Cho Tây Nguyên thêm xanh
Rộng vốn cho cà phê và lúa gạo | |
Thách thức nâng cao chất lượng cà phê Việt | |
Lãi suất cho vay tái canh cà phê năm 2016 là 6,5%/năm | |
Agribank dành 39 tỷ đồng cho dự án tái canh cà phê trên địa bàn Gia Lai |
Vốn đến nông hộ
Đã lâu rồi chưa có dịp trở lại Tây Nguyên, lần này tôi thu xếp để quyết một phen “nằm vùng” nơi miền đất đỏ bazan để ghi lại câu chuyện tái canh cây cà phê, một chủ trương được Nhà nước dồn sức và các bộ, ngành dồn tài chính, nguồn lực.
Qua 8 giờ sáng, bầu trời Tây Nguyên càng lúc càng cao dần và xanh thẳm. Dọc theo tuyến đường Quốc lộ 14 - tuyến xương sống của Tây Nguyên - gió thổi mạnh qua các nương đồi làm các rẫy cà phê dập dờn như sóng. Đã nhiều lần đến với vùng đất này, song mỗi lần tôi đều cảm nhận diện mạo nông thôn Tây Nguyên có sự đổi thay khác trước...
Từ TP. Buôn Ma Thuột xuôi theo Quốc lộ 27 hướng về thành phố ngàn hoa để đến với vùng đất Cư Kuin - nơi có diện tích trồng cà phê lớn của Đăk Lăk. Giờ đây, đường lộ thênh thang, nhà tầng kiên cố thay cho nhà tôn vách ván. Có một sự “lột xác” đến ngỡ ngàng đã diễn ra ở nơi đây.
Cây cà phê mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào Tây Nguyên |
Anh Phạm Công Thu, Giám đốc Agribank Cư Kuin chia sẻ, hiện kinh tế địa phương chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp. Người dân sống nhờ vào cây cà phê là chính. Nhưng cái được lớn nhất là nông dân đã biết tự chủ đầu tư cho vườn cây, chủ động mở rộng quy mô sản xuất theo hướng bền vững.
Khi hỏi về vốn tái canh cây cà phê, Giám đốc Thu nói, xác định đầu tư vốn cho tái canh cà phê là chủ trương lớn của Nhà nước, nên chi nhánh bắt tay vào triển khai từ rất sớm. Thực tế, nguồn vốn đầu tư này mang lại hiệu quả cao, được người dân hưởng ứng. Để hiểu rõ hơn, Giám đốc Thu đưa chúng tôi đi thăm một số nông hộ thực hiện tái canh cây cà phê trong vùng.
Hộ anh Y Blol ở buôn Ciết, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) được chọn trong danh sách hàng chục hộ vay vốn theo chương trình tái canh cây cà phê. Sau gần nửa giờ cuốc bộ, chúng tôi đã đến được rẫy cà phê của nhà Y Blol. Ra tận đầu con rẫy để đón, anh Y Blol phấn khởi khi tái canh thành công hơn 1ha cà phê, cây đã cao ngang vai người. Đây là thành quả của hơn 4 năm qua anh theo đuổi những ước vọng phát triển kinh tế gia đình.
Đi giữa lô cà phê tái canh lên xanh tốt, Y Blol tự tin, cùng một diện tích đất, độ màu mỡ như nhau nhưng nếu chọn được giống tốt để tái canh, biết ứng dụng đúng quy trình kỹ thuật thì sản lượng luôn cao hơn hẳn, thu nhập cũng được nâng lên so với khi chưa tái canh…
Phát huy hiệu quả
Rời Cư Kuin, theo hành trình đến với tỉnh Đăk Nông, chúng tôi xuôi Quốc lộ 14 theo hướng về Bình Phước, khi tiết trời Tây Nguyên những ngày cuối đông thật dễ chịu. Sáng sớm, không khí se lạnh phảng phất chút gì đó của trời thu miền Bắc. Gần trưa, nơi đây lại mang đậm vị nắng vàng miền Nam sưởi ấm, cộng thêm cái gió hương mùa đất đỏ Tây Nguyên… Tất cả cùng hòa quyện dâng lên lâng lâng khó tả.
Huyện Đăk Mil được đánh giá là cái nôi của cà phê Tây Nguyên, bởi địa phương này diện tích trồng khá lớn, cây cho năng suất cao. Đặc biệt, cây cà phê có mặt ở vùng đất này từ thời Pháp thuộc. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Agribank Đăk Mil, ở đây hầu như nhà nào cũng trồng cà phê. Phần lớn diện tích đã vào thời kỳ thoái hóa nên việc tái canh là cần thiết.
Theo ghi nhận của chính quyền địa phương, mặc dù chưa thống kê được con số cụ thể nhưng thực tế việc tái canh cây cà phê diễn ra tại Đăk Mil khá tích cực. Đã có hàng trăm nông hộ thực hiện, với diện tích lên đến cả trăm ha. Ông Nguyễn Thành Trung (thôn 12, xã Đăk Lao, một trong những nông dân đầu tiên được vay vốn của chương trình tái canh cà phê) đã tái canh thành công hơn 3ha.
Ông Trung chia sẻ, nhờ ngân hàng động viên nên gia đình đã mạnh dạn vay vốn để thực hiện tái canh. Điều đáng mừng là vườn cây phát triển tốt. Năm nay, cho năng suất gần 3 tấn nhân/ha, vụ đầu tiên đạt sản lượng như thế này là quá mỹ mãn, chắc chắn năm sau sản lượng sẽ tăng từ 1,5-2 lần.
Còn đó những trăn trở
Sau những “lặn lội” giữa các rẫy cà phê, bên cốc cà phê đặc trưng của Tây Nguyên, Giám đốc NHNN chi nhánh Đăk Lăk Trần Vĩnh Phúc chia sẻ, đến Tây Nguyên, nếu không nhắc đến cây cà phê là thiếu sót rất lớn. Bao đời nay, cây cà phê gắn chặt với mảnh đất này, gắn với nông dân Tây Nguyên như máu thịt. Rồi dần dà, mối tình “cây và đất” ấy gắn kết người nông dân với vườn, rẫy để mang lại cái “vị đắng khó phai” cho đời...
Nâng cốc cà phê đưa lên miệng uống một ngụm, ông Phúc chậm rãi, cây cà phê được chọn làm cây công nghiệp chủ lực trong phát triển kinh tế không riêng của Đăk Lăk mà cả 5 tỉnh Tây Nguyên. Thế nhưng, cây cà phê đang đặt ra cho chính quyền địa phương cùng nông hộ những thách thức không nhỏ.
Trong số hơn 450.000ha cà phê được trồng tại đây, có khoảng 25% diện tích trên 20 năm tuổi, quá già cỗi, không có khả năng phục hồi. Sẽ ảnh hưởng lớn tới thu nhập của người nông dân, sản lượng và cả giá trị kim ngạch xuất khẩu và sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê Việt nếu không tái canh kịp thời.
Nhận thấy điều này, Chính phủ, NHNN có chủ trương hỗ trợ đầu tư vốn vay cho chương trình tái canh cây cà phê của các DN và nông dân. Agribank được chọn là ngân hàng đóng vai trò chủ lực trong chương trình này.
Song theo ông Phúc, chủ trương có, chính quyền, ngân hàng đã vào cuộc. Vốn lại không thiếu, luôn trong tư thế sẵn sàng đến với người trồng cà phê. Nhưng ngặt nỗi, vốn vay không giải ngân được bao nhiêu. Bởi sức hấp thụ vốn của người nông dân trong việc phục vụ tái canh cây cà phê khá khiêm tốn. Do đó, việc giải ngân vốn đang diễn ra ì ạch. Làm cho tiến độ tái canh cây cà phê luôn thách thức chính quyền cũng như ngân hàng.
Thực tế ghi nhận, việc tái canh mang lại năng suất cao. Nông dân đã nhận thức được việc cần thiết phải làm. Nhưng vốn cho vay chương trình tái canh lại không tăng được.
Là người trong cuộc, nên anh Hòa biết khá rõ nguyên nhân vốn không chảy được. Nghịch lý này được anh Hòa lý giải, người trồng cà phê lâu năm ở Tây Nguyên, ít nhiều tích lũy được vốn nên dùng tự đầu tư tái canh, chỉ vay thêm một ít nếu thiếu hụt. Hơn nữa, đa phần nông hộ chọn tái canh cây cà phê theo hình thức cuốn chiếu. Nếu có 2ha thì tái canh 5 sào, khi 5 sào đó cho thu hoạch, nông dân tiếp tục đầu tư 5 sào khác. Chính điều này dẫn đến vốn tái canh không chảy được.
Một nguyên nhân khác rất thực tế vào bà con Tây Nguyên được Y Blol chia sẻ, nông dân rất muốn nhưng không dám làm. Bởi khi tái canh, buộc phải nhổ bỏ vườn cây cũ, để đất nghỉ, 2 năm sau trồng lại cây mới. Tính từ khi nhổ đến khi cây mới cho thu hoạch trở lại mất khoảng thời gian 5 năm. Trong thời gian ấy, người nông dân lấy gì để bù vào thu nhập, sinh sống hàng ngày. Thế nên những hộ có diện tích nhỏ e ngại.
Rời Tây Nguyên, chiều hoàng hôn trải trên các sườn đồi. Hình ảnh người nông dân còn trăn trở với rẫy cà phê già chưa được tái canh cứ hiện mãi trong tôi. Bởi cây cà phê mang lại cho nền kinh tế là không thể phủ nhận...
Song loài cây này đang đối mặt với thách thức lớn. Vì thế, đòi hỏi các ngành chức năng, chính quyền địa phương phải cùng vào cuộc với ngành Ngân hàng, với người nông dân để nâng cao giá trị cà phê Việt. Có như thế thì ở phía xa trong rẫy cà phê mới mãi vọng về câu hát… Đất chờ nước, nước theo anh về, cho Tây Nguyên thêm xanh... cho tình em thêm xanh...