Cảnh báo nạn rửa tiền
Ảnh minh họa |
Đầu năm nay, có trường hợp một sinh viên ở TP. Hồ Chí Minh xuống Long An mở tài khoản NH, sau đó liên tục trong tháng có đến 5 lần nhận được tiền mặt từ nước ngoài chuyển về. Trong khi, trước đó, sinh viên này chỉ có giao dịch nhận tiền một hai lần mỗi tháng từ gia đình chu cấp.
Nhận thấy sự bất thường, nên NH này đã báo các giao dịch cho các cơ quan hữu quan và một vụ án mở ra. Kết cục là bạn sinh viên này bị một tổ chức rửa tiền nước ngoài lợi dụng tài khoản cá nhân chuyển tiền bẩn và chia lại cho một tỷ lệ gọi là phí vận chuyển tiền cho đối tượng cần nhận.
Theo các NH, sự bất thường này nói lên một thực trạng là nhiều người đang bị các cá nhân hoặc tổ chức lợi dụng trong quá trình rửa tiền mà không hay biết. Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, các NH cho rằng, hành vi biến tiền phi pháp thành hợp pháp có hàng trăm cách khác nhau và lâu nay cán bộ NH mới chủ yếu nhận biết bằng kinh nghiệm của người làm.
Theo quy định mới nhất của Luật Phòng chống rửa tiền, hiện nay mỗi một giao dịch từ 500 triệu đồng (trước đây 300 triệu đồng) và 1.000 USD trở lên, bộ phận kiểm soát nội bộ NH hoặc kế toán trong ngày phải có báo cáo về Cục Phòng chống rửa tiền. Nơi này sẽ phối hợp với lực lượng chức năng để có hình thức theo dõi nhằm hạn chế tối đa các hành vi rửa tiền chạy qua hệ thống NH. Trong luật phòng chống rửa tiền cũng đưa ra 20 tiêu chí cảnh báo nghi ngờ có dấu hiệu rửa tiền.
Các NHTM cho rằng, quy định pháp luật chỉ nêu ra những điểm chung nhất, còn quan trọng là giao dịch viên NH bằng kinh nghiệm của mình để phát hiện ra các dấu hiệu rửa tiền mà ngăn chặn.
Thế nhưng, hiện nay mỗi NH thực hiện phòng ngừa theo quy mô của riêng mình mà rất ít có sự chia sẻ thông tin. Thậm chí, có NH, mặc dù lờ mờ nhận ra một giao dịch có dấu hiệu rửa tiền nhưng lại sợ mất khách hàng nên dễ bỏ qua.
Một NH có hội sở ở TP. Hồ Chí Minh cho hay, có giao dịch bằng ngoại tệ đến 40-50 ngàn USD từ nước ngoài vào Việt Nam, sau đó tiền trên tài khoản được rút ngay. Nhưng rất khó có cơ sở nói với khách hàng là họ có dấu hiệu rửa tiền vì một giao dịch lớn. Nhưng nếu bị phát hiện thì NH sẽ đối mặt với mức phạt vi phạm hành chính về tiền tệ theo Nghị định 96. Vậy những công ty chuyển tiền hiện nay có phải chịu sự kiểm soát đầy đủ các tiêu chí về Luật Phòng chống rửa tiền như các NHTM?
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền cho biết, hàng năm Liên hợp quốc thường gửi cho Nhà nước Việt Nam một danh sách đen những quốc gia và vùng lãnh thổ, sau đó NHNN cung cấp cho các TCTD để cảnh báo về việc có thể bị rửa tiền trong các giao dịch.
Mặc dù, hiện nhiều quốc gia lớn như Mỹ cũng có những hoạt động cấm vận một số quốc gia với những bản danh sách đen tương tự. Tuy nhiên khi giao dịch, các NH cũng cần phải hết sức cảnh giác và căn cứ vào mức độ rủi ro trong từng lĩnh vực hàng hóa giao dịch, khách hàng chuyển tiền để có những biện pháp phòng thân. Bởi, nếu để xảy ra sự việc có liên quan đến hoạt động rửa tiền, uy tín NH sẽ mất hết và có thể sẽ bị các NH quốc tế cắt đứt vai trò NH đại lý trong các giao dịch thanh toán quốc tế.