Chưa qua mùa bão lũ!
Người nghèo lo giá lại tăng | |
Cần chủ động trong phòng chống thiên tai |
Mùa mưa bão năm 2017 đã để lại hậu quả lớn là tình trạng lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía bắc; nước dâng và lở đất ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 15/9, bão số 10 đã tàn phá nhiều tỉnh miền Trung.
Chủ động thực hiện tốt công tác phòng ngừa thiên tai, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản |
Ngay từ trước bão, các phương án di dời, đối phó, túc trực, giảm thiểu thiệt hại đã được các cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương quan tâm. Tàu thuyền đánh cá được đưa vào neo đậu. Đê điều được củng cố lại…Tình hình mưa bão được cập nhật trên các phương tiện thông tin từng phút. Cả nước cùng dõi theo diễn biến của trận siêu bão.
Chứng kiến những ngôi nhà đổ, ruộng nương, tài sản của bà con bị vùi lấp trong nước lũ ở các huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh… (tỉnh Hà Tĩnh) lòng tôi thắt lại. Những gương mặt phạc phờ, lo lắng sau bão khiến mỗi chúng ta phải cảm động.
Bà Hoàng Thị Nhung - người dân xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) chia sẻ: “Bình thường đời sống của bà con đã khó, làm lụng bao ngày, đổ mồ hôi để sắp đến ngày thu hoạch rau, quả thì bị bão cướp mất. Làm sao không đau lòng!
Tại Kỳ Hà, hệ thống trường lớp, trạm y tế bị hư hỏng nặng, khoảng 1.500 ngôi nhà bị tốc mái. Nhớ lại cơn bão số 10 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Tố - Phó Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Hà, cho hay: “Cơn bão khiến chúng tôi thiệt hại nặng nề. Ngoài nhà cửa thì đường sá cũng ảnh hưởng, nhiều diện tích nuôi trồng thủy hải sản bị mất trắng. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 70 tỷ đồng. Các đoàn từ thiện đã đến động viên, tặng quà, chia sẻ, đã tiếp sức cho bà con sớm vượt qua khó khăn”.
Nhận được sự chia sẻ từ các đơn vị, trong đó có Công ty TNHH Carlsberg bà Lê Thị Thẩm (68 tuổi) xúc động: Chúng tôi được cảnh báo về cơn bão, được đưa đến nơi ở an toàn, nay lại được động viên, thấy phấn khởi, ấm lòng lắm!
Xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên nơi có hàng chục hộ nghèo và cận nghèo nhà bị tan hoang do bão. Hơn 60 nóc nhà của xã đã bị tốc. Ngay sau khi bão tan, các cơ quan chức năng đã có mặt kịp thời để cùng bà con khắc phục hậu quả. Chiều tối ngày 15/9, lực lượng thanh niên, công an, bộ đội đã có mặt kịp thời để cùng chia sẻ, di dời bà con đến nơi trú ẩn an toàn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm trở lại đây, các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung phải hứng chịu lượng mưa cực lớn, dồn dập trong thời gian ngắn. Tình hình này đe dọa an toàn tới toàn bộ hệ thống hồ chứa, đặc biệt là 31 hồ chứa thủy điện, liên quan đến các hệ thống đê, những vùng dân cư trũng và sản xuất nông nghiệp.
Mưa lũ đợt này xảy ra trong một bối cảnh cộng hưởng nhiều yếu tố, nguy hiểm chưa từng thấy trong nhiều năm qua. Ngày 12/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ gửi tới nhiều tỉnh và cơ quan chuyên trách.
Công điện nêu rõ: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, những ngày qua, tại một số tỉnh miền núi phía bắc và Bắc Trung bộ đã có mưa lớn, diện rộng, kéo dài, gây sạt lở đất, lũ lụt làm nhiều người chết và mất tích, thiệt hại nặng nề về tài sản, cơ sở hạ tầng của nhân dân và Nhà nước ở một số địa phương. Tại tỉnh Ninh Bình mực nước lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế đã vượt mức lũ lịch sử năm 1985, đã phải di dời dân cư sẵn sàng xả lũ vào vùng Nho Quan, Gia Viễn để bảo vệ đê…
Nhà sập và ngập, người chết, núi lở, tài sản của người dân bị dòng nước “nuốt” mất. Những thảm cảnh đó khiến chúng ta không thể không đau xót. Thiên tai khó tránh và người dân cũng như các cơ quan hữu quan đang phải gồng mình để khắc phục các sự cố, bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều. Qua đó cũng cho thấy sự cộng hưởng của tinh thần đoàn kết, gắn bó, vượt qua khó khăn, thách thức.
Ông Achim Fock, quyền Giám đốc Quốc gia (Ngân hàng Thế giới) tại Việt Nam cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia có nguy cơ cao nhất ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, đối với hạn hán, bão và lũ lụt, những thiên tai gây thiệt hại lớn cả về kinh tế và con người.
Trong thực tế, Việt Nam được xếp thứ bảy trong những quốc gia có nguy cơ dễ bị thiên tai nhất trên thế giới. Trong hai thập kỷ qua, thiên tai ở Việt Nam đã làm hơn 13.000 người chết và gây ra thiệt hại tài sản trên 6,4 tỷ USD.
Câu hỏi đặt ra lúc này là, có thể làm gì để ứng phó với thiên tai và tạo ra một cuộc sống an toàn hơn cho người dân vùng cao, đặc biệt ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất? Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu:
Chủ động thực hiện tốt công tác phòng ngừa thiên tai, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; rà soát, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện kiểm soát an toàn thiên tai; điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng, xu thế diễn biến thiên tai và điều kiện của từng vùng, địa phương; nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là của chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, người dân; chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai trên cơ sở chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra.
Mỗi người dân cần phải bình tĩnh, phối hợp cùng các lực lượng chức năng, tích cực giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại. Đồng thời từ đó nhìn nhận lại khâu dự báo thời tiết để chủ động hơn, tránh bị động trong mùa mưa bão.