Căng thẳng thương mại sẽ là tâm điểm của Hội nghị G20
Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc NHTW các nước G20 kéo dài 2 ngày sẽ chính thức khai mạc vào thứ Bảy tới (8/6) tại Fukuoka, miền nam Nhật Bản. Reuters dẫn lời 2 quan chức từ các quốc gia thành viên G20 cho biết, trong thông cáo được soạn thảo sẽ công bố sau cuộc họp, dự kiến các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW các nước G20 sẽ duy trì quan điểm rằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi trong năm tới.
Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 2018 tại Buenos Aires (Argentina) |
Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách có thể ít lạc quan hơn về triển vọng và lo ngại rủi ro ngày càng tăng khi họ phát biểu bên lề cuộc họp, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với Trung Quốc và Mexico đang làm chao đảo các thị trường và làm dấy lên nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu.
“Một vài tháng trước đó, đã có sự đồng thuận rộng rãi rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ phục hồi trở lại trong nửa cuối năm nay, khi các biện pháp kích thích của Trung Quốc bắt đầu phát huy hiệu quả”, một quan chức sẽ tham dự Hội nghị G20 cho biết. “Tuy nhiên đến nay, quan điểm đó có thể đã quá lạc quan”.
Hoạt động sản xuất của các nhà máy đã chậm lại ở Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á vào tháng trước khi cuộc chiến thương mại leo thang làm dấy lên lo ngại về sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu như vậy đã khiến Australia và New Zealand cắt giảm lãi suất, trong khi một số quan chức của Fed cũng đã ám chỉ về khả năng cắt giảm lãi suất.
“Một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu không phải là kịch bản chính của chúng tôi, nhưng những rủi ro đang gia tăng”, Hiroshi Shiraishi - chuyên gia kinh tế cao cấp của BNP Paribas Securities cho biết. “G20 có thể sẽ nói về sự không chắc chắn đang diễn ra và tuyên bố rằng họ sẵn sàng hành động nếu cần. Nhưng thực tế, họ có thể làm gì?”.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW các nước G20, sẽ đặt nền móng cho Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở Osaka vào ngày 28-29/6. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cho biết, ông hy vọng sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, mặc dù Trung Quốc đã từ chối xác nhận điều này.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin dự kiến sẽ gặp Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang tại Fukuoka. Đây sẽ là cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên giữa các thành viên chủ chốt của hai nhóm đàm phán thương mại kể từ khi các cuộc đàm phán giữa hai nước bị phá vỡ một tháng trước.
Với tư cách là Chủ tịch G20 năm nay, Nhật Bản sẽ tổ chức các cuộc thảo luận về biện pháp giải quyết sự mất cân bằng thông qua cách tiếp cận đa phương, với hy vọng sẽ tập hợp được nhiều sự ủng hộ nhằm chống lại những yêu cầu của Trump về việc khắc phục thâm hụt thương mại của Mỹ thông qua các thỏa thuận song phương và thuế quan. Nhưng các nhà hoạch định chính sách ở Tokyo nói rằng họ không có ý định hòa giải các tranh chấp thương mại hiện tại, cho thấy các nhà lãnh đạo tài chính G20 sẽ cố tránh không đề cập tới các vấn đề liên quan đến thuế quan.
Reuters dẫn lời các quan chức tham dự Hội nghị G20 cho biết, Thông cáo chung sau cuộc họp nhiều khả năng sẽ duy trì ngôn ngữ cảnh báo chống lại các động thái tiền tệ quá mức và mất trật tự. Các nhà lãnh đạo tài chính của G20 cũng sẽ đặt mục tiêu áp dụng các nguyên tắc mới về chi tiêu cơ sở hạ tầng để khắc phục tình trạng nợ gia tăng tại các nền kinh tế mới nổi và tranh luận về chính sách thuế doanh nghiệp nhằm phân phối tốt hơn doanh thu từ các đại gia kỹ thuật số như Google và Apple. Trong thông cáo của hội nghị trước đó được ban hành vào tháng 7 năm ngoái, các nhà lãnh đạo tài chính G20 cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu “vẫn còn mạnh mẽ” nhưng rủi ro suy giảm trong ngắn hạn và trung hạn đã tăng lên.