Chốt mô hình “một ủy ban”
SCIC đã bán thành công hơn 78 nghìn cổ phần Vinamilk | |
Nâng cao hiệu quả công tác đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp | |
SCIC: Nhà đầu tư chiến lược |
Sau nhiều tháng bàn thảo, tại cuộc họp với đại diện các bộ, ngành, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chốt lại mô hình cơ quan chuyên trách để quản lý hơn 5 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước nằm ở DN. Đó sẽ là một Ủy ban trực thuộc Chính phủ. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đề án thành lập Ủy ban này sẽ sớm được trình ra Thường trực Chính phủ và Chính phủ xem xét thông qua để trình Bộ Chính trị cho ý kiến.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối xây dựng Đề án thuyết minh cho việc thành lập Ủy ban chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn Nhà nước tại DN. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban là: tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu Nhà nước; tham mưu phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Chính phủ thực hiện các quyền kia; giám sát thanh tra, quản lý hoạt động đầu tư, quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại DN.
Ảnh minh họa |
Đặc biệt, đây là mô hình Ủy ban thuộc Chính phủ, cơ quan này sẽ có Chủ tịch, Phó chủ tịch hoạt động theo cơ chế thủ trưởng, chứ không phải hội đồng; các đơn vị trực thuộc Ủy ban được ghi rõ bao gồm cả SCIC quốc gia, SCIC của TP.HCM và của Hà Nội.
Đánh giá về quyết định này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là tín hiệu rất tích cực nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước với các nguồn vốn tại DN hiện nay. Việc này nên triển khai mạnh mẽ bởi đã được quy định rất rõ ràng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, trong đó xác định rõ việc “tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản Nhà nước tại các DN. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN”.
Luật Tổ chức Chính phủ 2015 cũng quy định các bộ, cơ quan ngang bộ không còn chức năng “thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DN” như trước đây. Luật DN và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN cũng bỏ quy định về sự tham gia của các bộ quản lý tổng hợp vào thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước đối với DN.
Chủ trương đã có, nhưng theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc cho ra đời được một cơ quan có tính chất “siêu bộ” như vậy trong thời gian qua cũng đã gặp không ít ý kiến phản đối từ một số bộ, ngành.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế thì cho rằng, việc thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn Nhà nước là việc phải làm. Bởi nó không chỉ thay đổi cách thức phân bố nguồn lực, mà là thay đổi phân bố quyền lực. Một số chuyên gia khác thì cho rằng, dù khó khăn thế nào cũng phải thành lập được cơ quan này, vì đây là một xu hướng, một yêu cầu cải cách để nền kinh tế Việt Nam chuyển mạnh, nhất quán sang nền kinh tế thị trường đầy đủ, mạnh hơn, cạnh tranh hơn.
Nếu không thực hiện chủ trương này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ cải cách kinh tế của Việt Nam, vì khối lượng tài sản Nhà nước trong nền kinh tế đang rất lớn, chiếm vai trò chi phối và Nhà nước đang can thiệp rất mạnh vào phân bố nguồn lực này.
“Với khối tài sản lớn như vậy, chỉ cần nâng lên 1% hiệu quả sử dụng, sẽ giúp cho tăng trưởng kinh tế đạt con số 7% hoặc hơn thế, đây là điều hoàn toàn có thể đạt được trong tầm tay”, một chuyên gia nhấn mạnh.
Trước đó, tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng đưa ra một loạt các hạn chế trong cách quản lý nguồn vốn Nhà nước. Cụ thể là, hệ thống các văn bản ban hành theo quy định của Nghị định số 99/2012/NĐ-CP khá nhiều, nhưng vẫn có những nội dung chưa được hướng dẫn, có mặt còn thiếu thống nhất, gây lúng túng, khó khăn trong việc triển khai thực hiện, như vấn đề kiểm soát viên.
Bên cạnh đó, việc thực hiện một số quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước chưa được triển khai đầy đủ; Kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu còn mang tính hình thức, có nơi, có lúc bị buông lỏng; Chế độ tiếp nhận báo cáo, xử lý thông tin của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu còn hạn chế.
Song, điểm yếu chính là bộ máy và mô hình tổ chức thực hiện các quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn Nhà nước tại DN, dù đã được đổi mới, nhưng chưa theo kịp với yêu cầu đặt ra từ thực tiễn quản lý, giám sát các DN.