Đến 23/8, tín dụng tăng 9,09%, hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng
Lãi suất đang theo nhịp diễn biến kinh tế | |
Cần có cái nhìn đa chiều về lãi suất | |
Lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tín phiếu tiếp tục giảm |
Tín dụng tiếp tục tập trung vào SXKD và các lĩnh vực ưu tiên, qua đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế |
Lãi suất, tỷ giá ổn định
NHNN Việt Nam cho biết, mặc dù lãi suất có áp lực tăng trong điều kiện lạm phát có xu hướng tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước, nhưng với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động được giữ ổn định, qua đó giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các TCTD.
Cụ thể, trên cơ sở diễn biến vĩ mô, tiền tệ, lạm phát, NHNN duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành và thông qua các công cụ CSTT để đảm bảo thanh khoản, tạo điều kiện cho các TCTD giữ ổn định lãi suất huy động.
Bên cạnh đó, từ cuối tháng 5/2016, NHNN đã chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp cân đối vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Đặc biệt, NHNN đã ban hành thông tư sửa đổi quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, trong đó điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình, đã góp phần hỗ trợ giảm áp lực lãi suất cho các TCTD.
Nhờ đó, mặt bằng lãi suất về cơ bản diễn biến ổn định. Từ cuối tháng 4/2016, các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Hiện lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Liên quan đến diễn biến thị trường ngoại hối, NHNN Việt Nam cho biết, với việc điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến cung-cầu ngoại tệ trong nước, thị trường tài chính thế giới, phù hợp với mục tiêu CSTT và thực hiện đồng bộ các công cụ để hỗ trợ tỷ giá khi cần thiết, thị trường ngoại tệ từ đầu năm đến nay diễn biến tích cực.
Tỷ giá USD/VND giao dịch trên thị trường liên ngân hàng giảm và tương đối ổn định trên mặt bằng mới quanh tỷ giá mua ngoại tệ của NHNN (22.300 VND/USD), thấp hơn so với tỷ giá trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đến cuối tháng 06/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016. Theo NHNN Việt Nam, quá trình xử lý nợ xấu của VAMC cũng như của TCTD trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu do cơ chế, chính sách về xử lý tài sản bảo đảm còn bất cập, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho TCTD, VAMC xử lý nợ xấu; quá trình xét xử, thi hành án kéo dài làm cho việc xử lý nợ xấu chậm. Thời gian qua, NHNN đã báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các Bộ liên quan tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho VAMC nhưng đây đều là những kiến nghị liên quan đến các văn bản pháp lý cần phải có thời gian để nghiên cứu, xử lý. Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về một số kiến nghị cụ thể liên quan đến quy định tại các Luật (Bộ luật Dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Đất đai, Luật Thi hành án dân sự,…). Ngoài ra, nợ xấu chủ yếu có tài sản đảm bảo bằng bất động sản nên khi thị trường bất động sản phục hồi còn chậm thì việc phát mại, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản vẫn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến quá trình xử lý nợ xấu. |
Tín dụng hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế
Về hoạt động tín dụng ngân hàng, NHNN cho biết, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp để tín dụng tăng trưởng hợp lý góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, tín dụng đối với nền kinh tế diễn biến tích cực. Tín dụng tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ, đến ngày 23/8/2016, tín dụng nền kinh tế tăng 9,09% so với cuối năm 2015.
NHNN cũng khẳng định, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ có hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế, tín dụng bất động sản và các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát nhưng không ảnh hưởng đến tín dụng bất động sản vào dự án nhà ở xã hội, dự án đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Cụ thể, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của các TCTD (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến tháng 8/2016 ước đạt khoảng 900.000 tỷ đồng, tăng 6,64% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 18% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Thông tin thêm về kết quả cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, NHNN cho biết, tính đến ngày 15/8/2016, 4 NHTM Nhà nước đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 663 tàu (đóng mới 590 tàu, nâng cấp 73 tàu) với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay 6.574 tỷ đồng. Doanh số cho vay đóng mới, nâng cấp tàu đạt 4.294 tỷ đồng, dư nợ đạt 4.288 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, NHNN đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Tính đến hết quý II/2016 đã có trên 540 Hội nghị đối thoại giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp được tổ chức tại 63 tỉnh, thành phố của cả nước nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho trên 50.000 doanh nghiệp và hơn 120.000 đối tượng khác (hợp tác xã, tiểu thương, hộ gia đình...) trong việc vay vốn, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ, cho vay mới...
Tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt hơn 800.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần mức cam kết cho vay mới tại thời điểm cuối năm 2014 (tổng số tiền cam kết cho vay mới năm 2014 là 217 nghìn tỷ đồng). Lãi suất cho vay mới phổ biến 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, giảm khoảng 1% so với trước đây.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ đối với 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do cá chết bất thường, NHNN Việt Nam cho biết, các NHTM đã xây dựng kế hoạch miễn, giảm lãi và cơ cấu nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng và đang tích cực triển khai các gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ cho các khách hàng tại địa phương để triển khai phương án sản xuất kinh doanh mới.
Cụ thể, Agribank triển khai gói tín dụng 500 tỷ đồng, BIDV triển khai gói tín dụng 1.500 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn 6%, trung dài hạn 8%; VietinBank triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn 6%, trung dài hạn 7%; Ngân hàng Chính sách triển khai gói tín dụng 125 tỷ đồng...
Tính đến ngày 15/8/2016, các ngân hàng đã hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại với tổng số tiền cho vay mới 299,29 tỷ đồng cho 3.738 lượt khách hàng; dư nợ được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ là 103,07 tỷ đồng cho 1.255 khách hàng và dư nợ được miễn, giảm lãi là 923,67 tỷ đồng cho 663 khách hàng (số tiền lãi được miễn, giảm là 2,79 tỷ đồng) và đang đề nghị khoanh nợ số tiền 891 triệu đồng cho 44 khách hàng.
Không chỉ vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 772/QĐ-Tg ngày 9/5/2016 về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, ngày 12/5/2016, NHNN đã ban hành Công văn số 3438/NHNN-TD để hướng dẫn 4 NHTM Nhà nước triển khai việc cho vay thu mua, tạm trữ hải sản trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Thời hạn giải ngân cho vay từ 5/5/2016 đến ngày 5/6/2016, thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất tối đa 6 tháng, lãi suất áp dụng là lãi suất cho vay ngắn hạn thấp nhất áp dụng cho các khoản vay cùng kỳ hạn thuộc các lĩnh vực ưu tiên nhưng không vượt quá 7%/năm và được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay trong thời gian khách hàng vay thu mua, tạm trữ hải sản.
Theo chỉ đạo của NHNN, 4 NHTM đều có công văn chỉ đạo các chi nhánh tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế khẩn trương triển khai chương trình. Sau 2 tháng triển khai, các ngân hàng đã cho vay 208,93 tỷ đồng để thu mua 7.302 tấn hải sản.