Chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và châu Âu có thể nới rộng
Ảnh minh họa |
NHTW châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp vào thứ Năm tuần tới và được dự báo sẽ giữ nguyên chính sách như hiện nay bất chấp những lời kêu gọi nên bắt đầu thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh tại khu vực.
Chỉ vài tuần nữa là diễn ra cuộc bầu cử tại Pháp và Hà Lan vốn đang gây nhiều tranh cãi. Trong bối cảnh đó, có lẽ ECB sẽ cố gắng tránh gây xáo trộn. Kết quả cuộc thăm dò mới đây của Reuters cũng cho thấy sự nhất trí răng ECB sẽ không có thay đổi chính sách.
Nhưng việc cân bằng các quan điểm có thể khó khăn hơn là nó tưởng. Với mức tăng trưởng cao nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính và lạm phát vượt lên trên mục tiêu của ECB, nhiều ý kiến kêu gọi, đặc biệt là ở Đức, ECB thu hẹp quy mô chương trình mua vào trái phiếu 2,3 nghìn tỷ euro (2,42 nghìn tỷ USD) của mình và tăng lãi suất.
Mặc dù vậy, Chủ tịch ECB Mario Draghi được cho là sẽ cố gắng tránh bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc thu hẹp chương trình mua tài sản hay tăng lãi suất. "Nếu cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra đúng như mong muốn, trong khi các số liệu về tăng trưởng và lạm phát vẫn tích cực, ECB có thể có những lời lẽ hiếu chiến hơn trong cuộc họp ngày 8/6", Reinhard Cluse - một nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư UBS cho biết. "Điều này sau đó sẽ tiếp tục được duy trì trong cuộc họp ngày 20/7 để thị trường chuẩn bị cho việc thu hẹp dần (chương trình mua tài sản) vào ngày 7/9".
Theo cuộc khảo khát của Reuters, giới chuyên gia cũng nhận định, ông Draghi sẽ viện dẫn các lý do rằng gia tăng lạm phát chỉ là tạm thời, tăng trưởng vẫn mong manh và rủi ro chính trị sẽ che phủ triển vọng để tiếp tục kích thích kinh tế.
Rõ ràng sau khi động thái thắt chặt chính sách trong năm 2011 chỉ vài tháng trước khi cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro bắt đầu vượt ra ngoài tầm kiểm soát, ECB sẽ rất cẩn trọng để không thắt chặt quá sớm.
Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Báo cáo việc làm tháng 2 tại Mỹ được dự kiến sẽ củng cố thêm khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong tuần sau đó.
Bảng lương phi nông nghiệp tại Mỹ sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu tuần tới với dự kiến sẽ chỉ tăng 186.000 việc làm, song con số đó là đủ để Fed tăng lãi suất. Số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống thấp nhất trong gần 44 năm vào cuối tháng trước cho thấy thị trường lao động Mỹ tiếp tục được cải thiện.
Hiện thị trường gần như tin tưởng hoàn toàn rằng Fed sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 3, lần tăng lãi suất thứ 3 kể từ khi lãi suất rơi xuống gần 0% vào cao điểm của cuộc khủng hoảng, và có thể tăng thêm hơn 2 lần nữa trước khi kết thúc năm.
Tăng trưởng việc làm mạnh mẽ đe dọa thị trường lao động quá nóng, trong khi lạm phát cũng đang tăng nhanh. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng sản xuất cũng vững chắc bù đắp cho nhu cầu tiêu dùng tương đối yếu. tất cả những điều đó khiến ngay cả những quan chức Fed bi quan nhất cũng ủng hộ sớm tăng lãi suất.
Cơ sở càng vững hơn khi lo ngại tăng trưởng toàn cầu yếu cũng dịu đi. Trung Quốc dự kiến sẽ báo cáo số liệu khả quan về xuất nhập khẩu, cho thấy ngay cả khi tăng trưởng tổng thể đang chậm lại và nợ tăng lên nhanh chóng, suy thoái vẫn trong tầm kiểm soát, giảm thiểu rủi ro cho các nền kinh tế mới nổi.
Thật vậy, hoạt động sản xuất của Trung Quốc mở rộng nhanh hơn dự kiến trong tháng 2 là cơ sở để NHTW nước này có thể tăng thêm 10 điểm cơ bản vào đầu tháng 3. Trong khi số liệu được công bố vào thứ Tư tuần tới được dự kiến sẽ cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tăng 10% trong tháng 2, trong khi nhập khẩu có thể tăng 20%. Đây là một tin vui đối với các quốc gia như Úc, những quốc gia cung cấp vật liệu thô cho Trung Quốc.
Với tất cả những lý do này, chúng ta có thể tiên đoán, sau hai tuần nữa, lãi suất vẫn là -0,4% ở ở châu Âu, trong khi tại Mỹ là hơn 0,75%.