Chủ động trước các biến động
Điều hành CSTT đã góp phần tích cực kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng | |
Tăng hiệu ứng cho thị trường 2 | |
Điều hành CSTT chủ động linh hoạt để kiểm soát lạm phát, ổn định KTVM |
Tăng khả năng “hấp thụ” cú sốc
Thị trường tài chính thế giới trong tuần qua biến động khá mạnh. Nhưng trên thị trường tiền tệ Việt Nam, mọi việc diễn ra đều trong tầm kiểm soát. Tỷ giá tăng nhưng không có quá nhiều xáo trộn. Cung ngoại tệ dồi dào với thông điệp NHNN có đủ nguồn lực can thiệp thị trường. Ngoài yếu tố trên, theo phân tích của một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực ngoại hối thì với việc sử dụng nhuần nhuyễn các công cụ tiền tệ trong thời gian qua đã hạn chế biến động tỷ giá.
Cụ thể, thời gian qua, NHNN luôn duy trì một khoảng chênh lệch hợp lý giữa lãi suất đồng VND và lãi suất USD; khi lãi suất VND được điều chỉnh giảm để hỗ trợ cho doanh nghệp, lập tức lãi suất USD cũng được giảm theo, hiện lãi suất USD đã giảm về 0%. Điều đó đã gia tăng vị thế cho VND và hóa giải tâm lý găm giữ ngoại tệ khi giữ VND lợi hơn rất nhiều.
Sự nhuần nhuyễn trong sử dụng các công cụ tiền tệ giúp NHNN chủ động ứng phó trước những biến động của thị trường |
Đó cũng là điểm nhấn trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN được một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia đánh giá tích cực. Ông nhận định: việc sử dụng hiệu quả các công cụ CSTT của NHNN trong thời gian qua như phát hành tín phiếu, bơm hút tiền trên thị trường mở… một cách nhịp nhàng, hiệu quả, đã giúp thị trường trở nên ổn định.
Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù NHNN đã mua thêm hơn 7 tỷ USD nhưng hầu như không có một áp lực lớn nào lên cung tiền. Đó là bởi NHNN đã chủ động sử dụng công cụ tín phiếu để trung hoà lượng tiền đồng đưa ra ngoài nền kinh tế. Với việc sử dụng các công cụ tiền tệ trên, NHNN cũng đã đạt được đa mục tiêu vừa kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ.
TS. Võ Trí Thành đánh giá, NHNN đã, đang thực hiện tròn vai, với những bước tiến đáng kể. Ví như, trong khi tỷ giá các nước trên thế giới biến động mạnh trước sự kiện Brexit, bầu cử Tổng thống Mỹ thì tác động tại Việt Nam chỉ dao động ở mức độ nhỏ. Hay như từ đầu năm trước nhiều sức ép cả nội tại, lẫn thế giới bên ngoài đã tạo nên những yếu tố làm tăng khả năng tăng lãi suất, nhưng NHNN đã nỗ lực ổn định mặt bằng lãi suất, thậm chí lãi suất đã giảm thêm.
Sự phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ cũng được đánh giá rất tích cực. Thời gian qua có thể dễ dàng nhận thấy sự “ăn ý” trong phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ, như khi phát hành trái phiếu, thì tín phiếu tạm ngưng. Kế hoạch phát hành TPCP cũng vì thế đã hoàn thành sớm trước cả một quý. “Chính nhờ sự nhuần nhuyễn trong phối hợp, sử dụng các công cụ tiền tệ một cách hợp lý đã giúp NHNN chủ động ứng phó trước những biến động của thị trường, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ” – một chuyên gia nhận định.
