù hợp với thị trường đang bước vào giai đoạn có sự giằng co và chịu tác động từ nhiều biến động trên thế giới.
Việc NHNN công bố cơ chế điều hành tỷ giá đồng thời cung cấp sản phẩm mua bán kỳ hạn thực hiện trực tiếp giữa NHNN với các TCTD thời gian tới, sẽ giúp các NHTM có công cụ cũng như sản phẩm để chủ động trong việc cung ứng và phòng ngừa rủi ro của các DN.
Theo ông việc DN phải giao dịch với tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày sẽ đặt ra vấn đề gì đối với họ?
Tôi nghĩ rằng đã là người kinh doanh, thì thường là kinh doanh tương lai trên nền hiện tại. Vì vậy, đối với DN, có thể phải đối mặt với vấn đề cung cầu của sản phẩm DN kinh doanh, các rủi ro về vận hành, pháp lý, rồi thị trường…
Trong rủi ro về thị trường thì có rủi ro về giá cả hàng hóa, rủi ro về giá cả đầu ra, nguyên vật liệu đầu vào, giá cả của các sản phẩm tài chính ảnh hưởng đến tài chính của DN (trong đó bao gồm cả lãi suất và tỷ giá). Đây là biến động mang tính khách quan của thị trường mà các DN khi đã tham gia kinh doanh đều cần phải có phương pháp quản trị.
Đấy chính là lý do vì sao ở các thị trường quốc tế, các thị trường tài chính phức tạp và phát triển thì thay vì cố định tỷ giá thì họ sẽ đưa ra sản phẩm ở thị trường tài chính để giúp cho các DN có thể chủ động sử dụng hiệu quả các sản phẩm này với các chiến lược kinh doanh khác nhau, kỳ vọng khác nhau trên thị trường. Các sản phẩm phái sinh này có thể là kỳ hạn, hoán đổi, tương lai, quyền chọn...
Như vậy DN có thể chủ động và tính toán thực thi các chiến lược kinh doanh của mình phù hợp với tỷ giá. Tôi cho rằng nó rất phù hợp và hướng tới những phương thức quản trị không chỉ của NHNN mà giúp các DN hình thành văn hóa kinh doanh và những kỹ năng, phương thức kinh doanh phù hợp hơn với thông lệ và chuẩn mực của thị trường quốc tế.
Từ diễn biến tỷ giá, ông dự đoán thế nào về mặt bằng lãi suất trong năm 2016?
Diễn biến lãi suất trong năm 2016 còn tùy thuộc vào mặt bằng lãi suất ở những sản phẩm, kỳ hạn cụ thể. Chúng ta có lãi suất cho vay trên thị trường 1; lãi suất cho vay và lãi suất nhận của thị trường 2, các kỳ hạn ngắn, trung và dài hạn.
Theo như Thống đốc phát biểu trong các cuộc họp gần đây thì khả năng điều hành hạ mặt bằng lãi suất trong năm 2016 có thể khó. Vì theo nhận định về áp lực của NHNN là nhằm để duy trì độ lệch hợp lý giữa lãi suất VND và lãi suất ngoại tệ nhằm củng cố vị thế của VND. Mặt khác, để đảm bảo lạm phát mục tiêu mà Quốc hội đưa ra trong năm 2016 ở mức 5% thì mức lãi suất hiện nay là tương đối phù hợp.
Vì vậy, nếu hạ lãi suất tiếp thì sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý và kiềm chế lạm phát. Do đó, khả năng nếu chúng ta triển khai tốt có thể hạ lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 khoảng từ 0,2 đến 0,5%.
Đối với các cơ quan hoặc các đơn vị kinh doanh như BIDV, chúng tôi luôn luôn nhìn hai yếu tố quan trọng: yếu tố ý chí chính trị của các tổ chức quản lý và yếu tố thực tiễn diễn biến cung cầu để dự đoán biến động của thị trường.
Thực tế là trong năm 2015 vừa qua, tăng trưởng tín dụng của chúng ta khá tốt, kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn biến thuận lợi thì tăng trưởng tín năm 2016 có thể tiếp tục ở ngưỡng 16-18%.
Mức tăng trưởng tín dụng này tôi cho rằng sẽ làm cho mặt bằng lãi suất ít nhất duy trì ở mức đi ngang. Nếu đòi hỏi để tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta giảm lãi suất trong thời gian tới thì tôi nghĩ rằng cần phải có dịch chuyển sâu hơn, đây là chủ đề khá dài mà chúng ta cần thảo luận thêm.
Xin cảm ơn ông!