Cho vay theo Nghị định 67: Ngân hàng nỗ lực gỡ nút thắt
Để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển | |
Gắn kết trách nhiệm trong bảo hiểm tàu cá | |
Phải xử lý nghiêm các cơ sở đóng tàu gian dối |
Đến ngày 25/8 sắp tới, Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ 67) của Chính phủ về một số chính sách cho vay phát triển thuỷ sản sẽ ghi dấu 3 năm chính thức được thực thi. Suốt 3 năm qua, với sự nỗ lực vào cuộc của các ngành, các cấp, việc triển khai NĐ 67 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại không ít thách thức.
Tạo động lực cho ngư dân
Tổng kết 3 năm thực hiện NĐ 67, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá: NĐ 67 bước đầu đã đạt được mục tiêu của chính sách về hiện đại hóa tàu cá, thể hiện qua kết quả triển khai chính sách vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu ngành khai thác hải sản theo hướng bền vững và tổ chức lại sản xuất trên các vùng biển theo hướng vùng biển xa bờ tổ chức sản xuất theo tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá…
Đặc biệt, vai trò của hệ thống NH được đánh giá tích cực khi nguồn vốn tín dụng NH đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của ngư dân. Trong quá trình triển khai, NHNN luôn sát sao, kịp thời nắm bắt những vướng mắc để đề xuất các giải pháp xử lý khó khăn đẩy mạnh cho vay chương trình.
Nhiều chủ tàu không có nguồn thu để trả nợ NH khiến nợ quá hạn và nợ xấu ngày càng gia tăng |
Đơn cử, bên cạnh chủ động trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay vốn từ 7%/năm xuống 6,5%/năm, NHNN yêu cầu các NHTM tạo điều kiện để khách hàng được vay vốn mức cao nhất theo quy định của NĐ 67, không bắt buộc chủ tàu phải bổ sung thêm tài sản đảm bảo để triển khai đóng mới, nâng cấp tàu. Thậm chí, đối với trường hợp chủ tàu tạm thời gặp khó khăn về vốn đối ứng, NHNN cũng chỉ đạo các NHTM thực hiện xem xét cho vay theo cơ chế vay thông thường để ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu…
Nhờ sự quyết liệt vào cuộc của ngành NH, đến ngày 15/7/2017, các NH đã giải ngân cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá với giá trị 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng, tăng 15,2% so với 31/12/2016. Các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.005 tàu với số tiền cam kết cho vay 9.931 tỷ đồng…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai NĐ 67 cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Những khó khăn ban đầu khi mới triển khai như vấn đề mẫu thiết kế tàu, xác định giá trị con tàu, tình trạng máy tàu… đã được Chính phủ và các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ. Nhưng, hiện tại, nhiều khó khăn tiếp tục phát sinh làm ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách tín dụng.
Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Trần Văn Tần cho biết, đến thời điểm này nhiều chủ tàu không có nguồn thu để trả nợ NH khiến nợ quá hạn và nợ xấu ngày càng gia tăng. “Trong khi đó, các NH đang phải vất vả xử lý các khoản nợ xấu cho vay thương mại, việc phát sinh thêm nợ xấu từ tín dụng chính sách tạo áp lực lớn cho các NH”, một chuyên gia bày tỏ lo ngại.
Theo tổng hợp của NHNN, đến nay đã phát sinh 50 khoản vay với dư nợ 726 tỷ đồng bị quá hạn. Trong đó có 10 khoản vay bị chuyển nợ xấu với số tiền gần 136 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến khả năng trả nợ của chủ tàu bị hạn chế do tàu đóng mới không đảm bảo chất lượng, không khai thác được mà phải nằm bờ, hoặc tàu đã đưa vào khai thác nhưng phải sửa chữa thường xuyên. Số tàu rơi vào tình trạng trên lên tới 48 tàu.
Ngoài ra, khai thác của một số tàu không hiệu quả do nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, thời tiết diễn biến bất thường, thị trường tiêu thụ không ổn định… Các nguyên nhân đó dẫn đến chủ tàu không có nguồn thu để trả nợ NH đúng hạn.
