Gắn kết trách nhiệm trong bảo hiểm tàu cá
Phải xử lý nghiêm các cơ sở đóng tàu gian dối | |
Trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm tàu cá? | |
Cấp bách nối lại bảo hiểm tàu cá |
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014 (NĐ 67) sẽ được hoàn thiện vào cuối năm nay và ban hành để triển khai thực hiện vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, hiện nay một trong những vướng mắc quan trọng nhất mà NĐ 67 đang mắc phải là về vấn đề bảo hiểm cho tàu cá và ngư dân.
Mặc dù NĐ 67 đã được triển khai ba năm tại 28 tỉnh, thành, nhưng mới chỉ có một số DN bảo hiểm tham gia bán sản phẩm theo chính sách ưu đãi. Tại một số địa phương, thậm chí chỉ có 1 DN bảo hiểm duy nhất tham gia bán bảo hiểm theo NĐ 67. Do vậy các tàu cá đóng mới và nâng cấp theo chương trình này hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với DN bảo hiểm duy nhất trên địa bàn nếu muốn hưởng các ưu đãi tài chính.
DN bảo hiểm băn khoăn về tỷ lệ bồi thường quá lớn cho tàu cá hư hại |
Phải thừa nhận rằng sau ba năm thực hiện, chính sách hỗ trợ vốn ngân sách để các chủ tàu mua bảo hiểm cho tàu cá đã phần nào phát huy tác dụng. Việc tham gia của các DN bảo hiểm lớn như: Bảo Việt, Bảo Minh, Pjico… với tổng giá trị tiền bảo hiểm đạt khoảng trên 64.800 tỷ đồng (trong hai năm 2015 và 2016) đã là cơ sở để trên 13.600 con tàu đóng mới và nâng cấp theo NĐ 67 đủ điều kiện được giải ngân vốn vay từ các NHTM và hoàn thành, hạ thủy.
Tuy nhiên, việc không quy định chi tiết về quy trình đánh giá xác định giá trị thân tàu để ký kết hợp đồng bảo hiểm, đồng thời không có cơ chế giám sát chặt chẽ quy trình chi trả đối với các hợp đồng bảo hiểm tàu cá theo NĐ 67 khiến các DN bảo hiểm có cơ sở để trì hoãn.
Thực tế, để được tham gia bán bảo hiểm theo NĐ 67, các DN phải đáp ứng yêu cầu có kinh nghiệm triển khai bảo hiểm khai thác hải sản ít nhất 5 năm, có mạng lưới triển khai bảo hiểm thủy hải sản ít nhất tại 10 tỉnh, thành phố… Vì thế, không thể nói là quy trình đánh giá, thẩm định giá trị tài sản bảo hiểm là không chặt chẽ. Tuy nhiên, do các hợp đồng bảo hiểm theo NĐ 67 được ngân sách hỗ trợ trực tiếp từ 70-90% nên khi thỏa thuận hợp đồng, các DN hoàn toàn có thể đẩy cao giá trị thân tàu để nhận được phần hỗ trợ từ ngân sách lớn hơn. Nhưng khi xảy ra sự cố phải bồi thường, các DN sẽ cố gắng viện các quy định hạn chế để đưa mức bồi thường xuống thấp nhất có thể.
Từ thực tế cho thấy, hiện nay doanh thu từ việc bán bảo hiểm theo NĐ 67 là một trong những yếu tố đóng góp lớn cho doanh thu của các DN bảo hiểm. Chẳng hạn, tại Tờ trình kế hoạch kinh doanh năm 2017 của Bảo hiểm Bảo Minh, việc ngừng bán bảo hiểm theo NĐ 67 được đánh giá là có thể sẽ khiến DN hụt doanh thu khoảng 100 tỷ đồng. Vì thế, khó có thể nói rằng các DN ít mặn mà với lĩnh vực bảo hiểm tàu cá.
Tuy nhiên, cũng phải nói việc bán bảo hiểm tàu cá theo NĐ 67 hiện nay được các DN bảo hiểm đánh giá là mảng kinh doanh có mức rủi ro cao nhất. Tại Bảo Minh, năm 2016 tỷ lệ bồi thường cho các hợp đồng bảo hiểm tàu cá ngoài NĐ 67 chỉ ở mức 48,35%, trong khi đó tỷ lệ bồi thường cho các hợp đồng bảo hiểm tàu cá theo NĐ 67 là 98,03%. Với tỷ lệ bồi thường lớn như vậy, để giảm nguy cơ thua lỗ, các DN có nhu cầu tăng phí hoặc thu hẹp phạm vi bảo hiểm cũng là việc dễ hiểu.
Để hỗ trợ tốt hơn, khuyến khích các DN bảo hiểm tham gia bán bảo hiểm theo NĐ 67, Bộ Tài chính mới cho rằng các quy định về mức hỗ trợ tiền bảo hiểm cần được thay đổi. Theo đó, chỉ nên ưu tiên hỗ trợ ngân sách cho các hợp đồng bảo hiểm đối với các tàu cá khai thác hải sản xa bờ. Đối với các tàu khai thác gần bờ, có nguy cơ làm cạn kiệt nguồn lợi hải sản thì chỉ nên hỗ trợ tối đa 50% kinh phí mua bảo hiểm.
Ông Phạm Văn Trịnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bình Thuận - một địa phương có số lượng tàu cá cho vay theo NĐ 67 lớn nhất cả nước cho rằng, đây là kiến nghị khá phù hợp. Bởi chính sách hỗ trợ tiền mua bảo hiểm tàu cá là điều kiện quan trọng để cho các NHTM mạnh dạn cho vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu thuyền. Khi giảm mức hỗ trợ đối với các tàu nhỏ khai thác gần bờ sẽ giúp cho các địa phương dành thêm ngân sách hỗ trợ cho các hợp đồng bảo hiểm với các tàu lớn, đánh bắt xa bờ. Từ đó, việc thanh toán ngân sách cho các DN bảo hiểm tham gia NĐ 67 cũng sẽ được đẩy nhanh hơn, góp phần kích thích các DN bảo hiểm mở rộng các phương thức bảo hiểm theo hướng có lợi cho chủ tàu.
Ngoài ra, cũng theo ông Trịnh, nếu sửa đổi các quy định về hỗ trợ bảo hiểm tàu cá thì Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về quy trình thẩm định, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định giá trị thực tế của tàu cá trước khi ký kết hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời quy định rõ ràng hơn về hồ sơ, thủ tục, thời gian chi trả bảo hiểm cho ngư dân. Việc này sẽ làm cho sự gắn kết giữa các cơ quan, ban ngành và địa phương trở nên chặt chẽ hơn trong việc triển khai chính sách hỗ trợ phát triển thủy - hải sản, giảm tránh được thất thoát ngân sách nhà nước và khắc phục tình trạng tranh chấp về chi trả bảo hiểm.