Chính phủ điện tử không chỉ đo sự hài lòng
Chính phủ điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông đổi mới quy trình, phương thức hoạt động và cải cách hành chính từ cơ quan chính phủ để hoạt động của chính quyền các cấp tăng hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn, cung cấp thông tin, dịch vụ công tốt hơn.
Người dân trông chờ sự đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công
Ông Phạm Minh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) cho biết, mục tiêu tổng thể của chương trình Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) giai đoạn 2011-2020 là: đến năm 2015, 60% người dân hài lòng đối với dịch vụ hành chính công và đến năm 2020 phải tăng được sự hài lòng của người dân lên đến 80%. Trong đó, 2 dịch vụ công được nhiều người quan tâm và sử dụng nhất là y tế và giáo dục.
Hiện nay mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ công đã tăng lên đáng kể nhờ những nỗ lực cải cách TTHC và thực hiện Chính phủ điện tử, nhất là trong dịch vụ đăng ký kinh doanh, khai sinh, cấp chứng minh thư, hay trong việc thu thập, tìm hiểu các văn bản pháp quy, thủ tục hải quan, thuế…
Một số địa phương, nhờ nỗ lực cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa và Chính phủ điện tử nên có được sự hài lòng của người dân như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Trị… nhưng vẫn còn nhiều lời phàn nàn. Thậm chí, người dân và DN còn rất bức xúc với các thủ tục và các quy định liên quan đến đất đai, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng…
Theo kết quả khảo sát về mức độ hài lòng của DN về TTHC và dịch vụ công do Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG Việt Nam) thực hiện, thời gian DN thực hiện việc đóng thuế ở Việt Nam là hơn 832 giờ/năm gấp gần 3 lần so với mức trung của thế giới và khu vực; bình quân thời gian khai thuế thu nhập cá nhân trực tuyến là 30 phút/người do thủ tục và hồ sơ vẫn còn khá phức tạp.
“Với một tập đoàn lớn, mỗi người mất 30 phút thì cả tập đoàn mất bao nhiêu thời gian cho riêng việc kê khai thuế thu nhập cá nhân qua mạng?” - ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc IDG Việt Nam nêu câu hỏi để cho thấy cần tiếp tục đơn giản thủ tục và hồ sơ kê khai hơn nữa và cho rằng: “khi mức độ hài lòng của người dân, của DN và nhà đầu tư tăng lên chắc chắn vốn đầu tư họ bỏ ra cũng tăng lên”.
Không hoàn toàn nhất trí với việc đo lường và đánh giá Chính phủ điện tử chỉ ở mức giải quyết những lời phàn nàn, những bức xúc hay mức độ hài lòng của người dân và DN, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa – Giám đốc chiến lược của Công ty cổ phần FPT còn cho rằng, cần nhận định Chính phủ điện tử ở khía cạnh lợi ích kinh tế nữa. Đồng quan điểm, ông Thái Vĩnh Liệu – Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị cũng nhấn mạnh: với Chính phủ điện tử, lãnh đạo các cấp nắm bắt tình hình kịp thời hơn, quản lý và vận hành đồng bộ hơn, từ đó đưa ra chính sách hiệu quả hơn.
Như vậy, cải cách hành chính và phát triển công nghệ thông tin phải gắn kết với nhau. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng Chính phủ điện tử có thể xem là một trong những giải pháp để Việt Nam sớm “thoát đáy”.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của ông Liệu, Chính phủ điện tử hoạt động có hiệu quả đến đâu phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của người đứng đầu. Luận điểm này được minh chứng sinh động ở Đà Nẵng - thành phố có nhiều cải cách, đổi mới và thành công và, tại Hội thảo do Bộ Nội vụ và IDG đồng tổ chức về chủ đề: “Phát triển Chính phủ điện tử: Tăng cường hợp tác, minh bạch và gắn kết công dân”, tại Hà Nội ngày 28/8/2013, được đa số lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng tình. Một số ý kiến còn đề nghị Chính phủ cần có một áp chế để chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử.
Linh Linh