Cơ hội để thúc đẩy nội lực
Dự kiến xuất khẩu vượt mục tiêu 400 nghìn tấn gạo | |
Xuất khẩu vào thị trường Mỹ: Không TPP, vẫn nhiều cơ hội | |
EU: Thị trường tiềm năng cho xuất khẩu rau quả Việt |
Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao nhất của Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 9 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu các nhóm mặt hàng chủ yếu sang thị trường này đạt 22,2 tỷ USD, tăng mạnh khoảng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2016.
Thống kê của cơ quan hải quan ghi nhận nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng vọt trong 9 tháng đầu năm, như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,67 tỷ USD, tăng mạnh 86,7% so với cùng kỳ năm trước; giày dép các loại đạt 824 triệu USD, tăng 30,1%; hàng thuỷ sản đạt 783 triệu USD, tăng 65,8%; xơ sợi dệt các loại đạt 1,48 tỷ USD, tăng 26%...
Đặc biệt, trong đó đáng chú ý là các mặt hàng nông, lâm và thủy sản. Cụ thể, lượng xuất khẩu mặt hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch 2 tỷ USD, tăng mạnh 53,1% so với cùng kỳ năm 2016; đồng thời, hơn 70% lợng xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong thời gian qua đều hướng đến thị trường Trung Quốc.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, sự gia tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cho thấy mức độ phụ thuộc ngày càng lớn của xuất khẩu vào thị trường này. Có thể thấy, đây là thị trường rất tiềm năng nhờ quy mô dân số lớn, lại rất gần về mặt địa lý đối với Việt Nam, vì vậy vô cùng thuận lợi cho việc xuất khẩu của ta, đặc biệt là với đặc thù của các mặt hàng như nông sản.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR bổ sung, việc đồng Nhân dân tệ liên tục tăng giá cũng tạo điều kiện cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Ông Thành cho rằng, nếu có thể nhận thức được tầm quan trọng to lớn của thị trường Trung Quốc và tập trung vào cải thiện chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu đặt ra, Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn để cải thiện tình trạng nhập siêu và thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nếu không đảm bảo được về chất lượng, chúng ta sẽ khó tránh khỏi các cuộc khủng hoảng dư thừa như đã diễn ra đối với các mặt hàng như thịt lợn, dưa hấu hay vải trong thời gian vừa qua. Việc thị trường Trung Quốc ngày càng phát triển và có yêu cầu cao hơn qua việc tăng rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông sản của Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu để đảm bảo những điều kiện kiểm soát của các nhà nhập khẩu.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng cho biết, xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc đang gặp nhiều thuận lợi. Trước hết đó là nhờ ưu đãi thuế quan trong Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN (CAFTA), Trung Quốc cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 95% số dòng thuế vào năm 2011. Số dòng thuế nhạy cảm còn lại, nước này cam kết cắt giảm về 5-50% vào cuối lộ trình là năm 2018. Ngoài ra, người tiêu dùng Trung Quốc đang có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang thị trường này cũng có một số khó khăn mà DN Việt Nam cần lưu ý. Theo đó, mặc dù hàng hoá Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi, song Trung Quốc hiện áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng từ 13-17%, vô hình trung làm giảm mức độ cạnh tranh về giá của sản phẩm nhập khẩu khi tiêu thụ tại thị trường này. Bên cạnh đó, nước này cũng đã ban hành Luật An toàn thực phẩm mới, theo đó tất cả sản phẩm thực phẩm khi xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải có chứng thư đi kèm do cơ quan chủ quản nước xuất khẩu cấp.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lưu ý, lâu nay các DN Việt Nam vẫn có quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính, không đòi hỏi quá cao về chất lượng sản phẩm, vì vậy đa số hàng hóa nông sản, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đều ở dạng thô, ít chế biến sâu, giá trị thấp. Trong khi đó, thực tế là nhu cầu sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao của Trung Quốc ngày càng lớn lớn. “Người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao hơn 20-30% nếu sản phẩm chất lượng, mức độ an toàn cũng như sự tiện lợi của sản phẩm”, ông Hoè nhấn mạnh.
Chính vì không cập nhật kịp thời sự thay đổi của thị trường, thời gian vừa qua không ít nhà xuất khẩu thuỷ sản nước ta bất ngờ trước các quy định mới của Trung Quốc về nhập khẩu hàng hóa. Theo đó, để xuất khẩu được vào thị trường này, DN bắt buộc phải đáp ứng 3 điều kiện: nằm trong danh mục những nhà sản xuất thủy sản được cơ quan có thẩm quyền Trung Quốc công nhận; hàng hóa xuất khẩu phải được cấp giấy chứng nhận chất lượng; sản phẩm phải nằm trong danh mục sản phẩm thủy sản được nước này công nhận.