Có điều kiện để giảm lãi suất cho vay
Thực tế đã có một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay với đối tượng cụ thể | |
Nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ giảm lãi suất cho vay | |
Nhiều ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay |
Câu chuyện giảm lãi suất huy động (LSHĐ) từ 0,3 – 0,5% của những NHTM Nhà nước ngay khi thị trường bước vào quý IV - quý tín dụng tăng tốc, đã được giới chuyên gia và truyền thông đặc biệt quan tâm. Kéo theo đó là sự kỳ vọng của khách hàng vay vốn về khả năng giảm lãi suất cho vay (LSCV) trong thời gian tới.
Không quan tâm sao được bởi thời điểm này nhu cầu tín dụng thường tăng mạnh nhất trong năm nên các NH không tăng lãi suất đã là may. Nhưng nếu xét ở góc độ cung cầu thị trường, thì động thái trên của các NHTM cũng hết sức bình thường. Bởi hơn ai hết, chính các NHTM lớn này biết về thanh khoản của họ, cần nguồn bao nhiêu để phục vụ cho nhu cầu cho vay gần 3 tháng cuối năm.
Ảnh minh họa |
Ông Tiết Văn Thành – Tổng giám đốc Agribank chia sẻ, họ đã giảm LSHĐ ở một số kỳ hạn nhưng lượng tiền gửi vẫn vào nhiều. Với những khách hàng lớn, gửi tiền tỷ thì các nhà băng đã có danh sách, có chính sách để giữ chân khách VIP. Hơn nữa thông thường những khách hàng VIP này có mối quan hệ thân thiết, lâu dài, vì nhiều mục đích khác với NH chứ không riêng gửi tiền. Do đó lãi suất tiền gửi không phải là mối bận tâm lớn nhất của họ. Còn lại, những khách hàng lẻ rất khó tăng đột biến. Huy động vốn tốt, NH sẽ giảm LSHĐ để giảm chi phí hoạt động.
Việc 4 NHTM lớn gồm VietinBank, Agribank, BIDV, Vietcombank – chiếm 54% thị phần giảm LSHĐ được xem như các “NH đầu tàu” để kéo các NHTMCP cũng điều chỉnh giảm lãi suất theo, tạo mặt bằng lãi suất mới. Tuy nhiên, sau 4 NHTM Nhà nước, hiện mới chỉ có thêm LienVietPostBank đã điều chỉnh giảm LSHĐ đúng bằng mức giảm của 4 NH trên.
Theo một chuyên gia NH, khi các NH lớn giảm lãi suất có thể là điều kiện để các NH bậc trung và nhỏ cơ cấu lại nguồn vốn huy động, nhất là tăng huy động ở kỳ hạn dài.
Vậy đợt giảm LSHĐ này có giúp cho hệ thống NH giảm được LSCV? Thực tế, giảm LSCV là mong muốn của hệ thống NH nếu có điều kiện. Nhìn lại thời điểm từ năm 2011 đến năm 2015, khi lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, LSHĐ được điều chỉnh giảm dần và khi có cơ hội, hệ thống NH cũng ngay lập tức giảm LSCV. Cuối năm 2015 mặt bằng lãi suất VND giảm về mức tương đương giai đoạn 2005 -2006 và bằng 50% mức lãi suất nửa cuối năm 2011.
Hiện nay, mặt bằng LSCV phổ biến từ 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, LSCV ngắn hạn chỉ còn 4-5%/năm. Những tháng đầu 2016, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ theo hướng cho phép hệ thống dư thừa thanh khoản, lãi suất liên NH ở mức thấp để các TCTD nếu khó khăn về thanh khoản có thể dễ dàng tiếp cận liên NH. Từ đầu năm Thống đốc NHNN đã ban hành chỉ thị chỉ đạo các TCTD sử dụng vốn hợp lý, tiết kiệm chi phí, phấn đấu giảm LSCV…
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, khi trả lời về khả năng giảm lãi suất, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên thực tế cũng có một số NHTM giảm LSCV với đối tượng và thời hạn cụ thể.
“Thường cuối năm bao giờ cầu tín dụng cũng tăng cao hơn những tháng đầu năm cùng với diễn biến lạm phát hiện nay thì NHNN sẽ theo dõi sát để điều hành. Việc các NHTM lớn vừa giảm LSHĐ cho thấy thanh khoản dư thừa và đó là cơ sở rất tốt để có thể giảm LSCV”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Khá lạc quan về động thái giảm LSHĐ gần đây của 4 NHTM lớn, TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết: Việc giảm LSCV hiện nay là có điều kiện rồi, số NH mua trái phiếu Chính phủ cũng giảm dần. Bên cạnh đó, với việc NHNN sử dụng linh hoạt các công cụ điều hành sẽ giảm áp lực thị trường, tạo điều kiện để các NHTM giảm LSHĐ tiến tới giảm LSCV.