Chính sách tỷ giá: Sự cần thiết chuyển hướng điều hành trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh thị trường ngoại hối và tài chính quốc tế có nhiều biến động mạnh, chính sách tỷ giá cần có những thay đổi để phù hợp với tình hình. Việc áp dụng một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn thông qua việc gắn tỷ giá vào một rổ các đồng tiền của các đối tác thương mại chính, trên cơ sở cân nhắc mối tương quan cung cầu ngoại tệ thị trường và các cân đối vĩ mô sẽ là một lựa chọn chính sách phù hợp.
Ảnh minh họa |
Môi trường lạm phát thấp bao trùm toàn cầu
Có thể nói, hiếm khi nào có sự nhất quán đến vậy trong diễn biến lạm phát ở hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới. Bất kể là nước lớn hay nhỏ, theo đuổi khuôn khổ lạm phát mục tiêu hay không, hầu hết đều chứng kiến tình trạng lạm phát thấp kỷ lục kể từ cuối năm 2014 trở lại đây. Và vì vậy, chưa bao giờ có hiện tượng 43 NHTW trên thế giới cùng đồng loạt thi hành chính sách nới lỏng tiền tệ như trong năm 2015.
Đối với các nước phát triển, lạm phát tại Mỹ, Nhật và các nước châu Âu đã giảm mạnh kể từ cuối năm 2014 và hiện đang xoay quanh mức 0% kể từ giữa năm 2015 trở lại đây, thậm chí âm liên tục trong vòng 2-4 tháng ở khu vực châu Âu, cách xa so với mức lạm phát mục tiêu trong trung và dài hạn là 2% ở Mỹ, Nhật và gần 2% ở châu Âu.
Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, lạm phát tổng thể của các nước lớn như Australia, New Zealand, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Singapore đều giảm mạnh, chệch xuống thấp hơn hẳn so với vùng lạm phát mục tiêu, thậm chí âm ở Singapore. Ở Việt Nam, lạm phát bình quân năm 2015 cũng chỉ tăng 0,63%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% của Quốc hội.
Lạm phát thấp trên toàn cầu chủ yếu là do yếu tố chi phí đẩy giảm
“Thủ phạm chính” gây ra tình trạng trì trệ của lạm phát trên toàn thế giới là do sự sụt giảm mạnh kéo dài của giá năng lượng và hàng hóa trên thị trường quốc tế.
Điều này được minh chứng rất rõ qua diễn biến của chỉ số lạm phát cơ bản sau khi loại trừ biến động giá năng lượng ở các nước đều cao hơn nhiều so với lạm phát tổng thể, lên tới 2% ở Mỹ, 1,2% ở Nhật và tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các nước châu Á.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự phục hồi chậm chạp của khu vực đồng euro và Nhật Bản, trong khi kinh tế của nhiều nước mới nổi có dấu hiệu suy yếu (Trung Quốc, Nga, Brazil…) khiến cho nhu cầu năng lượng và nguyên vật liệu của thế giới sụt giảm, lượng tồn trữ quá nhiều trong khi sản lượng tăng cao do được mùa.
Trong bối cảnh lạm phát thấp, chính sách tiền tệ của các nước lớn đang đi theo những định hướng trái ngược. Lạm phát thấp đang hỗ trợ cho các chương trình nới lỏng định lượng quy mô lớn của khu vực đồng euro và Nhật Bản, trong khi Mỹ và Anh nằm trong số rất ít các quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ căn cứ vào diễn biến tích cực của lạm phát cơ bản, mặc dù lạm phát tổng thể còn cách xa so với mục tiêu.
Chính sách tiền tệ của các quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đứng trước tình thế lưỡng nan khi phải giải quyết bài toán duy trì sức cạnh tranh của nền kinh tế và đảm bảo ổn định thị trường tài chính.
Việc gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế bằng chính sách lãi suất thấp và linh hoạt hóa tỷ giá dường như là sự lựa chọn hàng đầu của các quốc gia, nhằm đối phó với tình trạng xuất khẩu suy giảm.
Tuy nhiên, việc theo đuổi chính sách này không dễ dàng trong bối cảnh dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi nói chung và khu vực châu Á nói riêng trước triển vọng nâng lãi suất với tốc độ nhanh nhất của Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009.
Lạm phát theo năm của một số nền kinh tế 2013 – 2015 |
Kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam
Thực tiễn điều hành chính sách tiền tệ của các nước cho thấy, chính sách tiền tệ nên được đánh giá và điều hành theo lạm phát cơ bản (ở Việt Nam là 2,05% trong năm 2015) chứ không phải lạm phát tổng thể.
Đồng thời, trong môi trường biến động mới, việc áp dụng một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn sẽ giúp gia tăng khả năng đàn hồi của thị trường trước những biến động ngoại lai bất thường, từ đó tạo nền tảng ổn định mới trên cơ sở bồi đắp khả năng phản ứng nhanh nhạy, kịp thời hơn theo tín hiệu thị trường, đồng thời giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối và chính sách lãi suất.
