Chưa lo về “lệch pha” cho vay ngắn hạn
Đến 23/8, tín dụng tăng 9,09%, hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng | |
Tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng | |
Cho vay ngắn hạn đang tăng |
Với tỷ lệ cho vay ngắn hạn của 3 NHTM lớn (Vietcombank, VietinBank, BIDV) lần lượt ở mức 58,1%; 55,4% và 55,1%; nhiều ý kiến cho rằng hoạt động cho vay trong hệ thống NH đang có “sự lệch pha” đối với tín dụng ngắn hạn.
Giới phân tích lập luận, khi tỷ lệ cho vay ngắn hạn của các NHTM lớn tăng cao có nghĩa là hầu hết nguồn vốn được dồn vào cho vay cá nhân, hộ gia đình và cho vay tiêu dùng. Từ đó, phần vốn trung - dài hạn dành cho mục đích đầu tư cải tiến công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng… của cộng đồng DN bị hạn chế. Các DN không mở rộng được quy mô sẽ không thúc đẩy được tăng trưởng và không tạo ra động lực phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, phân tích trên diễn biến thị trường và so sánh mức tăng trưởng cho vay ngắn hạn ở các NHTM so với các năm trước thì có thể thấy rằng nỗi lo được mô tả là “lệch pha” tín dụng ngắn hạn chưa phải là vấn đề đáng ngại. Thậm chí, nếu nhìn dưới góc độ thị trường thì diễn biến này còn có thể xem là một dấu hiệu tích cực…
Nhiều NHTM có tỷ trọng cho vay ngắn hạn cao tạo cơ hội mở rộng cửa tiếp cận vốn lưu động cho DN |
Tỷ trọng cao nhưng tăng chậm
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Vietcombank cho thấy, trong nửa đầu năm 2016, tỷ lệ cho vay ngắn hạn trên tổng dư nợ của NH này đạt mức 58,1%; trong khi đó cho vay trung, dài hạn lần lượt chỉ ở mức 11,5% và 30,4%. Với tổng dư nợ cho vay của Vietcombank ước khoảng gần 453.000 tỷ đồng, dễ dàng có thể tính toán rằng khoảng gần 250.000 tỷ đồng đã được NH này dồn vào các hợp đồng cho vay ngắn hạn.
Tương tự, tại VietinBank và BIDV, khi tỷ lệ cho vay ngắn hạn ở mức trên 55%, nghĩa là phần vốn cho vay ngắn hạn của hai TCTD này nếu cộng lại đã đạt mức xấp xỉ 600.000 tỷ đồng. Nếu cộng thêm cả phần dư nợ cho vay ngắn hạn của Vietcombank, Agribank và một số NHTMCP có tỷ lệ cho vay ngắn hạn cao trên 37% như ACB, MB, Sacombank, SHB… thì có thể tỷ trọng dư nợ cho vay ngắn hạn của những NH lớn hiện nay đang ở mức 50-55% tổng dư nợ tín dụng.
Thế nhưng tỷ trọng cho vay ngắn hạn trong từng TCTD ở mức cao như trình bày ở trên không phải là một hiện tượng bất thường. Hơn nữa nó đang phản ánh phù hợp với quy luật là NH chỉ cung ứng vốn ngắn hạn cho nền kinh tế còn vốn dài hạn thuộc về thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu, các loại giấy tờ có giá…).
Quan sát tại Vietcombank cho thấy, liên tiếp trong các năm từ 2012 đến nay, tỷ lệ dư nợ cho vay ngắn hạn của NH này vẫn luôn duy trì quanh mức từ 59-64%. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ cho vay ngắn hạn thậm chí còn giảm khoảng 1% (từ 59% xuống 58,1%) so với cuối 2015. Nếu so về mức độ tăng trưởng thì cho vay ngắn hạn ở Viecombank trong 6 tháng qua tăng chậm hơn nhiều so với cho vay trung dài hạn. Bởi trong 6 tháng, mức tăng trưởng cho vay ngắn hạn tại NH này chỉ tăng khoảng 7,8% trong khi cho vay trung, dài hạn tăng trưởng ở mức 14,7%.
