EU: Thị trường tiềm năng cho xuất khẩu rau quả Việt
Mặt hàng rau quả: Nhập khẩu tăng mạnh - mừng ít lo nhiều | |
Xuất khẩu rau quả còn nhiều tiềm năng |
Thị trường tiềm năng
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, vài năm trở lại đây, rau quả xuất khẩu (XK) của Việt Nam liên tục thâm nhập sang thị trường các nước và hiện đã có mặt tại 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Kim ngạch XK cũng không ngừng tăng lên, nếu như năm 2016 kim ngạch XK rau quả đạt 2,4 tỷ USD, tăng 33,6% so với năm 2015 thì chỉ trong 9 tháng năm 2017, kim ngạch đã ở mức 2,6 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch rau quả và các sản phẩm chế biến của Việt Nam XK sang thị trường EU đạt gần 100 triệu USD, chiếm khoảng 3,7% tổng kim ngạch XK rau quả của Việt Nam.
Việt Nam hiện XK rau quả sang tất cả các quốc gia trong EU |
Tại hội thảo duy trì và mở rộng thị trường rau quả tươi của Việt Nam xuất khẩu vào EU do Dự án EU-MUTRAP và Văn phòng SP Việt Nam tổ chức diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hữu Đạt - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ: Việt Nam hiện XK rau quả sang tất cả các quốc gia trong EU. Các mặt hàng rau quả xuất sang EU gồm có hơn 19 sản phẩm rau quả chế biến trong đó chủ yếu là nước chanh, nước dứa, gừng xay, nước dừa…16 mặt hàng trái cây tươi trong đó chanh, thanh long, xoài, dứa là những mặt hàng chủ đạo và hơn 30 mặt hàng rau củ tươi trong đó đặc biệt chú trọng đến mặt hàng rau gia vị.
Ông Nguyễn Hữu Đạt cho hay, theo dự báo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thời gian tới tỷ trọng XK rau quả còn tăng cao. Ngoài những thị trường XK lớn như Hoa Kỳ, Úc, Chilê, Nhật Bản, Hàn Quốc… rau quả Việt đang tìm đường phát triển thị trường EU bởi thị trường này được đánh giá khá tiềm năng.
“Không giống như nhiều thị trường khó tính Mỹ, Úc, New Zealand… mà rau quả Việt Nam phải thông qua đàm phán, phân tích nguy cơ dịch hại cho từng loại quả mới được nhập khẩu vào, đối với thị trường EU, tất cả các loại quả tươi của Việt Nam đều được nhập khẩu. Tuy nhiên, rau quả Việt Nam XK sang EU sẽ bị kiểm tra tại cửa khẩu nhập khẩu và kiểm tra tại quầy siêu thị”, ông Nguyễn Hữu Đạt nói.
Cần đặc biệt chú trọng VSATTP
Mặc dù được coi là dễ tính hơn các thị trường Mỹ, Úc… nhưng để đạt được các tiêu chuẩn về VSATTP của EU cũng không hề dễ dàng. Ông Rugguero Malossi - chuyên gia quốc tế, dự án EU-MUTRAP khẳng định, châu Âu là thị trường khắt khe về VSATTP. Cụ thể, EU đã đặt ra mức dư lượng tối đa (MRLs) đối với thuốc trừ sâu trong và trên thực phẩm.
Việc tuân thủ nghiêm ngặt các MRLs và ngăn ngừa vi khuẩn lây nhiễm là những điều kiện tiên quyết để vào thị trường châu Âu. Ông Ruggtuero Malossi cũng cho biết, hầu hết các siêu thị ở EU đều có tiêu chuẩn riêng về thuốc trừ sâu nghiêm ngặt hơn luật pháp.
Cũng theo ông, đối với nhà nhập khẩu rau quả tươi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là bắt buộc. Để thực hiện nghĩa vụ, nhà nhập khẩu tại EU yêu cầu cung cấp bằng chứng về xuất xứ của tất cả các sản phẩm rau quả cùng với vận đơn, giấy chứng nhận kiểm dịch, phiếu đóng gói và chứng từ hải quan. Rau quả XK sang EU phải tuân thủ pháp luật của EU về sức khỏe thực vật. EU đưa ra các yêu cầu về kiểm dịch thực vật để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của các sinh vật gây hại cho thực vật và các sản phẩm thực vật ở EU.
“Nói thị trường EU dễ dàng hơn thị trường khác theo tôi là không đúng. Vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng sản phẩm sau cùng luôn được chú trọng. Không đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra hàng hóa khó "có cửa" vào thị trường EU”, ông Rugguero Malossi nhấn mạnh.
Để đẩy mạnh XK rau quả vào EU, ông Rugguero Malossi cho biết, các DN XK Việt Nam nên đảm bảo việc ghi nhãn và đóng gói có tất cả các thông tin bắt buộc được đề cập, nhưng cũng cần có các thông tin hữu ích khác như logo của nhà nhập khẩu hoặc giấy chứng nhận. Đối với rau quả đóng gói cho người tiêu dùng, DN phải tuân thủ đầy đủ quy định về ghi nhãn thực phẩm trên EU Export Helpdesk.
Đặc biệt, rau quả XK vào EU phải tránh hết các sinh vật gây hại cho thực vật và các sản phẩm thực vật ở EU. Trong trường hợp cần có giấy chứng nhận kiểm dịch để được nhập khẩu vào EU, DN nên nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận này tại Tổ chức Bảo vệ thực vật quốc gia (NPPO) và hỏi nhà nhập khẩu EU về các quy định cụ thể.
Khuyến cáo đối với các DN XK rau quả sang thị trường EU, ông Nguyễn Hữu Đạt cho rằng, với nhóm rau gia vị, DN cần duy trì giải pháp quản lý mã số nhà lưới và nhà đóng gói như hiện nay; Cải tiến theo quy trình nhà lưới và quy trình canh tác trong nhà lưới đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao hơn. Đối với nhóm rau củ và rau quả tươi cần phải có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa nhà XK với người sản xuất đảm bảo nguyên liệu đạt chuẩn VSATTP của EU; Cần thiết phải triển khai hệ thống truy nguyên liệu XK và vùng sản xuất phải đạt chuẩn VietGAP…
Ông Đạt nhấn mạnh, các DN Việt Nam vẫn phải có sự chuẩn bị từ gốc đối với hàng hóa rau quả XK sang EU. Đồng thời, phải có sự liên kết giữa các đơn vị sản xuất với nhà XK để có thể hiểu rõ về điều kiện tiêu chuẩn hàng hóa nguyên liệu XK vào thị trường này; Đảm bảo các nguyên liệu XK sang châu Âu vừa truy xuất được nguồn gốc, vừa đạt chuẩn về kỹ thuật, dịch hại, ATTP. Như vậy, mới có thể thúc đẩy việc XK sang châu Âu ngày càng tốt hơn.
Ông Rugguero Malossi cũng nhấn mạnh, GlobalGap hiện là tiêu chuẩn tối thiểu để các sản phẩm vào được các siêu thị ở EU, vì thế DN Việt phải đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn này. Đồng thời, nên từng bước phát triển sản phẩm hữu cơ vì ngày càng nhiều người tiêu dùng EU thích các sản phẩm thực phẩm được sản xuất và chế biến bằng phương pháp tự nhiên.