Để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển
Gắn kết trách nhiệm trong bảo hiểm tàu cá | |
Rầu lòng khi tàu vỏ thép nằm bờ | |
Tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm quy định tại Nghị định 67 |
3 năm cho ngư dân vay 9.000 tỷ đồng
Sau 3 năm triển khai Nghị định 67, hơn 9 nghìn tỷ đồng được ngân hàng giải ngân hỗ trợ đóng tàu, lãi suất cho vay vốn lưu động đã giảm từ 7% xuống còn 6,5%, có 761 tàu cá xa bờ được đóng mới đi vào hoạt động, gần 13 nghìn con tàu được hỗ trợ bảo hiểm.
Đây là chủ trương lớn đột phá đồng bộ, đúng và trúng với nguyện vọng của ngư dân, góp phần vào phát triển kinh tế biển, phát triển nghề khai thác hải sản theo hướng vươn khơi gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đánh giá: Hiệu quả mà Nghị định 67 mang lại là rất lớn. Ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ không chỉ được Nhà nước hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu cá mà còn được hỗ trợ về nhiên liệu và kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, vỏ tàu, ngư lưới cụ... cũng như được bảo hiểm cho chính ngư dân. Còn theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì: Các tàu cá đóng mới này sau mỗi chuyến vươn khơi đều cho hiệu quả cao hơn trước, ngư dân rất phấn khởi... Chủ tàu đã bắt đầu trả nợ được lãi và vốn theo tiến độ cho ngân hàng. Mục tiêu của chính sách về hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được.
Tàu cá vỏ thép đầu tiên của ngư dân Lý Sơn đóng theo Nghị định 67 |
Thứ trưởng Tám cho biết: Nhìn chung, trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, các khó khăn, vướng mắc đã được Chính phủ và các bộ, ngành tích cực tháo gỡ, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục.
Đó là các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ; ngân sách Nhà nước đầu tư cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, khu nuôi trồng thủy sản tập trung còn hạn chế. Nguồn vốn cho duy tu bảo dưỡng thấp nên hầu hết các công trình cơ sở hạ tầng nghề cá bị xuống cấp, quá tải. Việc đào tạo cho ngư dân vận hành tàu hiện đại vẫn khó thực hiện do chưa có quy định hỗ trợ thuyền trưởng và máy trưởng tàu cá vỏ thép và tàu vật liệu mới….
Việc thực hiện chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá chưa đạt được theo mục tiêu của nghị định, ngân sách bố trí để thực hiện chính sách này còn hạn chế, vốn đầu tư cho tàu cá 3 năm qua phần lớn vẫn là vốn tín dụng ngân hàng. Nhưng một số ngư dân có tư tưởng cho rằng đây là chính sách hỗ trợ bằng nguồn vốn của Nhà nước mà chưa hiểu đây là nguồn vốn ngư dân vay của NHTM và phải chịu trách nhiệm về khoản vay này nên còn phát sinh hiện tượng một số ngư dân viện nhiều lý do để không trả nợ ngân hàng đúng hạn.
Bên cạnh đó, việc đào tạo cho ngư dân vận hành tàu hiện đại vẫn khó thực hiện do chưa có quy định hỗ trợ thuyền trưởng và máy trưởng tàu cá vỏ thép và tàu vật liệu mới… Do tàu vỏ thép bị hỏng nằm bờ chờ sửa chữa dài ngày, nhiều ngư dân không đi biển được nên không có nguồn thu để trả lãi ngân hàng.
Chưa có cơ chế xử lý rủi ro cho các NHTM
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết thêm, phương thức cho vay vốn lưu động chưa phù hợp, chưa có cơ chế cho vay phù hợp và cơ chế xử lý rủi ro cho các NHTM nên chưa tạo được sự tích cực trong cho vay của NHTM. Quy định và hướng dẫn về đóng mới tàu cá vỏ thép chưa kịp thời, ngư dân lúng túng chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế, giám sát công tác bảo dưỡng, công tác đăng kiểm còn để sai sót, sự giám sát của các bên liên quan còn thiếu sâu sát.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng kiến nghị cần sửa đổi Nghị định 67, trong đó phải gắn trách nhiệm của địa phương, cụ thể là các đơn vị cấp tỉnh có chức năng tham gia vào quá trình đóng tàu. Bởi hiện nay, mới chỉ có ngư dân tham gia giám sát việc đóng tàu, nhưng lại không có chuyên môn. Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan có chuyên môn thì lại không được tham gia vào khâu này.
Tăng cường giám sát để tàu đóng đạt chất lượng cao nhất, ngư dân yên tâm ra khơi bám biển |
Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc NHNN cho biết, hiện vẫn còn những vướng mắc cần được tháo gỡ như: nhiều chủ tàu vay vốn đóng tàu, nhưng nguồn thu chưa đáp ứng so với phương án vay vốn ngân hàng nên phát sinh các khoản nợ quá hạn. Nghị định 67 chưa có quy định cơ chế chuyển đổi chủ tàu, bảo hiểm tàu khi gặp sự cố tại vùng biển nước ngoài... Ông đề xuất, Chính phủ cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ một lần trong thời gian sửa chữa tàu, đối với các khoản nợ do chủ tàu không trả nợ đúng hạn do nguyên nhân tàu nằm bờ, không hoạt động.
Phó Thống đốc cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố xác nhận tàu hư hỏng nằm bờ, để các ngân hàng có cơ sở thực hiện các chính sách hỗ trợ cho ngư dân, giao Bộ Tài chính hướng dẫn, bổ sung các thủ tục hỗ trợ lãi suất đối với các khoản nợ không trả đúng hạn. "Đối với cơ chế chuyển đổi chủ tàu, trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng đóng mới hoặc muốn chuyển nhượng, NHNN đề xuất tiếp tục được hưởng theo cơ chế của Nghị định 67. NHNN cũng trình Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi này" - ông Nguyễn Đồng Tiến kiến nghị.
Chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị định 67, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Chính sách đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đang diễn ra. Cơ sở hạ tầng nghề cá vừa thấp vừa thiếu đồng bộ, việc đầu tư chưa tương xứng, chưa tạo ra hạ tầng nghề cá chất lượng để hỗ trợ hậu cần nghề cá phát triển. Hệ thống giám sát tàu cá trên biển còn thiếu, chưa đảm bảo an toàn cho hoạt động tàu cá trên biển...”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: "Làm sao để huy động được nguồn lực xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, các cảng cá trọng tâm, cơ chế cho vay phù hợp; quy định rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan đối với các cơ sở đóng tàu mới; sửa đổi bổ sung để có chính sách ưu đãi thuế, đúng với các quy định hiện hành”.
Ông lưu ý: Phải có cơ chế huy động nguồn lực, xây dựng đồng bộ các hạ tầng thiết yếu của các cảng cá loại 1, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng và đầu tư xây dựng các cảng cá động lực tại 5 khu vực là Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang. Về vốn tín dụng, cần áp dụng cơ chế cho vay phù hợp, bổ sung cơ chế xử lý rủi ro đối với vay vốn lưu động. Quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong giám sát đóng mới, giải ngân vốn vay, hướng dẫn chuyển đổi đối với những chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án và sửa đổi, bổ sung các quy định về ưu đãi thuế phù hợp với Luật Thuế hiện hành.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ tập trung cao nhất để hoàn thành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67, sớm ban hành trong quý IV/2017. Đồng thời, rà soát toàn diện các cơ chế, chính sách, quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo tàu đóng cho ngư dân theo Nghị định 67 đạt chất lượng cao nhất, để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển. |