Cần đánh giá cụ thể về hoạt động KHCN trong việc thúc đẩy CNH-HĐH
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu ý kiến |
Đoàn Giám sát cho rằng, việc triển khai thực hiện các chiến lược trong giai đoạn 2005-2015 đã thu được nhiều thành tựu quan trọng trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và giúp nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ đất nước.
Kết quả tính toán cho thấy, giá trị sản phẩm công nghệ cao (CNC) và sản phẩm ứng dụng CNC đóng góp ngày càng nhiều vào GDP giai đoạn 2011-2013 với tỷ trọng đóng góp theo các năm lần lượt là 11,7%; 19,1% và 28,7%. Nếu duy trì được đà tăng trưởng này, chỉ tiêu đạt 45% GDP vào năm 2020 là khả thi. Tuy nhiên, phần lớn giá trị sản phẩm CNC và sản phẩm ứng dụng CNC đều do khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tạo ra.
Về tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị, theo kết quả tính toán sơ bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, giai đoạn 2011-2014, Việt Nam có tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10,68%/năm, đạt mục tiêu chiến lược đề ra là 10-15%/năm giai đoạn 2011-2015.
Tuy nhiên, trừ một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như công nghệ thông tin - viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính - ngân hàng… phần lớn doanh nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 1/3 tổng số doanh nghiệp), nhóm doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến chỉ khoảng dưới 20% (chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chưa đồng tình với kết quả này và đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề như sự nhảy vọt của sản phẩm CNC hay chuyển giao CNC… và đề nghị đánh giá đúng mức kết quả đạt được, những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân và trách nhiệm Chính phủ, các bộ ngành trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị đoàn giám sát cần đánh giá cụ thể hơn về kết quả hoạt động của khoa học, công nghệ đã thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa như thế nào, nhất là trên các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên.
Bên cạnh đó, đoàn giám sát cần làm rõ việc tiếp thu thành tựu khoa học, công nghệ thế giới để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trong nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ… như thế nào; tại sao khoa học, công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu là động lực và nền tảng cho tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế.
Một số ý kiến đề nghị làm rõ lý do vì sao trình độ công nghệ nước ta lại lạc hậu từ 2-3 thế hệ so với các nước trong khu vực; tại sao vừa qua đã có tình trạng có công nghệ gây ô nhiễm môi trường. Hay vì sao hầu hết các doanh nghiệp chưa sẵn sàng, cũng chưa có động lực để đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ trong khi doanh nghiệp lại là chủ thể của quá trình này.
Một số ý kiến khác thì đề nghị làm rõ lý do tại sao có sự thiếu liên kết giữa nghiên cứu khoa học kĩ thuật với giáo dục đào tạo và sản xuất kinh doanh. Làm thế nào để định hướng phát triển khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước?…