Cơ hội thay đổi công nghệ đánh bắt xa bờ
Ngư dân hào hứng đón vốn mua tàu sắt
Theo số liệu của NHNN, tính đến hết quý I/2014, dư nợ cho vay nuôi trồng, khai thác, thu mua, chế biến thủy sản ước đạt khoảng 54.000 tỷ đồng, tăng 0,67% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, khoảng 80% vốn cho vay đối với lĩnh vực thủy sản tập trung vào khâu nuôi trồng và chế biến, còn cho vay đối với ngư dân khai thác trên biển khá thấp.
Thống kê tại 8 tỉnh Duyên hải miền Trung cho thấy, cho vay đối với ngư dân khai thác trên biển đến cuối quý I/2014 chỉ đạt 5.777 tỷ đồng, bằng 17,15% so với tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều người dân mong muốn, ngành Ngân hàng tích cực hơn đối với cho vay lĩnh vực thủy sản, trong đó ưu tiên nhiều cho lĩnh vực cho vay đầu tư khai thác trên biển.
Cần những tàu hậu cần để hỗ trợ ngư dân tiêu thụ hàng hóa ngay trên biển
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho ngư dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện dự thảo Nghị định Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản trình Chính phủ. Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, về cơ bản một số nội dung đã được Chính phủ thống nhất, trong đó có cơ chế cho ngư dân vay vốn ưu đãi với lãi suất 3%/năm (lãi suất thực tế vay tại các NHTM là 5%/năm, nhưng được Chính phủ bù lãi suất 2%/năm) để đóng tàu sát, thời hạn cho vay 10 năm, cộng một năm ân hạn, thế chấp tài sản bảo đảm bằng chính con tàu đó.
Trong khi chờ Nghị định của Chính phủ cũng như thông tư hướng dẫn từ phía NHNN, mới đây BIDV dự kiến đưa ra chương trình tín dụng cho vay 3.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp bám biển. Theo đó, BIDV sẽ tài trợ vốn trung, dài hạn để đóng, mua mới, cải hoán, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ công suất lớn và ngư cụ. BIDV sẽ cho vay đến 90% giá trị con tàu, với lãi suất 2-3%/năm; đối với tàu vỏ gỗ, BIDV cho ngư dân vay 70% giá trị con tàu với lãi suất 5% trong thời hạn 7 năm.
Là một trong số những ngư dân đầu tiên được ký cam kết vay vốn của BIDV, ông Bùi Thanh Ninh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn – Bình Định cho biết, ông đang dự kiến đầu tư con tàu hiện đại bằng vỏ sắt có giá trị khoảng 7-8 tỷ đồng, mã lực trên 1.000 CV từ vốn vay của BIDV.
“Hiện tôi đang sử dụng tàu gỗ cũng trên 1000 CV và có giá 4 tỷ đồng, độ bền của tàu khoảng 10 năm là bắt đầu phải sửa. Nghe nói độ bền của tàu sắt lên tới 30 năm. Tôi cũng rất mừng khi Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân và ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay chỉ khoảng 2,5%/năm, ngư dân lại được thế chấp luôn con tàu đó để vay vốn” – ông Ninh tâm sự.
Mặc dù mới chỉ ký cam kết và chưa nhận vốn từ ngân hàng nhưng niềm vui của ông Ninh và nhiều hộ dân ở huyện Hoài Nhơn đã lan tỏa, tạo động lực cho ngư dân tiếp tục bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của của Tổ quốc.
Ngân hàng cần nhận được sự phối hợp
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, Nghị định về chính sách phát triển thủy sản theo hướng chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa tàu cá, đóng mới tàu vỏ thép, đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để đánh bắt xa bờ, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh chủ quyền biển đảo, vay tín dụng thương mại phục vụ sản xuất đối với ngư dân, nuôi trồng thủy sản với gói tín dụng 10.000 tỷ đồng, lãi suất tín dụng khoảng 5%/năm (ngân sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm), thời hạn cho vay 10 năm và ân hạn 1 năm.