Cái khó của người cầm cương
Các chuyên gia cho rằng, nếu giảm lãi suất sâu biểu hiện nới lỏng CSTT, chắc chắn sẽ có một lượng tiền lớn đẩy ra lưu thông, tác động ngay đến lạm phát. Mà nhiệm vụ số một của NHNN là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đó cũng là lý do mà lãi suất chưa thể đẩy xuống thấp được. Hơn nữa, với chính sách đa mục tiêu chắc chắn sẽ không thể trọn vẹn cả nhiều đường. “Nếu bắt bế em thì thôi giã gạo, còn nếu bắt làm cả hai việc thì khó có thể chu đáo được”, TS. Cấn Văn Lực ví von.
Những xung đột trong chính sách đa mục tiêu thì ở nước nào áp dụng mô hình này cũng diễn ra như vậy, vừa phải ổn định đồng nội tệ vừa phát triển kinh tế. Nếu “may mắn” thì NHTW có thể thực hiện được cả hai mục tiêu trên, nếu không thì họ buộc phải lựa chọn đánh đổi một trong hai hoặc là giải pháp trung hòa mục tiêu. Đối với Việt Nam, Chính phủ lựa chọn mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Như vậy, chắc chắn phần nào phải hy sinh tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là thành quả mà NHNN đã vất vả gây dựng và duy trì được trong vài năm trở lại đây.
Thời gian tới, những bất định trên thị trường tài chính ngày càng cao, nhiều ý kiến đánh giá, điều hành CSTT trong giai đoạn này rất khó khăn. Theo ví von của một chuyên gia, điều hành CSTT như người nài ngựa. Người cưỡi ngựa phải điều khiển con ngựa làm sao đến đích an toàn. Cái giỏi của người cưỡi ngựa là biết chọn thời điểm cho từng cung đường, đoạn nào đi từ từ, đoạn nào phải phi nhanh nhưng vẫn ghìm cương không để ngựa hất mình xuống.
Trước những bất định của diễn biến tình hình thế giới, các chuyên gia cho rằng, để sử dụng hiệu quả hơn các công cụ tiền tệ hiện có, NHNN cần bám sát hơn diễn biến thị trường, linh hoạt hơn trong điều chỉnh chính sách và sẵn sàng chuẩn bị những nguồn lực, công cụ tiền tệ để can thiệp khi cần thiết. Đơn cử, với tỷ giá, đặt trường hợp thị trường không tự điều chỉnh được, NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường thông qua hình thức bán ngoại tệ cho các NH kỳ hạn 1-2 tháng để các NH yên tâm, chủ động về nguồn cung cho khách hàng…
TS. Thành đề xuất, dần dần NHNN giảm bớt sự can thiệp mang tính hành chính. Nhưng để làm được điều này, theo ông có ba vấn đề cần phải được xử lý hiệu quả đó là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, lành mạnh hóa hệ thống NH, nhất là những NH yếu kém; và đẩy mạnh công tác truyền thông.
Trong bối cảnh không có nhiều công cụ chính sách lựa chọn thì theo ông Thành, nếu muốn đạt mục tiêu đề ra vừa tăng trưởng kinh tế cao, vừa kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, thì phải xác định rằng đây không chỉ là việc riêng của NHNN. Kỷ luật ngân sách, giảm bớt thâm hụt ngân sách, phát triển thị trường trái phiếu… là những vấn đề mà TS. Thành nhấn mạnh phải thực hiện quyết liệt trong thời gian tới, đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu của Chính phủ trong thời gian tới.
NHNN cần bám sát hơn diễn biến thị trường, linh hoạt hơn trong điều chỉnh chính sách và sẵn sàng chuẩn bị những nguồn lực, công cụ tiền tệ để can thiệp khi cần thiết.
Trong bối cảnh không có nhiều công cụ chính sách lựa chọn, nếu muốn đạt mục tiêu đề ra vừa tăng trưởng kinh tế cao, vừa kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, thì phải xác định rằng đây không chỉ là việc riêng của NHNN. Kỷ luật ngân sách, giảm bớt thâm hụt ngân sách, phát triển thị trường trái phiếu… là những vấn đề mà TS. Thành nhấn mạnh phải thực hiện quyết liệt trong thời gian tới, đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu của Chính phủ trong thời gian tới. |