Chuyển kiều hối vào sản xuất kinh doanh?
Để hút nguồn lực kiều hối | |
Có chính sách tốt sẽ phát huy hiệu quả đầu tư tốt hơn từ kiều hối | |
Kiều hối nắn dòng |
Trong một thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho thấy có tới 30% lượng kiều hối được gửi vào ngân hàng để lấy lãi, 20% đã mua vàng để tích trữ, hơn 16% đổ vào bất động sản, 30% được đầu tư cơ sản xuất kinh doanh và dịch vụ, 5-7% dành cho tiêu dùng.
Trong khi đó lãnh đạo các NHTM cho biết sau khi lãi suất USD giảm xuống 0% thì lượng tiền gửi ngoại tệ giảm rất mạnh, bên cạnh đó dòng kiều hối hiện có xu hướng chạy vào BĐS sau khi có chính sách cho người nước ngoài sở hữu căn hộ.
Ảnh minh họa |
Nhiều NH hiện muốn chuyển dòng kiều hối vào hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua các kênh tín dụng, nhưng số tiền kiều hối giữ lại NH hiện nay không nhiều do người nhận thường rút ra để tiêu dùng và đầu tư vào các kênh có khả năng sinh lợi hơn là để trên tài khoản tiền gửi.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, lượng kiều hối chuyển về qua kênh chính thức trong 8 tháng đầu năm 2016 ước khoảng 2,9 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo năm nay kiều hối về qua cửa ngõ TP.HCM vào khoảng 5,7-5,8 tỷ USD. Theo ông Minh, gần đây một lượng kiều hối đã được người nhận chuyển vào sản xuất kinh doanh (chiếm 70,6%), kiều hối đổ vào đầu tư BĐS chiếm khoảng 20,7%.
Một chuyên gia kinh tế cũng phân tích, ở bình diện luồng tiền vào BĐS, trong thời gian tới, kiều hối vẫn là dòng tiền lớn, hỗ trợ tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, không phải vì thế mà không tính toán đến xu hướng dòng kiều hối có xu hướng chậm lại khi các thế hệ Việt kiều già đi và mối liên hệ với thân nhân trong nước ít dần.
Bên cạnh đó những khoản kiều hối gửi về hưởng chênh lệch lãi suất như những năm trước đây có thể cũng sẽ giảm đi khi chính sách lãi suất USD 0%. Theo đó các NHTM muốn giữ được các khoản kiều hối trong thời gian tới nên có nhiều chính sách trong chuyển tiền, phí ưu đãi cho kiều bào để thu hút kiều hối nhiều hơn về đất nước.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, các giải pháp hiện tại mà NH sử dụng để giữ nguồn vốn kiều hối hiện nay chỉ là biện pháp nhất thời, bắt buộc các NH cũng như hệ thống chính sách vĩ mô cũng cần hợp lý hơn, lâu dài và bền vững hơn để hướng nguồn vốn này đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Theo đó, Việt Nam cũng cần xây dựng niềm tin và tạo động lực cho kiều bào thông qua các chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp mà không cần phải gửi tiền trong NH.