Tại VietinBank tình hình cũng diễn ra tương tự. Tăng trưởng cho vay trung, dài hạn của NH này được ghi nhận ở mức trung bình 11,6%, trong khi đó cho vay ngắn hạn chỉ tăng trưởng ở mức 8,9%. Tỷ lệ đóng góp của dư nợ ngắn hạn trong cơ cấu tổng dư nợ của VietinBank theo đó có sự giảm nhẹ từ mức 56% vào cuối năm 2015 xuống 55,4% vào cuối tháng 6/2016.
Dòng vốn đi vào đúng chỗ
Với những phân tích ở trên, sự lo ngại về “lệch pha” tín dụng ngắn hạn đã phần nào được giải tỏa. Bởi thực tế tỷ trọng dư nợ cho vay ngắn hạn trên tổng dư nợ vẫn được hệ thống NH duy trì ở mức trên 50% trong suốt nhiều năm gần đây chứ không phải từ đầu năm đến nay mới tăng cao đột biến.
Xét trên góc độ thị trường, hoạt động dồn vốn vào cho vay ngắn hạn của các NHTM lớn cũng không có gì là lạ. Trong vòng 3-4 năm gần đây hầu hết các NHTM đều tập trung tái cấu trúc và hướng đến đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng cũng như phát triển các sản phẩm, dịch vụ NH bán lẻ.
Trong bối cảnh đấy, các NHTM lớn với lợi thế uy tín thương hiệu nguồn vốn dồi dào sẽ có sự cạnh tranh tốt hơn so với các NH nhỏ. Họ sẵn sàng bung vốn tham gia “trên mọi mặt trận” để cạnh tranh tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận với các NH nhỏ. Khi có sự tham gia mạnh mẽ của các NHTM lớn trong mảng bán lẻ, các NH nhỏ muốn cạnh tranh được thì buộc lòng phải đầu tư gia tăng lợi ích sản phẩm, dịch vụ.
Việc này cộng với việc phải tìm cách bơm vốn vào khu vực có nhu cầu vay trung dài hạn để tăng trưởng tín dụng, sẽ làm lợi nhuận của các NH nhỏ giảm đi nhưng nó cũng sẽ làm thị trường tín dụng ngắn hạn trở nên sôi động và đa dạng. Từ đó, khả năng tiếp cận vốn vay lưu động của cộng đồng DN cũng sẽ mở rộng hơn.
Xét từ trường hợp của Vietcombank sẽ thấy rõ điều này. Bởi trong 6 tháng đầu năm 2016 khu vực khách hàng thể nhân và DNNVV vay vốn tại NH này có mức tăng khá mạnh (18,12% và 16,22%). Điều này cho thấy, lượng vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh được NH cung ứng nhiều hơn so với các giai đoạn trước.
Trong một góc nhìn vĩ mô, nếu tất cả 4 NHTM lớn đều có tỷ trọng cho vay ngắn hạn trên 55% và mức tăng trưởng cho vay đối với các khách hàng thể nhân, DNNVV tăng mạnh như trường hợp của Vietcombank thì rõ ràng sự “lệch pha” tín dụng ngắn hạn đang mang lại hiệu quả tích cực. Bởi một mặt nó cho thấy từ đầu năm đến nay hàng triệu tỷ đồng đã được các NHTM đẩy mạnh vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, do một nửa tín dụng chảy vào cho vay ngắn hạn nên rủi ro về thanh khoản trong hệ thống NH được thu hẹp do các TCTD sẽ ít còn áp lực dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Từ đó, rủi ro về tỷ lệ nợ xấu và khối lượng vốn trích lập dự phòng giảm đi, tạo điều kiện cho mục tiêu giảm lãi suất dài hạn mà NHNN đặt ra có thể hiện thực hóa.