Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thẻ tín dụng
An toàn giao dịch trực tuyến: Những nguyên tắc “vàng” | |
Sức hấp dẫn của thẻ tín dụng với giới trẻ |
Xu hướng “tiêu trước, trả tiền sau” khiến cạnh tranh trên thị trường thẻ ngày càng gia tăng |
Một điều dễ nhận thấy, khi xu hướng tiêu dùng “tiêu trước, trả tiền sau” dần phổ biến, thì các NHTM sẽ càng tích cực đẩy mạnh việc phát hành thẻ để cạnh tranh. Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 56 tổ chức phát hành thẻ với số lượng đạt mức 97 triệu thẻ (tăng khoảng 8,3% so với cuối năm 2017). Số lượng thẻ đang lưu hành dù theo nguồn tài chính hay theo phạm vi đều có xu hướng tăng. Theo thông tin của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam (VBCA), năm 2018, doanh số thanh toán thẻ nội địa đạt mức 280.068 tỷ đồng tăng 16% so với năm 2017, doanh số thanh toán thẻ quốc tế đạt mức 308.098 tỷ đồng tăng 45% so với năm 2017.
Theo ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), các NHTM đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hoá, dịch vụ; đồng thời, chất lượng dịch vụ thẻ cũng như độ an toàn trong thanh toán thẻ cũng được các ngân hàng chú trọng và nâng cao hơn.
Thị trường thẻ tín dụng những năm trước đây chủ yếu nằm trong tay những ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, Techcombank... Tuy nhiên, theo quan sát, thị phần trên thị trường này đang có những thay đổi đáng kể. Và để thu hút khách hàng, các nhà băng không những cạnh tranh về phí, khuyến mãi, miễn phí thường niên năm đầu tiên, hoàn tiền mặt... mà còn chào mời bằng nhiều ưu đãi hấp dẫn khác.
Như ở Sacombank, khách hàng sử dụng thẻ tín dụng quốc tế của ngân hàng này tiêu tiền trước, trả tiền sau với thời gian miễn lãi lên đến 55 ngày mà không cần tài sản đảm bảo; tích luỹ điểm thưởng đổi quà khi mua sắm; mua hàng trả góp lãi suất 0% mọi lúc mọi nơi. ABBank cũng đang triển khai chương trình “Du hí khắp thế giới cùng thẻ tín dụng ABBank Visa Contactless” với quà tặng là hàng ngàn vali du lịch thời trang ngay khi khách hàng mở mới thẻ tín dụng quốc tế ABBank Visa Contactless.
Tại VIB khách hàng mở thẻ tín dụng sẽ nhận mã quay số 100% trúng thưởng hoàn tiền đến 1 triệu đồng, đồng thời có cơ hội nhận vé du lịch châu Á... Với khách hàng dùng thẻ tín dụng Visa Bản Việt sẽ được tận hưởng tiện ích 3.0: 0 phí thường niên suốt thời gian hiệu lực thẻ, 0 phí phát hành thẻ, 0 phí đa số các dịch vụ và ưu đãi cho chủ thẻ với mức giảm tới 60% các dịch vụ mua sắm, giải trí, ẩm thực, du lịch, sức khỏe.
Để tăng sức cạnh tranh, MSB vừa ra mắt MSB Visa Online hoàn tiền lên tới 20% cho chủ thẻ khi chi tiêu online, giảm giá tới 30% tại hơn 300 đối tác thuộc nhiều lĩnh vực trong thế giới ưu đãi JOY. MSB cũng là nhà băng tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong mở thẻ tín dụng - tiền đề cho ngân hàng này mở rộng triển khai các dịch vụ khác trên nền tảng AI nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu và đem đến trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng...
Gần chục năm về trước thủ tục mở thẻ tín dụng tương đối khó khăn, đòi hỏi khách hàng phải cung cấp nhiều loại giấy tờ, hạn mức được vay qua thẻ còn thấp, lãi suất lại cao. Còn như hiện nay, khách hàng dễ dàng có trong tay một thẻ tín dụng với điều kiện mở thẻ đã nới hơn nhiều. Đơn cử như với Sacombank, điều kiện mở thẻ tín dụng của ngân hàng này chỉ là thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng nếu khách hàng sinh sống tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và 3 triệu đồng/tháng nếu ở tỉnh, thành khác.
Không phủ nhận, thẻ tín dụng là công cụ thanh toán tiện lợi, dễ sử dụng và đang chứng minh được ưu thế vượt trội của mình so với các sản phẩm khác. Tuy nhiên, theo một chuyên gia chia sẻ, thì rất nhiều khách hàng vẫn chưa thật sự nắm được quy trình, thủ tục ghi nhận nợ của các NHTM nên dễ rơi vào nợ dài hạn.
Thực tế, nhiều khách hàng vay mở thẻ tín dụng thường chỉ quan tâm tới hạn mức được cấp hay khoản tiền phải trả hàng tháng, nhưng lại không để ý tới phương thức tính lãi của ngân hàng. Không ít trường hợp đã bị tính lãi và phạt số tiền lớn so với dư nợ do quên chưa thanh toán. Cộng thêm việc nếu chủ thẻ nợ trên thẻ tín dụng bị chuyển nhóm nợ sang nợ xấu, bị ghi nhận vào lịch sử tín dụng tại CIC, khách hàng sẽ gặp khó khăn khi vay vốn, mở thẻ... sau này.
Hầu hết sản phẩm thẻ tín dụng của các nhà băng hiện nay đều miễn lãi tới 45 ngày. “Cần phải hiểu rằng đây là số ngày miễn lãi tối đa, không áp dụng cho tất cả giao dịch phát sinh từ thẻ. Ngày được miễn lãi thực phụ thuộc thời điểm chủ thẻ thực hiện giao dịch, loại giao dịch và ngày sao kê của sản phẩm thẻ đó”, chuyên gia cho biết.
Khách hàng sẽ phải trả mức phí phạt do quá hạn, hay phí trả chậm bên cạnh việc bị tính lãi suất. Khi không thanh toán đủ số tiền tối thiểu mà nhà băng yêu cầu sau 45 ngày, mức phí trả chậm được các ngân hàng áp dụng tối thiểu 5%/lần trên tổng số tiền khách hàng đã chi tiêu từ thẻ của mình. Do đó, chuyên gia lưu ý khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng cần phải có sự thận trọng, tìm hiểu kỹ các quy định về thanh toán của nhà băng.