Cơ hội ổn định tỷ giá cuối năm
Sức ép lên tỷ giá trong tầm kiểm soát | |
Các ngân hàng tiếp tục giữ ổn định tỷ giá USD | |
Dự trữ ngoại hối tăng góp phần duy trì ổn định tỷ giá |
Cùng với quyết định điều chỉnh tỷ giá trung tâm hàng ngày kể từ ngày 4/1/2016, đến thời điểm này, thị trường ngoại hối tại Việt Nam đang được điều hành theo thực tế diễn biến cung, cầu trên thị trường trong nước và có tham chiếu với thị trường quốc tế thay vì được cố định tỷ giá.
Vốn đầu tư gián tiếp tăng 64%
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2017, có hơn 3.700 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FII) với tổng giá trị vốn góp 4,2 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn số cả năm 2016 đạt được (năm 2016 vốn FII vào Việt Nam đạt 3,42 tỷ USD).
Vốn FII đang mạnh vào Việt Nam thời gian qua cho thấy đầu tư trong góp vốn, mua cổ phần của các DN tại Việt Nam bao gồm cả mua cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt đang cực kỳ hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Bởi trong 9 tháng đầu năm đã có khoảng 660 triệu USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đi vào thị trường chứng khoán.
Các NHTM sẵn sàng bán USD cho các nhu cầu nhập khẩu của DN và cá nhân ra nước ngoài khám chữa bệnh, du học… |
Ghi nhận trên 2 sàn chứng khoán cho thấy, sau khi mua ròng mạnh trong hai quý đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trong quý III. Cụ thể, trên sàn HSX, khối này đã mua vào 28.600 tỷ đồng và bán ra 23.800 tỷ đồng, giá trị mua ròng đạt hơn 4.800 tỷ đồng.
Phân tích sâu hơn, có thể thấy khối ngoại mua ròng mạnh ở nhóm cổ phiếu mới lên sàn. Chẳng hạn các mã: VPB của VPBank, VCI và PLX, CTCK Bản Việt và Petrolimex lần lượt được mua ròng ở mức 1.500 tỷ đồng, 1.100 tỷ đồng và 462 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn truyền thống vẫn được mua ròng đều đặn từ đầu năm đến nay, điển hình như VNM của Vinamilk (4.678 tỷ đồng); HPG của Tập đoàn Hòa Phát (1.763 tỷ đồng); CTD của Coteccons (789 tỷ đồng)...
Nếu xem xét tỷ lệ mua ròng trong các nhóm ngành thì lĩnh vực tài chính có mức mua ròng mạnh nhất của khối ngoại với số lượng khoảng 2.040 tỷ đồng. Khối ngành dịch vụ công cộng đứng thứ 2 với khoảng 1.180 tỷ đồng và đứng thứ 3 là nhóm hàng tiêu dùng với 742 tỷ đồng.
Như vậy, tính chung 9 tháng đầu năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 13.500 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu. Trong khi đó tại thị trường trái phiếu, các nhà đầu tư FII cũng mua ròng khoảng hơn 18.000 tỷ đồng. Tổng cộng cả hai thị trường khối lượng mua ròng đạt khoảng 31.500 tỷ đồng, là mức kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây.
“Tấm đệm” cho tỷ giá khá dày
Quan sát diễn biến tỷ giá từ đầu năm đến nay cho thấy, mặc dù tỷ giá trung tâm liên tục được NHNN điều chỉnh, tuy nhiên mức độ tăng qua từng phiên không quá lớn. Tính chung trong 3 quý đầu năm 2017, tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,4% so với thời điểm cuối năm 2016. Trong khi đó, tỷ giá giao dịch tại các NHTM diễn biến khá bình lặng và hầu như không thay đổi so với thời điểm cuối năm 2016.
Theo phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC), hiện nay các yếu tố hỗ trợ ổn định tỷ giá các tháng cuối năm 2017 là khá tốt. Theo đó, con số dự trữ ngoại hối của Việt Nam mới đây nhất được NHNN công bố là 45 tỷ USD, tăng thêm 6 tỷ USD so với thời điểm cuối năm 2016. Vào thời điểm tháng 6/2017, lãnh đạo NHNN thông tin dự trữ ngoại hối đạt xấp xỉ 42 tỷ USD. Như vậy từ cuối tháng 6 đến nay, NHNN đã bơm ra một lượng tiền đồng lớn (khoảng 68.000 tỷ đồng) để mua ròng 3 tỷ USD. Điều này cũng chứng tỏ rằng trong 3 tháng cuối năm NHNN hoàn toàn có đủ nguồn lực để can thiệp vào thị trường tiền tệ khi cần thiết.
Ngoài yếu tố dự trữ ngoại hối và yếu tố mua ròng của khối ngoại đều đạt mức kỷ lục như trình bày ở trên, các yếu tố khác cũng đang diễn biến thuận lợi cho việc duy trì sự ổn định tỷ giá.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nếu tính đến hết tháng 8/2017 cán cân xuất nhập khẩu vẫn nghiêng về phía nhập với mức nhập siêu 0,77 tỷ USD thì kết thúc tháng 9/2017 với mức xuất siêu cộng thêm 1,1 tỷ USD, cán cân thương mại đã nghiêng về phía xuất với 328 triệu USD được các DN thu về từ xuất khẩu hàng hóa.
Ngoài ra, hiện nay nguồn kiều hối được NHNN nhận định vẫn sẽ duy trì ở mức khả quan. Tính riêng tại TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2017 nguồn kiều hối đổ về đã khoảng 3,3 tỷ USD. Việc giải ngân vốn FDI hiện nay cũng được ghi nhận đạt khoảng 12,5 tỷ USD tính đến cuối tháng 9, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ các phân tích ở trên, BVSC cho rằng cán cân cung cầu ngoại tệ trên thực tế có xu hướng nghiêng về phía cung, có tác động hỗ trợ cho giá trị VND trong 9 tháng đầu năm nay và sẽ tiếp tục ổn định trong quý IV và nhiều khả năng mức mất giá của VND trong cả năm 2017 sẽ chỉ ở mức khoảng 1-2%.
Đồng tình với các phân tích trên, tuy nhiên các chuyên gia tại CTCK Sài Gòn (SSI) cho rằng, sự ổn định của tỷ giá hiện nay mới chỉ thể hiện rõ trong động thái đi ngang và bám sát giữa đồng VND với đồng USD. Thực tế tiền đồng vẫn đang mất giá so với hầu hết các đồng ngoại tệ chủ chốt trên thị trường quốc tế. Trong đó, đồng Euro tăng 14,24%, đồng Bảng Anh tăng 6,75%, đồng Yên Nhật tăng 8,35%, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng 6,79%... trong 9 tháng đầu năm. Vì vậy, nếu xét một cách tổng quát thì áp lực ngoại tệ hiện vẫn đang lớn dần đối với tiền đồng. Và trong 3 tháng cuối năm có thể sẽ có biến động mạnh hơn do yếu tố mùa vụ kinh doanh của DN và sự biến động khó lường của các đồng tiền quốc tế trong rổ tiền tệ tham chiếu.
Các số liệu trên đây mới chỉ được các tổ chức tính toán dựa trên cung cầu ngoại tệ chứ chưa tính đến các đòn bẩy trong tài chính, chẳng hạn một đồng ngoại tệ xuất khẩu NHTM có thể xoay ba đồng ngoại tệ nhập khẩu.