Trong thời gian qua, NHNN đã đạt được những thành công lớn trong công tác điều hành tỷ giá, giúp cho tỷ giá USD/VND diễn biến ổn định ở mức hiếm thấy trong các năm 2012-2014 với mỗi năm có tới 8 -10/12 tháng tỷ giá giao dịch trên thị trường cả chính thức và tự do đều giảm hoặc chỉ tăng nhẹ không quá 0,2% so với tháng trước.
Tỷ giá giao dịch của các NHTM chủ yếu là dưới, thậm chí cách xa trần giao dịch thay vì liên tục kịch trần trong cả năm hoặc 4-9 tháng/năm trong giai đoạn từ 2004-2011 (ngoại trừ 2007). Chênh lệch tỷ giá thị trường tự do-chính thức giảm mạnh từ mức 2.300 đ/USD đầu 2011 xuống còn 77-109 đ/USD.
Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2015 đến nay, tình hình quốc tế có nhiều biến động khó lường, ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô trong nước. Đồng Đôla sau một thời gian dài giảm giá đã liên tục tăng giá trở lại kể từ giữa năm 2014 trở lại đây, tăng giá tổng cộng tới 18-28% so với đồng Yên Nhật, Euro, Ringit, tăng giá 7-12% so với đồng Nhân dân tệ, Won, Đôla Singapo, Bạt Thái, Rupiah trong 2 năm 2014-2015.
Diễn biến này đã châm ngòi cho một loạt các động thái phá giá đồng nội tệ của các nước đối tác thương mại chính của Việt Nam nhằm bảo vệ năng lực cạnh tranh xuất khẩu.
Tiến trình phục hồi kinh tế thế giới diễn ra chậm chạp, nhu cầu tiêu thụ của các nước lớn yếu, khiến khu vực xuất khẩu của các nước gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh càng trở nên gay gắt hơn và nhiều nước chọn lựa chiến lược giảm giá cũng như giảm tỷ giá để hỗ trợ về lượng.
Tỷ giá đồng Nhân dân tệ, thị trường chứng khoán thế giới biến động khó lường, kéo theo sự biến động của luồng vốn. Đồng Đôla Mỹ trong thời gian tới còn triển vọng tiếp tục tăng do FED thắt chặt nhanh chính sách tiền tệ, và nhiều nước châu Á công khai áp dụng chính sách đồng tiền yếu để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Trong bối cảnh thị trường ngoại hối và tài chính quốc tế có nhiều biến động mạnh như vậy, chính sách tỷ giá cần có những thay đổi để phù hợp với tình hình, và việc áp dụng một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn cũng như chính thức neo tỷ giá vào một rổ các đồng tiền là các đối tác thương mại chính của Việt Nam sẽ là một cân nhắc cần thiết nhằm tạo sự linh hoạt hơn cho đồng VND đồng thời giúp neo giữ kỳ vọng tỷ giá tốt hơn.
Linh hoạt ở đây có nghĩa là cho phép tỷ giá dao động lớn hơn theo cả 2 chiều tăng giảm, phù hợp với diễn biến cung cầu ngoại tệ trên thị trường và xét trong mối tương quan với biến động tỷ giá của các nước đối tác thương mại, từ đó tạo kỳ vọng hợp lý cho thị trường về diễn biến tỷ giá trong tương lai, giảm thiểu tình trạng găm giữ, đầu cơ.
Linh hoạt ở đây không nhất thiết là giảm giá đồng tiền mạnh hơn, bởi vì theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực, phá giá mạnh đồng nội tệ không phải là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết khó khăn hiện nay của mọi nước, trong khi có thể kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường.
Việc giảm giá mạnh đồng nội tệ, mặc dù sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế, nhưng cũng sẽ tạo ra kỳ vọng về sự mất giá hơn nữa và từ đó kích thích các luồng vốn ra.
Điều này có thể khuếch đại rủi ro phá giá tiền tệ vượt xa so với mức cân bằng, từ đó dẫn tới rủi ro tăng lãi suất trong nước và suy thoái kinh tế, do đó, việc can thiệp để hạn chế sự sụt giảm quá mức của đồng nội tệ đã được một số NHTW triển khai.
Quỹ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc ước giảm khoảng 400 tỷ trong năm 2015. Dự trữ ngoại hối của Malaysia và Indonesia, những nước có tốc độ giảm giá đồng tiền mạnh nhất trong khu vực, tính đến tháng 11/2015 cũng đã giảm tương ứng 19% và 12%.
Với chính sách tỷ giá linh hoạt hơn, trong điều kiện mặt bằng lạm phát thấp của kinh tế thế giới, Việt Nam có điều kiện nới lỏng hơn chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo neo giữ kỳ vọng lạm phát trong trung hạn.
Diễn biến trong quá khứ cho thấy tăng trưởng M2 và tín dụng cần thiết phải được kiểm soát ở mức độ phù hợp sẽ giúp chính sách tiền tệ chuyển hướng kịp thời khi điều kiện vĩ mô bên ngoài trở nên bất ổn định hơn.