Đại biểu Quốc hội Lê Nam (Thanh Hóa) cho biết, ngân hàng dành 10 ngàn tỷ đồng cho ngư dân vay với lãi suất 3%/năm, ân hạn một năm và lại được mang chính con tàu ấy làm tài sản thế chấp là cực kỳ ưu đãi. “Thật là vui, những ước mơ khao khát của ngư dân đã lâu lắm rồi giờ mới có khả năng được đáp ứng. Niềm vui, hy vọng, niềm tin vào Đảng và Nhà nước đã tiếp tục được khẳng định với những gì diễn ra sau kỳ họp thứ 6 đến nay.” – ông Lê Nam nói.
Nguồn vốn cho vay đã sẵn sàng, nhưng cách làm ăn thế nào cho hiệu quả để không chỉ bảo toàn nguồn vốn, trả được nợ cho ngân hàng, tạo thu nhập cho ngư dân, nâng cao chất lượng thủy hải sản là điều cần phải được bàn tới. Bởi lâu nay, ngư dân vẫn chủ yếu đánh bắt xa bờ theo hình thức cha truyền con nối, ngư cụ lạc hậu, các dịch vụ hậu cần nghề cá chưa phát triển nên đa số ngư dân sử dụng biện pháp ướp cá thủ công bằng đá cây chờ đưa vào bờ bán. Chính vì vậy chất lượng các sản phẩm hải sản còn hạn chế ngay cả với thị trường trong nước chứ chưa nói gì tới xuất khẩu.
TS Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, để phát triển thủy sản chúng ta phải giải quyết đồng bộ. Thứ nhất, phải tính toán thay đổi công nghệ và phương thức đánh bắt xa bờ. Nếu chúng ta cứ đánh bắt như hiện nay không chỉ không hiệu quả mà chất lượng sản phẩm không bảo đảm. Ví dụ, chúng ta muốn đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ nhưng hiện Việt Nam chỉ có 10% sản phẩm đảm bảo đủ yêu cầu xuất khẩu. Thứ hai, ngư nghiệp muốn phát triển được cần vai trò của Nhà nước, trong đó phải xây dựng được các Trung tâm hậu cần nghề cá . Hiện chúng ta đã đưa ra quy hoạch 5 vùng nhưng nay chưa làm được.
Bên cạnh việc ngân hàng cho ngư dân vay đóng tàu, theo TS. Trần Du Lịch chúng ta còn có thể áp dụng phương thức Nhà nước đóng tàu thuyền để người dân thuê, thuê mua (trả góp), giống với mua nhà trả góp. Thứ ba, để Chính sách ngư nghiệp phát triển được thì phải có vai trò của DN lớn, để họ đầu tư đội tàu hậu cần hỗ trợ ngư dân ngay trên biển. Các tàu hậu cần cung cấp số hàng hóa cho người đánh bắt hàng tháng trên tàu. Thay vì ngư dân chạy về bờ bán cá thì chuyển cá cho tàu lớn. và tàu lớn này có mạng lưới phân phối sẽ nhanh, hiệu quả hơn. Thay vì ngư dân ướp cá bằng đá cây thì những tàu lớn có hệ thống cấp đông có chất lượng. Như vậy chính những DN lớn là con sếu đầu đàn, còn ngư dân chỉ lo chuyện đánh bắt, còn thị trường cũng do các DN lớn làm.
Để chương trình đánh bắt xa bờ với công nghệ mới hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với cơ chế, chính sách thì công tác đào tạo rất quan trọng. Khi ngư dân chuyển từ đánh bắt hải sản bằng tàu gỗ với công suất nhỏ sang tàu vỏ sắt,vật liệu mới công suất lớn cần tổ chức tốt công tác đào tạo, huấn luyện vận hành khai thác, tổ chức lại sản xuất. “Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các quy định cụ thể về điều kiện cho phép vận hành, các địa phương tổ chức tốt việc huấn luyện, đào tạo, trang bị kiến thức, kinh nghiệm cho ngư dân, chủ tàu”- Đại diện một NHTM lớn đề xuất.
