Cách ứng xử chính sách khôn ngoan với ngoại tệ
Đáp ứng tối đa nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ | |
NH quản lý chặt nguồn USD chuyển ra nước ngoài | |
Ngoại tệ bớt trôi nổi |
Vì sao huy động ngoại tệ lại “nóng”?
Một trong những yêu cầu của Chính phủ đối với NHNN là sớm đưa ra giải pháp huy động nguồn lực trong dân để phục vụ đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Nhiều ý kiến cho rằng, dù không đặt vấn đề thời gian nào thực hiện, nhưng nếu NHNN chưa thể giảm bớt những nhiệm vụ trọng trách đang được giao phó: vừa ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, thì dù là thời điểm nào thì gánh nặng lại tiếp tục đặt lên của vai NH.
Mặc dù đây không phải lần đầu vấn đề lãi suất huy động ngoại tệ được bàn đến nhưng luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhìn lại quãng thời gian khoảng chục năm về trước, TS. Võ Trí Thành nhận xét, có những thời kỳ kinh tế bất ổn, lạm phát cao và người dân từ lâu đã có thói quen tích trữ vàng, USD. Trong khi đó, chính sách giai đoạn lúc đó cũng có những lúc "phập phù" chưa kiên định với mục tiêu ổn định, chỉ lo chăm chăm tăng trưởng ngắn hạn. Do đó, lòng tin vào sự ổn định kinh tế đất nước chưa cao khiến không ít người chọn vàng, ngoại tệ làm tài sản "phòng thân".
Nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng đô la hóa sẽ tăng trở lại, gây bất ổn cho nền kinh tế |
Những năm gần đây, bằng nhiều giải pháp triển khai quyết liệt chống vàng hóa, đô la hóa như Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, chính sách lãi suất tiền gửi 0% đối với USD… đến nay lộ trình giảm đô la hóa trong nền kinh tế đã có những thành công nhất định như tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng tiền gửi giảm từ 20% xuống còn 9%. Cầu ngoại tệ giảm, sức ép tỷ giá cũng giảm đáng kể trong thời gian qua. Thị trường không còn chứng kiến những cơn sóng tỷ giá… Vậy nên, khi vấn đề huy động nguồn lực ngoại tệ được đặt ra, nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng đô la hóa sẽ tăng trở lại, gây bất ổn cho nền kinh tế.
“Khả năng này rất có thể xảy ra nếu như NHNN nâng lãi suất tiền gửi USD”, một chuyên gia NH bình luận và phân tích thêm: bởi khi điều chỉnh chính sách lãi suất USD (lãi suất huy động USD) tăng người dân sẽ lại mua USD gửi vào NH nhiều hơn. Tức là lại khuyến khích người dân nắm giữ ngoại tệ và làm tăng tình trạng đô la hoá lên. Vô hình trung, sẽ làm giảm hiệu quả chính sách tiền tệ cụ thể là giá trị đồng VND bị giảm, trong khi USD lại trở nên hấp dẫn hơn và tình hình có thể rối ren hơn. Bởi để ghìm cương con ngựa bất kham vàng, tỷ giá không hề dễ dàng.
Như giai đoạn trước năm 2011, mỗi khi thị trường có biến động là giá vàng, USD lại nhảy múa khiến cho cơ quan điều hành mất rất nhiều công sức và cả tiền của của nhà nước khi cứ phải chạy theo xử lý các tình huống như nhập khẩu vàng để bán ra can thiệp thị trường; đáp ứng nhu cầu ngoại tệ tăng đột biến của thị trường dù cán cân thanh toán quốc tế không biến động nhiều...
Tìm kênh huy động
Hiểu sâu xa chủ trương của Chính phủ khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đã đến mức giới hạn, sát trần, vì vậy một trong những vấn đề được đặt ra là làm sao để huy động được các nguồn lực của xã hội, trong đó có chú ý đến lượng vàng và ngoại tệ là chủ trương đúng, tuy nhiên, Đại biểu quốc hội TS. Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý là Chính phủ đưa ra yêu cầu NHNN nghiên cứu có phương án hài hoà làm sao huy động “sức” dân vào trong đầu tư chứ không nên yêu cầu NHNN ngay lập tức phải thực hiện huy động vàng, đô la.
Hiện tại, theo TS. Ngân, các bước đi chính sách tiền tệ, lãi suất của NHNN đang đúng hướng góp phần quan trọng giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, thúc đẩy dư nợ tín dụng tăng đạt tới hơn 9% tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế… Do đó, thời điểm này không có lý do gì thay đổi đột ngột chính sách.
Một chuyên gia kinh tế khác đồng tình khi cho rằng, thời điểm này khi vốn NH tiếp tục chảy mạnh, đáp ứng đủ nhu cầu vốn của nền kinh tế thì không nhất thiết phải giao thêm nhiệm vụ, tạo gánh nặng trách nhiệm cho NHNN vốn đang chịu nhiều áp lực thực thi nhiều mục tiêu, chính sách của Chính phủ. “Nếu giao quá nhiều nhiệm vụ cùng lúc mà NHNN không đủ công cụ cần thiết để triển khai chắc chắn sẽ có mục tiêu không thể đạt được. Quan điểm của tôi, nhiệm vụ chính của NHNN là ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp, ổn định giá trị đồng tiền. Chưa kể NHNN đang có rất nhiều việc phải làm như đảm bảo thanh khoản của hệ thống, kiểm soát cung tiền, điều hành tỷ giá, lãi suất, giải quyết nợ xấu… để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc huy động ngoại tệ từ trong dân bằng cách tăng lãi suất đồng USD có thể không giúp được nhiều mà còn gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ, cuốn trôi những thành quả mà NHNN đã đạt được trong những năm gần đây”, vị chuyên gia này bày tỏ sự quan ngại.
Muốn huy động được nguồn lực này bằng công cụ lãi suất, theo tính toán của một số chuyên gia, thay vì tăng lãi suất USD thì nên tăng lãi suất VND để người nắm giữ USD bán chuyển đổi sang tiền đồng. Nhưng nếu tăng lãi suất huy động VND sẽ tạo áp lực tăng lãi suất cho vay. Đây là điều Chính phủ cũng như NHNN không mong muốn. Như vậy, muốn huy động được nguồn lực này bằng thì cần những giải pháp căn cơ hơn như cần có những kênh đầu tư sinh lời khác, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích nhà đầu tư tham gia thay vì chỉ chăm chăm tăng lãi suất ngoại tệ.
Để giải quyết bài toán trên, TS. Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, lãi suất không phải là bài toán quan trọng đối với huy động ngoại tệ hiệu quả. Mà vấn đề quan trọng nhất là làm sao tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường minh bạch để người dân có thể tham gia vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Khi tìm thấy cơ hội đầu tư thuận lợi, hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận tốt thì lập tức người dân sẽ chuyển vàng, ngoại tệ sang tiền VND để đầu tư mà không cần dùng tới chính sách lãi suất để huy động ngoại tệ.
Lãi suất không phải là bài toán quan trọng đối với huy động ngoại tệ hiệu quả. Mà vấn đề quan trọng nhất là làm sao tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường minh bạch để người dân có thể tham gia vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Khi tìm thấy cơ hội đầu tư thuận lợi, hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận tốt thì lập tức người dân sẽ chuyển vàng, ngoại tệ sang tiền VND để đầu tư mà không cần dùng tới chính sách lãi suất để huy động ngoại tệ.