CNTT: Gia tăng cơ hội sử dụng dịch vụ tài chính
Theo đó, CNTT đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các tổ chức tài chính cung ứng dịch vụ, cũng như thu hút sự tham gia của người dân sử dụng dịch vụ bằng cách dỡ bỏ nhiều rào cản về chi phí, thủ tục hành chính đối với cả bên cung và bên cầu.
CNTT đóng vai trò cầu nối giữa người dân với nhà cung ứng dịch vụ |
Thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia cho thấy, tăng trưởng kinh tế chưa hẳn sẽ làm giảm đói nghèo và tăng việc làm cho xã hội. Ngược lại, còn có thể làm gia tăng khoảng cách giàu-nghèo và bất ổn xã hội nếu thiếu các chính sách kinh tế đồng bộ.
Chính vì vậy, tăng năng lực cung ứng và khả năng tiếp nhận dịch vụ tài chính cho mọi người dân, đặc biệt là người nghèo và các DNNVV ngày càng có ý nghĩa quan trọng trên bình diện toàn cầu, bởi sẽ góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề như nghèo đói, chênh lệch về thu nhập, phúc lợi xã hội và chậm phát triển, là những vấn đề xuất hiện nhiều nhất ở nông thôn.
Tuy vậy, thực tế ở nhiều nước cho thấy, mức độ tiếp cận tài chính là rất khác nhau giữa các khu vực địa lý, độ tuổi, trình độ văn hóa, mức thu nhập của khách hàng…
Hiện nay, CNTT giữ vai trò chủ đạo trong việc mở rộng tính đa dạng, linh hoạt, tính tiện dụng và làm giảm giá của các dịch vụ tài chính. Nhờ đó, hàng trăm triệu người trên thế giới có thể tiếp cận các sản phẩm tài chính với chi phí thấp hơn nhiều so với trước đây.
Không những thế, CNTT còn giúp tạo ra những sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phù hợp nhu cầu, có tính tiện dụng và tương thích cao đối với những khách hàng vốn chưa từng sử dụng các dịch vụ tài chính.
CNTT cũng giúp tăng nhanh tốc độ phát triển và áp dụng thử nghiệm các sản phẩm tài chính mới. Chính việc áp dụng thành công CNTT vào mọi “ngõ ngách” của thị trường tài chính sẽ là chìa khoá mở ra cánh cửa cho mọi người dân sử dụng dịch vụ tài chính.
Th.s Đỗ Việt Hùng, Vụ Ổn định tiền tệ tài chính (NHNN) cho rằng, CNTT đóng vai trò cầu nối giữa người dân với nhà cung ứng dịch vụ. Nó giúp các NHTM giảm đáng kể chi phí giao dịch, từ đó giảm chi phí cho vay và tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ tài chính ở khu vực nông thôn.
Các máy rút tiền tự động (ATM) có vai trò mấu chốt và tạo ra một cuộc cách mạng trong quy trình này. Ngoài ATM, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến cũng được hệ thông ngân hàng khuyến khích sử dụng, đặc biệt là đối với các DNNVV.
Bên cạnh đó, việc bùng nổ số lượng thuê bao di động đã mở thêm một kênh phân phối các dịch vụ tài chính cơ bản đến cộng đồng. Công nghệ đã giúp các giao dịch tài chính được thực hiện tức thời, mở rộng điểm truy cập và cung cấp dịch vụ, giảm nhu cầu phải mang tiền mặt và thu hút thêm nhiều khách hàng mới.
Theo đánh giá của WB và các tổ chức tài chính quốc tế khác, Việt Nam đã đạt thành tích ấn tượng về xóa đói giảm nghèo trong thời gian qua, với sự đóng góp không nhỏ của ngành Ngân hàng trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính vi mô cho người nghèo và các nhóm chính sách xã hội. Trong đó, ứng dụng CNTT vào các sản phẩm dịch vụ tài chính là chìa khóa thành công.
Theo đánh giá của chuyên gia, việc áp dụng CNTT còn giúp các cơ quan hữu quan, các tổ chức tài chính Việt Nam đạt được những tiêu chí cần có để thành công trong mở rộng tiếp cận tài chính, bao gồm các sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng, thuận tiện, an toàn, chi phí thấp. CNTT cũng có thể tích hợp các sản phẩm khác nhau theo nhu cầu người sử dụng như tín dụng thanh toán, bảo lãnh vay vốn, bảo hiểm nông nghiệp…
Theo Th.s Đỗ Việt Hùng, sự thay đổi chóng mặt của CNTT đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước luôn phải bắt kịp với các phát sinh về mặt công nghệ, cũng như tính kinh tế để đảm bảo đồng thời một thị trường cạnh tranh an toàn và bảo vệ người tiêu dùng.
Để thay đổi các mô hình kinh doanh ngân hàng truyền thống trước đây bằng ứng dụng CNTT, buộc các NHTM phải thay đổi cách thức hoạt động, đồng thời thu hút một lượng lớn các nhà cung cấp tham gia. Chính vì lẽ đó mà các cơ quan quản lý Nhà nước phải đón đầu được xu hướng khi đánh giá những rủi ro tiềm ẩn của công nghệ mới.
Có nghĩa là một mặt phải ban hành những quy định chặt chẽ, hạn chế rủi ro, mặt khác phải có được những phương pháp về mặt nguyên tắc để đảm bảo kỷ luật thị trường. Bối cảnh pháp lý như vậy đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan hữu trách. Điều này đòi hỏi sự hợp tác, phối hợp rất chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý trong nhiều lĩnh vực.