Theo lãnh đạo một NHTM lớn, do vốn vay chỉ được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay và tỷ lệ cho vay rất cao (90% đối với tàu vỏ sắt/vật liệu mới) nên đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp, hỗ trợ ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo tiền vay và nguồn tiền từ đánh bắt hải sản để thu hồi nợ. Cụ thể: Hỗ trợ ngân hàng thông tin về vị trí các con tàu, thông tin về kết quả đánh bắt; Hỗ trợ ngân hàng thu giữ các con tàu hình thành từ vốn vay không được trả nợ đúng hạn, người vay cố tình chây ì không trả nợ; Đẩy mạnh việc xây dựng mô hình liên kết hoạt động theo chuỗi: cơ sở đóng tàu – cung cấp hậu cần – chủ tàu – đơn vị tiêu thụ sản phẩm để tạo sự ổn định, tiết giảm chi phí, gia tăng giá trị.
TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Xây dựng đội ngũ ngư dân của thời đại công nghiệp hóa Ngay từ bây giờ chúng ta cần thay đổi phương thức đào tạo cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Có nghĩa là đào tạo, xây dựng đội ngũ ngư dân của thời đại công nghiệp hóa chứ không phải ngư dân theo cha truyền con nối. Chúng ta phải có giáo dục để ngư dân hiểu, nhận thức được việc thay đổi phương thức đánh bắt, ý thức bảo vệ nguồn hải sản. Cách đánh bắt thủy sản bằng ngư cào tiêu diệt phải được loại bỏ. Nếu họ vẫn đánh bắt cả con cá lòng tong thì không được. Về phía Nhà nước cần phải giúp xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm thủy sản ra thị trường thế giới. Những việc làm đó phải đồng bộ. Còn trước mắt với tình hình biển đảo hiện nay chúng ta nên bớt chi ngân sách từ chỗ khác để hỗ trợ phát triển thủy sản. Ông Phạm Quang Tùng - Phó tổng giám đốc BIDV: Cần nhiều hơn những tổ đội đánh bắt xa bờ Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh việc lựa chọn, phê duyệt các thiết kế tàu mẫu theo từng mục đích đánh bắt và dải công suất, đặc biệt là tàu sắt và vật liệu mới để ngư dân/chủ tàu lựa chọn thiết kế phù hợp với năng lực và nhu cầu. Chính phủ bố trí nguồn vốn và có kế hoạch đầu tư đồng bộ các cảng cá, cơ sở neo đậu tránh trú bão, hệ thống cung cấp hậu cần, thông tin liên lạc cùng với việc phát triển đội tàu. Bên cạnh đó, việc lựa chọn người vay (có kinh nghiệm quản lý và đánh bắt, có nhân thân tốt và uy tín, có vốn đối ứng, có tham gia tổ đội/hợp tác xã đánh bắt) có vai trò quan trọng quyết định hiệu quả đầu tư và thành công của chương trình. Vì vậy, đề nghị các cấp chính quyền địa phương rà soát quy định thành lập, quy chế tổ chức hoạt động các tổ đội/hợp tác xã, nhân sự quản lý các tổ đội/hợp tác xã để đảm bảo việc xác nhận thông tin cá nhân người vay được khách quan, chính xác, gắn trách nhiệm trong việc xác nhận thông tin và hỗ trợ ngân hàng thu nợ. Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên – Huế): Tạo thế lòng dân liên hoàn trên biển là đúng đắn Chúng ta đã tổ chức cho những đội tàu cá vừa kết hợp kinh tế, kết hợp quốc phòng. Thời gian tới ngân hàng hỗ trợ nhiều hơn cho ngư dân bằng cho vay lãi suất ưu đãi để họ vừa đánh cá, vừa giữ vững chắc biển đảo, tạo thế lòng dân liên hoàn trên biển là đúng đắn. Tôi đề nghị, Nhà nước cần tiếp tục tập trung đầu tư đánh cá lớn cho ngư dân. Trước mắt là các tỉnh trọng điểm, cần có nhiều đội tàu vừa đánh cá, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo. Đồng thời kiện toàn tổ chức các doanh nghiệp, các nghiệp đoàn lớn đánh cá trên biển để tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Chúng ta có 28 tỉnh, thành phố với trên 1 triệu ngư dân, cùng với đó là lực lượng dự bị động viên hết sức hùng hậu đã qua nghĩa vụ hải quân, nghĩa vụ biên phòng. Lực lượng này nếu tổ chức lại thì chúng ta có một thế trận quốc phòng toàn dân trên biển bảo vệ vững chắc biển đảo. |
Nhóm PV