Tìm cách tháo gỡ
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất NHNN chỉ đạo các NHTM xem xét việc gia hạn nợ, kéo dài thời gian ân hạn đối với chủ tàu thép bị hư hỏng phải nằm bờ không hoạt động sản xuất được. Đây cũng là mong muốn của ngành NH và NH có thể xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo các quy định về cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Song, cái khó cho NH là theo quy định tại NĐ 67, ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất trong trường hợp khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, gồm tàu bị thiên tai trên biển, tàu bị nước ngoài bắt giữ sau trả lại, bị tàu nước ngoài hoặc tàu hải tặc đâm va… Do vậy, trong trường hợp NH có thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho ngư dân do tàu đóng mới kém chất lượng thì chủ tàu sẽ không được hỗ trợ lãi suất mà phải trả lãi suất vay thương mại.
Đối với trường hợp này, NHNN đang trình Thủ tướng Chính phủ cho phép các NHTM được cơ cấu lại hạn trả nợ đối với các khoản nợ quá hạn và được hưởng hỗ trợ lãi suất trong thời gian cơ cấu nợ. Tuy nhiên, nếu chỉ mình NH thực hiện, hiệu quả chính sách sẽ không như kỳ vọng. Vì thế, NHNN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố sớm xác nhận tàu bị hư hỏng, không hoạt động thuỷ sản được làm cơ sở để các NHTM thực hiện biện pháp hỗ trợ cho ngư dân. Về phía Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung thủ tục hỗ trợ lãi suất đối với khoản nợ vay không trả nợ đúng hạn của chủ tàu được cơ cấu lại thời hạn trả nợ do nguyên nhân tàu bị hư hỏng, không hoạt động thuỷ sản được.
Riêng với đề xuất kéo dài thời gian ân hạn đối với chủ tàu vỏ thép nằm bờ, hư hỏng, theo quan điểm của NHNN nếu ngân sách Nhà nước cấp bù toàn bộ số tiền lãi được miễn của chủ tàu cho các NHTM sẽ làm gia tăng gánh nặng cho ngân sách. Lãnh đạo NHNN cho biết, hiện nay nhiều tàu đã đưa vào khai thác sử dụng, hết thời gian ân hạn năm đầu tiên và thực hiện trả nợ vay NH.
Nếu thực hiện kéo dài thời gian ân hạn đối với riêng những tàu vỏ thép phải nằm bờ, không hoạt động thuỷ sản được do hư hỏng sẽ tạo bất bình đẳng đối với các chủ tàu hết thời gian ân hạn và đang trả nợ NH đúng hạn. Do vậy, NHNN kiến nghị Thủ tướng chấp thuận không thực hiện giải pháp kéo dài thời gian ân hạn đối với trường hợp này.
Một khó khăn nữa đang được đề xuất tháo gỡ là chính sách bảo hiểm. Hiện tại Bộ Tài chính mới chỉ có văn bản chỉ đạo các công ty bảo hiểm tiếp tục bán bảo hiểm hỗ trợ theo NĐ 67 cho ngư dân đến 31/12/2017, trong khi NĐ 67 quy định chủ tàu được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu hàng năm. Khi xảy ra rủi ro, tài sản là con tàu đã mua bảo hiểm được xử lý theo hợp đồng. Còn trường hợp không hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm trong thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất 11 năm đối với tàu gỗ, 16 năm đối với tàu thép, vỏ vật liệu mới, sẽ gây khó khăn cho các NH khi xử lý rủi ro đối với khoản vay.
Để gỡ khó trong vấn đề này, NHNN đề xuất cho phép chủ tàu được hưởng hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm theo NĐ 67 trong suốt thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất đóng mới, nâng cấp tàu…
Nhờ sự quyết liệt vào cuộc của ngành NH, đến ngày 15/7/2017, các NH đã giải ngân cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá với giá trị 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng, tăng 15,2% so với 31/12/2016. Các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.005 tàu với số tiền cam kết cho vay 9.931 tỷ đồng… |