Cập nhật thị trường toàn cầu sáng 20/6/2017
Chỉ số chứng khoán tại Nhật Bản và Đài Loan đều tăng với sự hỗ trợ mạnh nhất của Tập đoàn Điện tử Samsung trong ngày thứ 2 liên tiếp. Chỉ số Nasdaq 100 tăng mạnh nhất kể từ tháng 11, khi cổ phiếu công nghệ lớn tăng điểm trở lại sau hai tuần suy giảm. Cổ phiếu của Hồng Kông đã xóa sạch mức tăng trước đó trước quyết định của MSCI Inc về việc có đưa các cổ phiếu nội địa của Trung Quốc vào các chỉ số chuẩn hay không. Trái phiếu Kho bạc Mỹ đã sụt giảm trong phiên giao dịch hôm thứ Hai sau khi Chủ tịch Fed New York William Dudley cho biết việc chấm dứt chu kỳ thắt chặt bây giờ sẽ đe dọa nền kinh tế.
“Gần đây chúng ta đã thấy một số dữ liệu kinh tế không mấy ấn tượng, nhưng Dudley cho thấy không mấy bị tác động bởi chúng. Điều đó tạo sự thoải mái cho những người tham gia thị trường”, Toshihiko Matsuno - chiến lược gia cao cấp của Công ty Chứng khoán SMBC Friend tại Tokyo cho biết.
Dudley - một đồng minh thân cận của Chủ tịch Fed Janet Yellen - tuyên bố rằng ông kỳ vọng việc thị trường lao động mạnh mẽ cuối cùng sẽ kích thích sự phục hồi của lạm phát đã bất ngờ suy yếu trong những tháng gần đây. Nhận xét của ông được đưa ra sau phát biểu của Chủ tịch Fed Chicago Fed Charles Evans rằng “môi trường hiện tại chỉ hỗ trợ việc tăng dần lãi suất và làm chậm việc thu hẹp bảng cân đối tài sản”.
Các quan chức FED tuần trước đã quyết định tăng lãi suất lần thứ ba trong vòng 6 tháng và lần đầu tiên công bố kế hoạch cắt giảm bảng cân đối tài sản trị giá 4,5 nghìn tỷ USD của Fed vào cuối năm nay bất chấp mối lo ngại ngày càng tăng về lạm phát yếu.
Những thông tin đáng chú ý sắp tới:
- Phó chủ tịch Fed Stanley Fischer sẽ có bài phát biểu vào hôm thứ Ba, cùng với nhiều quan chức của Fed sẽ xuất hiện trong suốt tuần như: Eric Rosengren, Robert Kaplan, Jerome Powell, James Bullard và Loretta Mester.
- MSCI sẽ thông báo liệu nó có chấp nhận đưa các cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc vào các chỉ số chuẩn toàn cầu của nó hay không. Thị trường nội địa trị giá 6,8 nghìn tỷ USD là lớn thứ hai thế giới và chiếm 9% giá trị cổ phiếu toàn cầu nhưng đã bị MSCI bác bỏ ba lần bởi các vấn đề bao gồm việc kiểm soát vốn và ngừng giao dịch lâu dài. Quyết định của MSCI dự kiến sẽ được công bố vào thứ Ba sau khi thị trường Mỹ đóng cửa.
Một số diễn biến chính trên thị trường:
Cổ phiếu:
- Chỉ số Topix của Nhật Bản tăng 1%, ngày tăng thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2015.
- Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,6%. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất của nước này sụt giảm sau khi sau khi bị Moody's Investors Service hạ bậc tín nhiệm.
- Chỉ số Kospi của Hàn Quốc ít thay đổi. Cổ phiếu của Samsung tăng 2,1%, thêm vào mức tăng 2,2% của phiên thứ Hai.
- Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,3%, đảo chiều mức tăng 0.5% trước đó; chỉ số Shanghai Composite giảm 0,2%.
- Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 tương lai tăng ít hơn 0,1%. Chỉ số cơ bản đã tăng 0,8% trong phiên hôm qua khi cổ phiếu công nghệ và chăm sóc sức khỏe bật tăng mạnh. Chỉ số Stoxx Europe 600 tăng 0,9%.
Tiền tệ:
- Đồng yên giảm 0,1% xuống 111,65 JPY/USD; đồng won Hàn Quốc giảm 0,4%; đôla Úc mất 0,2%.
- Chỉ số Bloomberg Dollar Index không đổi sau khi tăng 0,4% vào thứ Hai. Chỉ số này đã phục hồi trở lại sau khi chạm vào mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016 vào tuần trước.
Trái phiếu:
- Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm gần 1 điểm cơ bản xuống còn 2,18%, sau khi tăng 4 điểm cơ bản vào thứ Hai.
- Lợi suất trái phiếu Chính phủ Úc kỳ hạn 10 năm tăng 1 điểm cơ bản lên 2,42%.
Hàng hóa:
- Giá dầu ít biến động ở mức 44,19 USD/thùng, sau khi rới xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016 vào thứ Hai. Dầu thô đã giảm trong 4 tuần liền vì Mỹ vẫn tiếp tục bổ sung thêm giàn khoan, ngăn chặn những nỗ lực của OPEC để tái cân bằng thị trường dư cung.
- Giá vàng tăng 0,1% lên 1.245,57 USD/oz sau khi đóng cửa ở mức thấp nhất trong hơn một tháng trong phiên hôm qua.