Chính sách mới, vận hội mới
Ngành hải quan làm lễ công bố 400 tỷ USD xuất nhập khẩu | |
Việt Nam đã tận dụng tốt các cam kết FTA |
Các nhóm hàng chủ lực vẫn ổn định
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ trong năm 2017 khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới đạt trên 400 tỷ USD. Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn ghi nhận sự ổn định của các nhóm ngành hàng chủ lực như dệt may, thủy sản, nông sản…
Hàng loạt ô tô nhập khẩu tại cảng chờ chính sách |
Có được kết quả đó, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho DN như cải cách hành chính, xúc tiến thương mại, phải kể đến nhưng nỗ lực của Việt Nam khi tích cực tham gia ký kết các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương, tạo nên thị trường đa dạng, rộng lớn cho xuất khẩu.
Với những thuận lợi về thị trường, các DN xuất nhập khẩu kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2018. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2018 một số Hiệp định thương mại của Việt Nam tham gia có hiệu lực, nhiều chính sách về thuế thay đổi buộc các DN xuất nhập khẩu có những điều chỉnh để hội nhập nhanh chóng.
Để giữ vững vị thế tại các thị trường lớn cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, các DN xuất nhập khẩu cũng cần có những chiến lược phù hợp với các thông lệ của các Hiệp định thương mại đã ký kết. Nhất là những chính sách mới sẽ tác động nhiều vào kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như thay đổi chiến lược của một số DN xuất nhập khẩu.
Chính sách mới phát huy tác dụng
Để thực hiện cam kết trong nội khối ASEAN, kể từ 1/1/2018, Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì sẽ có 151 dòng thuế được sửa đổi thuế nhập khẩu do chuyển đổi danh mục, 17 nhóm mặt hàng có sự thay đổi về mô tả hàng hóa. Điểm đặc biệt trong Nghị định 125 mới ban hành là bổ sung quy định về Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô giai đoạn 2018 - 2022. Theo cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA), những xe có tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở lên sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0%.
Từ 2018, Việt Nam nhập ôtô từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia... với thuế 0%. Việc bổ sung này nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô theo định hướng của Chính phủ. Tuy nhiên để được hưởng những ưu đãi này, các DN cần phải đảm bảo tiêu chuẩn DN sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô.
Theo đúng lộ trình thực hiện các cam kết với Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam sẽ gỡ bỏ hàng rào thuế quan cho các nước ASEAN với mức giảm lên đến 98% từ ngày 1/1/2018. Tất cả các hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam đều gần như được miễn thuế khi xuất sang các nước Đông Nam Á và ngược lại (trừ Lào và Campuchia). Đây là lợi thế rất lớn cho các DN xuất nhập khẩu mở rộng và chiếm lĩnh thị trường ASEAN đầy tiềm năng.
Là một trong những kỳ vọng đối với DN xuất nhập khẩu tăng trưởng trong năm 2018 đó chính là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo nhiều chuyên gia, Hiệp định EVFTA sẽ tác động tích cực cho cả Việt Nam và EU, trong đó nổi bật hơn cả là tác động về kinh tế. Theo đó, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế theo nguyên tắc 7/10.
Hiệp định EVFTA giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, các loại nông sản... Hiệp định EVFTA hướng tới mức độ xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và kim ngạch thương mại của hai bên.
Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi thuế quan lý tưởng này, yếu tố then chốt là hàng hóa phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ mà Việt Nam và EU đã thống nhất trong hiệp định. Đây là một trong những thách thức lớn đối với các DN xuất nhập khẩu Việt Nam. Do đó, DN cần nghiên cứu quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm xuất khẩu cụ thể của mình trong các Hiệp định FTA tương ứng để đáp ứng những yêu cầu nhằm tận dụng những ưu đãi mà hiệp định mang lại.
Với những chính sách mới trong năm 2018, việc giảm và xóa bỏ nhiều loại thuế xuất nhập khẩu sẽ đem lại sự cạnh tranh rất lớn cho DN. Theo đó, các DN sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế cũng như mở rộng thị trường. Tuy nhiên việc hội nhập sâu rộng cũng là thách thức lớn đối với bản thân các DN.
Vì vậy các chuyên gia cho rằng, các DN xuất nhập khẩu phải chuẩn bị những phương án nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, có chiến lược phát triển thị trường nhằm tận dụng những ưu đãi mà các chính sách mới đem lại để duy trì đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.