Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lại nóng
Mỹ - Trung có thể đạt thỏa thuận thương mại vào đầu tháng 5/2019 | |
Mỹ thắng trong phán quyết WTO về việc Trung Quốc áp hạn ngạch thuế quan với ngũ cốc | |
Khó xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - EU |
Theo một tuyên bố đăng tải trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 7/5, Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ gặp đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, vào ngày 9 và 10/5. Tuy nhiên, Bộ này không công bố thêm thông tin về cuộc đàm phán cũng như các chủ đề dự kiến sẽ được thảo luận lần này. Trong khi theo những người quen thuộc về vấn đề này, phía Trung Quốc vẫn đang chuẩn bị thuế quan trả đũa đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ nếu ông Trump hiện thực hóa lời đe dọa của mình.
Trước khi thông tin này được Bộ Thương mại Trung Quốc phát đi, thị trường tỏ ra nghi ngờ Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo trên Twitter vào Chủ Nhật vừa rồi rằng ông dự định tăng thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ mức 10% như hiện tại lên 25% vì các cuộc đàm phán đang diễn ra quá chậm. Thậm chí ông Trump còn đe có thể áp đặt thuế quan lên 325 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc, có nghĩa hầu như tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị áp thuế.
Đây không phải là lời đe dọa xuông. Theo đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết hôm thứ Hai (6/5), Chính quyền Trump có kế hoạch tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc lúc 12:01 sáng ngày 10/5. “Chúng tôi cảm thấy mình đang đi đúng hướng. Trong suốt tuần qua, chúng tôi đã chứng kiến sự vi phạm các cam kết của Trung Quốc. Theo quan điểm của chúng tôi đó là điều không thể chấp nhận được”, ông nói và thêm rằng, các vấn đề quan trọng vẫn chưa được giải quyết, bao gồm cả việc liệu thuế quan có được giữ nguyên hay không. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, phía Mỹ sẽ xem xét lại việc nâng thuế nếu các cuộc đàm phán trở lại đúng hướng.
Bởi vậy, theo giới quan sát vòng đàm phán mới nhất dự kiến diễn ra hôm 9/5 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung hiện nay. Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo dài cả năm nay và đã gây ra nhiều thiệt hại to lớn cho các doanh nghiệp, thị trường, người tiêu dùng ở cả hai quốc gia. Vấn đề là với tối hậu thư mà ông Trump đưa ra hiện nay, phía Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào: Liệu có đưa ra những giải pháp nhượng bộ đủ để ngăn chặn phía Mỹ nâng thuế quan lên cao hơn? hay chính quyền Trung Quốc đáp trả bằng các biện pháp trả đũa?
“Thực tế việc Trung Quốc gửi một phái đoàn do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đến Hoa Kỳ cho thấy họ vẫn muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán bất kể Hoa Kỳ đang nói gì”, Lu Xiang thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh nói. “Nếu chính quyền Trump vẫn thực hiện lời đe dọa thuế quan vào thứ Sáu, tôi nghĩ điều đó có nghĩa là các cuộc đàm phán sẽ sụp đổ. Sau đó chúng ta cần phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.
Theo một nguồn tin xin được giấu tên nói với Bloomberg, Trung Quốc sẽ kích hoạt thuế quan trả đũa của mình ngay sau khi quyết định tăng thuế suất đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc lên 25% của Mỹ có hiệu lực.
Trong khi tờ báo Thời báo Toàn cầu cho biết trong một bài xã luận, Trung Quốc đã “chuẩn bị tốt cho các kết quả có thể xảy ra” trong cuộc đàm phán thương mại của họ với Mỹ, “bao gồm cả một sự phá vỡ tạm thời trong các cuộc đàm phán”. Cánh cửa đàm phán không bao giờ đóng lại ngay cả khi phía Mỹ tăng thuế, tờ báo cho biết.
Trước đó, Lighthizer và Mnuchin đã nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng sự vi các cam kết của Trung Quốc đã trở nên rõ ràng trong chuyến thăm Bắc Kinh của họ vào tuần trước, nhưng họ đã được các nhà đối thoại Trung Quốc trấn an rằng mọi thứ sẽ theo đúng các cam kết.
Thế nhưng điều đó đã thay đổi vào cuối tuần qua khi Trung Quốc gửi một dự thảo mới về một thỏa thuận, trong đó có đảo ngược ngôn từ về một số vấn đề, điều đó “có khả năng thay đổi mạnh thỏa thuận”, Mnuchin nói. Tại thời điểm đó, khoảng 90% thỏa thuận đã được hoàn tất, ông nói, và người Trung Quốc muốn mở lại các khu vực đã được đàm phán xong. “Chúng tôi không muốn quay trở lại với những vấn đề đã được đàm phán xong trong quá khứ”.
Đây không phải là lần đầu tiên thỏa thuận giữa hai bên bị lung lay. Một năm trước, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã từng tuyên bố với các phóng viên ở Washington rằng các cuộc đàm phán với Mnuchin, Lighthizer và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đã kết thúc với cam kết hai bên sẽ không tham gia vào một cuộc chiến thương mại. Thế nhưng thực tế lại không như vậy. Liệu lần này Trung Quốc có ngăn được cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang.