Thách thức nâng cao chất lượng cà phê Việt
Ảnh minh họa |
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta, đứng thứ 2 thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân. Hằng năm, sản lượng cà phê nhân khoảng 1,3 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD. Cà phê Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 60 thị trường trên thế giới. Trong đó, có một số thị trường lớn như Đức, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Ý…
Tuy nhiên, cà phê Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về chất lượng. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, với 580.000 nông hộ trồng cà phê trên diện tích đất 573.000ha, Tây Nguyên là khu vực canh tác cà phê trọng điểm của Việt Nam. Song có đến 90% các hộ nông dân trồng theo hình thức manh mún, nhỏ lẻ. Do đó, việc nâng cao chất lượng, hướng tới sản xuất bền vững đối với ngành cà phê luôn gặp những khó khăn.
Thực tế cho thấy, lâu nay các nông hộ trồng cà phê áp dụng biện pháp thu hoạch chủ yếu là tuốt cành, nên quả xanh lẫn lộn với quả chín. Việc thu hoạch theo cách này dẫn đến chất lượng khi chế biến bị ảnh hưởng, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao. Cùng đó, phần lớn diện tích cà phê tại các địa phương ở Tây Nguyên đang vào giai đoạn già cỗi cho năng suất thấp, quả nhỏ, không đều, ảnh hưởng đến chất lượng cà phê xuất khẩu.
Trong đó, cà phê trên 20 năm tuổi lên đến 86.000ha, chiếm 15% tổng diện tích cà phê; có trên 14.000ha cà phê từ 15 – 20 năm tuổi, chiếm 20% cũng đang có dấu hiệu già cỗi, sinh trưởng chậm, năng suất và chất lượng thấp.
Một khía cạnh khác cũng ảnh hưởng đến chất lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam là việc phát triển diện tích trồng ngoài vùng quy hoạch. Mặc dù giá cà phê trong thời gian qua ở mức thấp, song vẫn ổn định hơn nhiều loại cây trồng khác.
Do đó, người nông dân phát triển nhiều diện tích ra khỏi vùng quy hoạch trồng cà phê, với tố chất thổ nhưỡng không phù hợp, thiếu nước tưới dẫn đến chất lượng cà phê không được đảm bảo.
Trước thực trạng đó, gần đây, người trồng cà phê cũng như DN trên địa bàn Tây Nguyên dần chú trọng nâng cao chất lượng cà phê. Hiện sản xuất cà phê có chứng nhận là một trong những giải pháp giúp cho việc xây dựng định hướng phát triển cà phê bền vững ở Việt Nam.
Cho đến nay có 4 chương trình cà phê bền vững có chứng nhận đang triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên gồm: Utz Certified, 4C, Liên minh rừng mưa và Thương mại công bằng.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk, trước yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu cà phê, những năm qua, ngành nông nghiệp địa phương chú trọng khuyến cáo nông hộ và DN trồng cà phê theo hướng phát triển bền vững, có chứng nhận của các tổ chức như Utz Certified, 4C, RFA, FT… Nhờ đó, có 40.959 hộ nông dân tham gia sản xuất cà phê được chứng nhận, với diện tích 61.458 ha.
Đến nay, 50% diện tích cà phê trên địa bàn Đăk Lăk được các DN ký kết xây dựng vùng nguyên liệu, quy trình phát triển cà phê bền vững, từ đó hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết giữa các hộ nông dân trồng và chế biến cà phê. Mối liên kết này góp phần giúp người trồng cà phê tiếp cận nhanh chóng với quy trình sản xuất, chế biến cà phê bảo đảm chất lượng, góp phần nâng cao được giá trị xuất khẩu của cà phê Việt Nam.
Tại hội nghị Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, việc canh tác và sản xuất cà phê của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế chưa giải quyết tận gốc. Đây là vấn đề lớn đang đặt ra cho ngành cà phê nước ta trong thời gian tới.
Trong đó, có việc làm thế nào để thực hiện thành công việc tái canh hiệu quả 100.000ha cà phê. Bên cạnh đó, ngoài việc tập trung vào khâu trồng trọt, xuất khẩu thô, ngành cà phê cần chú trọng đầu tư vào khâu chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của hạt cà phê, tăng lợi nhuận cho người trồng cà phê Việt Nam.