Chủ tàu không phải bổ sung thêm tài sản đảm bảo
NHTM nào làm sai, sẽ bị xử lý
Trong một trả lời mới đây trước băn khoăn của cử tri, đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng về việc có NHTM khi cho vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP lại yêu cầu ngư dân được xét duyệt phải có thêm tài sản thế chấp mới làm hợp đồng cho vay, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: ngay tại Hội nghị toàn quốc về đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 67 (tháng 4/2015) NHNN đã nêu rõ, sẽ xử lý nghiêm khắc NHTM nào yêu cầu ngư dân vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67 phải bổ sung thêm tài sản đảm bảo ngoài con tàu đang đầu tư.
Do vậy, nếu trong thực tế có trường hợp NHTM yêu cầu các chủ tàu phải bổ sung thêm tài sản đảm bảo ngoài con tàu đang đầu tư, đề nghị cử tri kịp thời phản ánh về NHNN qua đường dây nóng (đăng trên website NHNN) hoặc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn để NHNN xử lý theo quy định.
Ngư dân có thể được vay vốn lưu động để đánh bắt xa bờ |
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Nghị định 67 là hệ thống các chính sách đồng bộ nhằm hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi xa, bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo, như: chính sách tín dụng, chính sách đầu tư, chính sách về bảo hiểm, chính sách ưu đãi thuế...
Trong tất cả các chính sách đó, chính sách tín dụng có vai trò hết sức quan trọng, giúp ngư dân có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH để đóng mới, nâng cấp các tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác xa bờ hiện đại... Và với thời hạn cho vay lên tới 15 năm đã giúp giảm áp lực thời gian trả nợ nên các chủ tàu khá yên tâm đầu tư.
“Nhà nước hỗ trợ lãi suất từ 4 - 6%/năm, chủ tàu chỉ phải trả lãi suất từ 1-3%/năm tùy thuộc vào chất liệu, công suất máy tàu đóng mới, nâng cấp để phục vụ khai thác hải sản xa bờ và chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để đảm bảo khoản vay” – Thống đốc nhấn mạnh.
Toàn Ngành quyết liệt triển khai
NHNN cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67, NHNN đã ban hành Thông tư số 22/2014/TT- NHNN ngày 15/8/2014 hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67. Đồng thời, kịp thời có văn bản yêu cầu NHTM, đặc biệt là các NHTM nhà nước chủ động cân đối nguồn vốn và tích cực triển khai cho vay đối với các chủ tàu theo Nghị định 67.
Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố lựa chọn chủ tàu ngay từ cấp xã đến quá trình phê duyệt danh sách ở cấp tỉnh để rút ngắn thời gian cho vay sau khi UBND tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện được vay ưu đãi từ chương trình này.
NHNN đã yêu cầu các NHTM chỉ đạo chi nhánh, phòng giao dịch niêm yết công khai điều kiện vay vốn, danh mục hồ sơ, thời gian xử lý hồ sơ và thông báo kết quả cho chủ tàu. Chủ tàu và NHTM thỏa thuận về thời gian vay vốn phù hợp với khả năng trả nợ của chủ tàu theo quy định tại khoản 4, Điều 5, Thông tư số 22/2014/TT-NHNN ngày 15/8/2014 của NHNN.
Bên cạnh đó, NHTM và chủ tàu thỏa thuận kế hoạch giải ngân nguồn vốn vay và vốn đối ứng phù hợp với tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu trên cơ sở chủ tàu phải đảm bảo đầy đủ nguồn vốn đối ứng khi tham gia vào phương án/dự án đóng mới, nâng cấp tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ, tàu khai thác hải sản xa bờ.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt trên, việc cho vay đóng mới, nâng cấp tàu và cho vay vốn lưu động theo quy định tại Nghị định 67 đã đạt được kết quả bước đầu.
Nếu như thống kê đến ngày 15/6/2015, cả nước có 75 chủ tàu (đóng mới 70 tàu, nâng cấp 5 tàu) đã được các NHTM ký hợp đồng tín dụng với tổng số tiền gần 721 tỷ đồng và dư nợ đạt hơn 190 tỷ đồng (tài sản đảm bảo của 75 chủ tàu đều là chính con tàu đang đầu tư) thì cập nhật đến ngày 19/8, những con số này đã thay đổi đáng kể. Các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng đóng mới tăng lên 150 tàu với tổng số tiền 1.460 tỷ đồng. Trong đó, đóng mới 144 tàu (68 tàu vỏ thép, 70 tàu vỏ gỗ, 6 tàu vỏ vật liệu mới và nâng cấp 6 tàu).
Ngoài ra, các NHTM cũng đẩy mạnh cho vay vốn lưu động và đến ngày 15/6/2015, đã có 95 khách hàng tại 7 tỉnh (Quảng Ngãi, Bình Định, Tiền Giang, Phú Yên, Bạc Liêu, Huế, Kiên Giang) được các NHTM cho vay vốn lưu động với dư nợ đạt gần 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với một chương trình cho vay triển khai rộng lớn như Nghị định 67 cũng khó tránh được những khó khăn, vướng mắc. Giám đốc chi nhánh NHTM tại một tỉnh miền Trung cho biết, trước đây nhiều ngư dân hiểu chưa rõ chương trình cho vay nên ồ ạt đăng ký, nhưng khi được duyệt rồi thì không ít ngư dân cân nhắc về quyết định đóng mới tàu vì vốn quá lớn trong khi khả năng quản lý, hiệu quả và khả năng trả nợ vay chưa thật rõ ràng.
Bên cạnh đó, do cơ sở đóng tàu ở xa địa phương (các cơ sở đóng tàu chủ yếu ở Hải Phòng và Khánh Hòa) nên ngư dân lo ngại việc không có khả năng để giám sát quá trình đóng tàu, đặc biệt là tàu vỏ thép. Ngoài ra vì chưa có nhiều kinh nghiệm về tàu vỏ thép nên không ít ngư dân có tâm lý muốn đóng tàu vỏ gỗ.
“Thiếu sự ổn định của thị trường tiêu thụ khi sản phẩm thủy hải sản được khai thác với số lượng lớn nên ngư dân cũng lo ngại đầu tư”– Lãnh đạo một Chi nhánh NHTM tại Nghệ An chia sẻ.
Mặc dù vậy, trả lời kiến nghị của cử tri Nghệ An, Khánh Hòa và Quảng Nam về việc triển khai cho vay theo Nghị định 67, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cũng như giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện để tạo thuận lợi cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay.