Cần sự tử tế!
Ảnh minh họa |
Không ai khác, Công ty Formosa (Đài Loan) đóng tại Khu công nghiệp Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh chính là đơn vị đã xả thải với hàm lượng độc tố lớn ra biển, khiến cá chết hàng loạt, hủy hoại môi trường, đồng thời đẩy người dân sống bám biển ở khu vực này rơi vào hoàn cảnh khó khăn…
Theo lời Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Formosa có xả thải ra môi trường các chất có độc tố phenol, xianua, hydro ôxit sắt. Đây là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng làm hải sản chết bất thường.
Công ty Formosa cũng đã gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng như nhân dân Việt Nam, đặc biệt là 4 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng. Đồng thời, Formosa cam kết bồi thường 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng) khắc phục hậu quả môi trường, hỗ trợ người dân...
Vậy là, sau hơn 2 tháng vào cuộc mạnh mẽ, với cách làm việc nghiêm túc, khoa học, khẩn trương và có trách nhiệm, các cơ quan hữu quan và các nhà khoa học trong nước lẫn quốc tế đã xác định được “kẻ thủ ác” phá hoại môi trường biển Việt Nam. Điều này ít nhiều đã minh bạch sự việc, rõ ràng giải pháp xử lý, phần nào làm yên lòng người dân Việt Nam nói chung và người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng.
Tất nhiên, người Việt xưa nay vốn “đánh kẻ chạy đi” chứ không “đuổi kẻ chạy lại”. Nhưng Formosa nói riêng và các DN nước ngoài khác nói chung hãy nhớ rằng, khi đầu tư vào Việt Nam để làm ăn sinh lời cần phải có cách ứng xử “tử tế”. Chỉ có sự tử tế mới hình thành một nền kinh tế bền vững, phát triển và một xã hội ấm no, hạnh phúc.
Các cơ quan hữu quan của Việt Nam qua đây cũng cần nhìn nhận lại để có thêm bài học về nhiệm vụ bảo vệ môi trường của mình. Những cơ quan xét duyệt đầu tư, thẩm định dự án cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố môi trường, bởi 500 triệu USD dù là khoản tiền lớn nhưng có lẽ khó mà đủ để khôi phục lại hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung như trước đây.
Hay các cơ quan giám sát tại địa phương nơi dự án đầu tư cũng cần chủ động hơn trong giám sát để phòng ngừa ngay từ đầu những rủi ro tác động môi trường. Trường hợp nếu có bất thường xảy ra, như cá chết số lượng lớn chẳng hạn, chính quyền địa phương cần vào cuộc nhanh chóng để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về môi trường và kinh tế. Bởi đó cũng là một sự tử tế cho người dân, DN…