Khổ vì kiểm tra chuyên ngành
Kiểm tra chuyên ngành “hành” doanh nghiệp | |
Khi hàng hóa bị kiểm quá nhiều | |
“Nghẹt thở” vì kiểm tra chuyên ngành |
Văn bản pháp luật quy định kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Phiên họp lần thứ hai của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại. Phó thủ tướng yêu cầu phải tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, rà soát, loại bỏ những quy định chồng chéo, không cần thiết trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tại phiên họp này, Phó Thủ tướng chỉ ra rằng: Một số bộ chưa tích cực trong thực hiện cải cách thủ tục, nhất là kiểm tra hải quan chuyên ngành. Phó Thủ tướng đã nói: Đây là nguyên nhân chính làm gia tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh và mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Kiểm hóa hàng tại Chi cục Hải quan Bắc Thăng Long (Cục Hải quan Hà Nội) |
Theo tính toán sơ bộ của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): để thực hiện các quy định, thủ tục về QLCN, mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 28,6 triệu ngày công và khoảng 14,3 nghìn tỷ đồng. Theo số liệu thống kê từ Cục Hải quan TP HCM: Chỉ riêng chi phí làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại Cục Hải quan TP.HCM đã lên tới hơn 1.091 tỷ đồng trong năm 2016. Chi phí tối thiểu kiểm tra chuyên ngành cho một tờ khai khoảng 200.000 đồng phí kiểm dịch và 2.000.000 đồng phí kiểm tra chuyên ngành, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). “Kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết đang là hòn đá trì kéo nỗ lực cải thiện chỉ số “Giao dịch thương mại qua biên giới” trong bảng xếp hạng Doing bussines, là “nút thắt” trong cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP.
Theo Phó Thủ tướng, vướng mắc hiện nay là văn bản pháp luật quy định kiểm tra chuyên ngành chồng chéo, quy định một mặt hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của hai bộ. Có trường hợp một mặt hàng chịu nhiều hình thức kiểm tra của cùng một bộ. Có danh mục kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định tiêu chuẩn và điều kiện kiểm tra, có nghĩa là Bộ muốn kiểm tra gì cũng được.
Theo điều tra của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): 93% doanh nghiệp được hỏi cho biết, quy định về kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, lại nằm ở nhiều văn bản khác nhau nên doanh nghiệp khó nắm bắt thông tin và tuân thủ; 89% doanh nghiệp cho rằng, nhiều quy định không phù hợp thực tế và 82% doanh nghiệp nhận thấy sự phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt. Tại phiên họp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn báo cáo: tiến độ triển khai sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành còn rất chậm. Hiện còn tồn đến 63 văn bản vẫn đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung và chưa hoàn thành theo nhiệm vụ được giao.
Theo rà soát mới đây của Bộ Tài chính, hiện có đến 414 văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Trong khi mục tiêu của Nghị quyết 19 đặt ra là năm nay phải giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15% nhưng hiện tỷ lệ này là 30-35% nhưng cũng chỉ phát hiện số các lô hàng không đạt yêu cầu chỉ có 1%.
Không những không cải cách được mà “danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, cứ dài ra, nhiều lên”, theo TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM. CIEM đếm sơ bộ thấy số lượng hàng hoá thuộc diện kiểm tra chuyên ngành vào khoảng 100.000 nghìn mặt hàng.
Kiểm tra chuyên ngành hiện nay có 6 hình thức: Kiểm dịch thực vật; Kiểm dịch động vật/thú y; Kiểm tra chất lượng; Kiểm tra hiệu suất năng lượng; Kiểm tra an toàn thực phẩm; Giấy phép xuất nhập khẩu và các yêu cầu tương đương. Bất cập lớn là có những mặt hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của hai bộ, lại có những mặt hàng buộc phải chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị trong cùng một bộ.
Lại có những có những mặt hàng vừa phải kiểm dịch vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm hoặc chất lượng như sữa chua, pho mat… hay như kén tằm vừa phải kiểm dịch động vật lẫn thực vật…
Giảm 30% tiết kiệm 4.300 tỷ đồng
Trong thủ tục xuất nhập khẩu và thông quan hàng hóa thì thủ tục hải quan chỉ chiếm 28% thời gian, 72 % là thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Vấn đề kiểm tra chuyên ngành đã được CIEM lên tiếng nhiều lần. Chính cán bộ hải quan cũng thừa nhận “khổ vì kiểm tra chuyên ngành”. Diễn đàn kinh tế tư nhân đã đã liên tục có công văn kiến nghị về các vướng mắc kiểm tra chuyên ngành đến Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan và các bộ có quy định về kiểm tra chuyên ngành. Và theo Nghị quyết 19, các bộ quản lý chuyên ngành trong quý 1/2017 phải ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành.
Kiến nghị cắt giảm danh mục các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, CIEM tính toán: Với 1.000 mặt hàng trong danh mục phải kiểm tra hiện nay, nếu giảm 30% sẽ tiết kiệm được khoảng 8,6 triệu ngày công và khoảng 4.300 tỷ đồng; giảm 50% sẽ tiết kiệm được: 14,3 triệu ngày công và khoảng 7.100 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng đã kết luận: Giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm chuyên ngành tại khâu thông quan xuống còn 15% trên tổng số các lô hàng hóa xuất nhập khẩu. Các bộ, cơ quan (nhất là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông - Vận tải) khẩn trương, rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành theo đúng tiến độ và thời hạn, văn bản nào sửa đổi không kịp phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ rõ lý do; Khẩn trương ban hành Danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành, công khai về quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, phương pháp kiểm tra; Cải tiến kiểm tra chuyên ngành theo hướng áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, chuyển mạnh sang hậu kiểm, kiểm tra tại nguồn và công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra theo thông lệ quốc tế; điện tử hoá thủ tục (nộp hồ sơ, trả kết quả…) kiểm tra chuyên ngành…; kết nối chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.